Di dời dân vùng ngập lũ Hương Khê: Còn đó những khó khăn

(Baohatinh.vn) - Hiệu quả và ý nghĩa nhân văn mà các dự án di dời, tái định cư (TĐC) cho người dân vùng thiên tai ở Hương Khê mang lại là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng, tại thời điểm này, ngoài việc hàng trăm hộ ở nơi thấp lụt đang có nhu cầu tìm nơi ở mới chưa được giải quyết thì cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân TĐC vẫn còn những khó khăn, bất cập...

>> Di dời dân vùng ngập lũ Hương Khê: Tín hiệu vui từ vùng đất mới...

Hệ thống hạ tầng chưa đảm bảo

Mặc dù chủ trương di dân vùng thấp lụt là một chính sách ưu đãi, đúng và cần thiết nhưng do điều kiện ngân sách của các cấp còn hạn chế nên công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm và thiếu đồng bộ. Khu TĐC Đập Mưng (xã Phương Điền) được UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 5,4 tỷ đồng, chỉ đủ để san lấp mặt bằng và xây dựng các hạng mục mang tính cấp thiết. Do đó, khu TĐC này hiện vẫn chưa có các công trình nước sạch, nhà văn hóa cộng đồng, thiếu các tuyến đường nhánh và một số công trình cần thiết khác.

Do chưa được đầu tư nên đường vào khu TĐC Cơn Lá (xã Hà Linh) đang rất lầy lội, vào mùa mưa đi lại khó khăn.

Tình trạng này cũng xẩy ra ở khu TĐC Cơn Lá (xã Hà Linh). Ông Nguyễn Đình Manh - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Linh thông tin: “Do chưa được đầu tư xây dựng nên hệ thống cơ sở hạ tầng ở khu TĐC Cơn Lá đang rất thiếu và yếu. Nhà văn hóa cũ kỹ, chật chội, không đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của cộng đồng; hệ thống đường giao thông nông thôn dài 4,5 km đang xuống cấp nghiêm trọng, cứ mưa là ngập và lầy lội, các phương tiện giao thông không thể đi vào; các tuyến đường nội đồng dài hơn 5 km cũng chưa được đầu tư... Điều này đang gây cản trở lớn trong việc đi lại, nâng cao đời sống, ổn định sinh kế, phát triển sản xuất của người dân TĐC nhưng địa phương “lực bất tòng tâm” vì không có nguồn lực để triển khai xây dựng”.

Do các địa phương thực hiện di dân ngập lũ là những xã nghèo nên việc đầu tư xây dựng đều trông vào nguồn của tỉnh và Trung ương bố trí. Trước thực trạng hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu thốn này, người dân TĐC và chính quyền các xã Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ đã nhiều lần có ý kiến, kiến nghị lên cấp trên nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Và qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngoài việc hoàn thiện dự án tại xã Phương Mỹ để có cơ sở bố trí kinh phí hàng năm theo kế hoạch, chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp vào cuộc thì UBND tỉnh đã có các Văn bản số 3120/2014, số 4239/2015 và 4301/2015 gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan đề nghị hỗ trợ kinh phí. Thế nhưng, đến nay, tiền vẫn chưa có để triển khai thực hiện các dự án, các hạng mục thiết yếu...

Khó khăn trong sản xuất

Ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng yếu những bất cập, khó khăn trong sản xuất cũng đang là một trong những trở ngại lớn đối với người dân khi di dời đến nơi ở mới. Nếu ở xóm 12, xã Hà Linh chỉ gặp trở ngại do đường sá đi lại khó khăn, xe thu mua nông sản không thể vào chuyên chở thì ở Phương Điền, tình hình phức tạp hơn nhiều.

Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Phương Điền phản ánh: “Vùng TĐC tránh lũ cách nơi ở cũ của các hộ dân ở xóm 12 khá xa. Nhưng do đất sản xuất của các hộ trong diện di dời đều được cấp năm 1993 và tất cả đều đã có bìa đỏ nên không thể chuyển đổi hay quy hoạch lại được. Do vậy, các hộ TĐC phải đi sản xuất với quãng đường rất xa, thậm chí, có nhà phải đi hơn 10 km mới đến ruộng nhà mình. Thực trạng này không chỉ khiến địa phương lúng túng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tư tưởng “an cư lạc nghiệp” của bà con. Vì đi lại cách trở nên hiện nay đang có 20 hộ chỉ lên sống tại khu TĐC vào những tháng mưa lũ, còn lại thì trở về nơi cũ để thuận lợi cho việc đồng áng...”.

Hiện đang có hàng trăm hộ dân thường xuyên bị ngập lũ ở Hà Linh mong muốn chính quyền các cấp tiếp tục quy hoạch các vùng đất cao, có độ bằng phẳng để xây dựng các khu TĐC cho người dân tránh lũ.

Dù vẫn thiếu nước sạch nhưng năm 2014, 2015, khu TĐC Cơn Lá đã được hưởng lợi một dự án nước sạch có tổng mức đầu tư 1,3 tỷ đồng để đào 9 giếng khơi và hiện chỉ có 7 cái có thể lấy nước. Còn ở khu TĐC Đập Mưng thì người dân đang ngày ngày phải đối diện với nguy cơ thiếu nước sạch. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng thì nơi đây được mệnh danh là “miền khát”, cả vùng chỉ có vài ba giếng có nước nhưng cũng chẳng ăn thua. Từ ngày về đây, đã có rất nhiều hộ dân trong xóm phải bỏ nhiều công sức, tiền của để khoan giếng nhưng không có kết quả, kể cả khoan thăm dò đến độ sâu gần 100m vẫn không thấy mạch nước. Ông Phạm Văn Toàn - Trưởng thôn 2, xã Phương Điền, cho biết thêm: “Nước sạch là một trong những vấn đề nan giải nhất ở khu TĐC này. Vào mùa mưa còn đỡ, chứ mùa hè thì các hộ phải đi xin nước ăn ở nơi khác, mọi sinh hoạt, giặt giũ, tắm rửa, nước cho trâu bò... đều phải xuống Đập Mưng”.

Lời kết...

Có thể khẳng định, di dời dân vùng ngập lụt là một chủ trương đúng, hợp lòng dân và đang phát huy hiệu quả cũng như giá trị nhân văn của nó. Đây được xem là cơ sở, nền tảng quan trọng để ổn định đời sống, nâng cao sinh kế, chất lượng cuộc sống cho người dân vùng lũ và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai. Do vậy, việc hoàn thiện các công trình đã đầu tư tại các khu TĐC đã xây dựng, khắc phục các vấn đề còn tồn tại bấy lâu, tiếp tục triển khai các dự án mới để có thêm người dân được hưởng lợi... là cần thiết và mang tính cấp bách. Và để người dân vùng ngập lũ Hương Khê được hưởng niềm vui trọn vẹn, ngoài sự nỗ lực của chính người dân thì các cấp, ngành cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả hơn.

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói