Đến nay, Mỹ vẫn là nước có nhiều ca nhiễm nhất với 960.896 ca và 54.265 trường hợp tử vong. Tây Ban Nha vẫn xếp thứ hai trong danh sách này với 223.759 ca nhiễm, tiếp đến là Ý với 195.351 ca.
Ngày thứ 8 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận dưới 15 ca nhiễm mới
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 26-4 cho biết trong vòng 24 giờ qua chỉ ghi nhận 10 ca nhiễm mới, đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp số ca nhiễm mới mỗi ngày dưới 15 người.
KCDC cũng phát hiện thêm 1 ca nhiễm mới là người trở về từ nước ngoài ngày 26-4, nâng tổng số ca “ngoại nhập” tại Hàn Quốc lên 1.037 người.
Hiện Hàn Quốc đã nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội nhưng các quan chức lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào thông qua những người nhiễm không triệu chứng.
Số ca nhiễm tại Iran vượt mốc 90.000
Theo Bộ Y tế Iran ngày 26-4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia này đã tăng lên 90.481 người sau khi có thêm 1.153 ca nhiễm mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua. Số ca tử vong mới là 60 người - mức thấp nhất kể từ ngày 10-3, thời điểm ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 được ghi nhận ở Iran, theo AFP.
Hiện Iran vẫn là vùng dịch COVID-19 lớn nhất Trung Đông. Chính phủ Iran đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế đối với sản xuất và đi lại nhưng vẫn đóng cửa trường học, thánh đường Hồi giáo và các địa điểm giải trí khác.
Việt Nam 10 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng
Bản tin lúc 18h ngày 26-4 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết trong ngày không có ca bệnh mới nào. Như vậy đã hai ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19. Còn tính từ ngày 16-4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
Tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới ở Việt Nam hiện vẫn là 270, trong đó 225 người đã khỏi và ra viện.
Tuy nhiên theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, vẫn có những người mang virus gây COVID-19 tồn tại trong cộng đồng mà chưa phát hiện được. Ban chỉ đạo đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống COVID-19 như hạn chế tối đa ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác khi đi ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn...
Indonesia thêm 275 ca nhiễm mới, Nga thêm hơn 6.300 ca
Indonesia ngày 26-4 ghi nhận 275 ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 8.882 ca. Theo số liệu của quan chức y tế Indonesia, có 23 người dương tính với virus corona đã chết, và tổng số trường hợp tử vong vì COVID-19 ở Indonesia hiện là 743.
Trong khi đó chiều cùng ngày, Nga cũng báo cáo thêm 6.361 trường hợp mắc COVID-19 mới tính trong 24 giờ qua. Số liệu tương tự của một ngày trước đó ở Nga là 5.966 ca nhiễm mới. Hiện tổng ca nhiễm ở quốc gia này là 80.949 và 747 ca tử vong, theo trang worldometers.info.
Singapore có thêm 931 ca nhiễm mới
Singapore ngày 26-4 thông báo nước này có thêm 931 ca COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 13.624. Theo Reuters, đa số ca nhiễm mới là lao động nhập cư tại các khu vực ký túc xá công nhân.
Số ca nhiễm tại Singapore đang tăng mạnh những ngày gần đây. Trước đó trong ngày 25-4, Singapore đã ghi nhận 618 ca nhiễm mới.
Hãng tin Reuters ngày 26-4 cho biết Philippines báo cáo thêm 7 trường hợp tử vong vì virus corona chủng mới. Manila cũng ghi nhận thêm 285 ca nhiễm mới.
Malaysia ngày 26-4 ghi nhận thêm 38 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm virus corona ở nước này lên 5.780. Dù vậy, Malaysia không có thêm trường hợp tử vong nào.
Trung Quốc tuyên bố mọi bệnh nhân Vũ Hán đều đã xuất viện
Thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới, hiện nay đã không còn ca nào đang nằm viện điều trị, Hãng tin Reuters ngày 26-4 dẫn lời quan chức y tế Trung Quốc cho biết.
“Tin mới nhất là tính tới 26-4, số bệnh nhân mới ở Vũ Hán là con số không, nhờ nỗ lực chung của nhân viên y tế Vũ Hán và khắp cả nước”, phát ngôn viên Mi Feng của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc nói.
Vũ Hán từ đầu dịch ghi nhận 46.452 trường hợp mắc COVID-19, chiếm 56% tổng số ca nhiễm trên toàn Trung Quốc. Tại Vũ Hán có 3.869 người chết vì virus corona chủng mới, chiếm 84% tổng số người tử vong vì dịch bệnh này ở Trung Quốc.
Bắc Kinh cấm "hành vi thiếu văn minh" để cải thiện vệ sinh công cộng
Theo Hãng tin AFP, chính quyền thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) đã cấm hành vi “thiếu văn minh” như không che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Đây là nội dung trong những quy định mới nhằm cải thiện vệ sinh công cộng giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát.
Theo thông báo trên website của chính quyền ngày 26-4, luật mới này nhằm thúc đẩy “ứng xử văn minh”, trong đó người vi phạm sẽ bị phạt nếu không đeo khẩu trang nơi công cộng khi mắc bệnh. Luật cũng yêu cầu các địa điểm công cộng phải thiết lập quy định giữ khoảng cách 1m.
Trong khi đó người dân cần “ăn mặc gọn gàng” nơi công cộng và không được cởi trần. Theo CNN, quy định có thể nhằm nhắc tới tình trạng “bikini Bắc Kinh”, tức đàn ông mặc áo phơi bụng khi trời nóng.
Ấn Độ: Khẩu trang trở thành biểu tượng của xã hội văn minh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 26-4 kêu gọi người dân chung tay cùng chính phủ chống dịch COVID-19, và mỗi người dân đều là chiến sĩ.
Đề cập tới việc virus corona đã ảnh hưởng tới cuộc sống ở Ấn Độ và toàn cầu, ông Modi nói sự thay đổi nổi bật nhất nằm ở việc đeo khẩu trang.
“Khẩu trang trở thành một phần của cuộc sống vì virus corona. Điều này không đồng nghĩa nêu ai đeo khẩu trang thì người đó bệnh. Khẩu trang sẽ trở thành biểu tượng của một xã hội văn minh”, ông Modi nói.
Tính tới 26-4, Ấn Độ có 26.496 ca COVID-19, trong đó có 825 người đã chết vì dịch bệnh này. Ấn Độ đã phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 24-3, và hiện chưa có kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa cho tới ít nhất ngày 3-5.
Bang Tây Úc bắt đầu giảm nhẹ biện pháp phong tỏa
Thủ hiến tiểu bang Tây Úc (Úc), Mark McGowan, ngày 26-4 cho biết bang này sẽ bắt đầu giảm một số biện pháp phong tỏa kể từ ngày mai 27-4.
Trên Twitter, ông McGowan viết: "Bang của chúng ta đã chứng kiến những kết quả đáng chú ý trong cuộc chiến chống COVID-19, và trong khi cuộc chiến này sẽ tiếp diễn một thời gian nữa, những kết quả trên cho thấy giờ đây chúng ta có thể thận trọng điều chỉnh một số biện pháp hạn chế cực đoan nhất.
Vào ngày mai 27-4, dựa trên khuyến cáo từ chuyên gia y tế, giới hạn 2 người tụ tập trong nhà và ngoài phố không vì mục đích công việc sẽ được điều chỉnh, với mức hạn chế được nâng lên 10 người".
Ngoài ra, một số “hoạt động có thể chấp nhận” để ra khỏi nhà cũng được nới lỏng. Theo điều chỉnh mới, người dân có thể đi mua sắm, mua thuốc, tập thể dục, học tập… tuy nhiên theo ông McGowan, các địa điểm vui chơi công cộng, công viên hay phòng tập gym trong nhà vẫn tiếp tục đóng cửa.
Số ca nhiễm ở Thái Lan lên gần 3.000
Thái Lan ngày 26-4 ghi nhận thêm 15 ca nhiễm mới và không có trường hợp nào tử vong. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại nước này là 2.922, trong đó có 51 người chết.
Reuters cho biết trong số các ca mới nêu trên, có 4 người liên quan tới những trường hợp trước đây và 4 người khác không biết lây nhiễm từ đâu. Ngoài ra, 5 bệnh nhân nữa là những người trở về từ nước ngoài.
Kể từ khi dịch COVID -19 bùng phát ở Thái Lan, có 2.594 bệnh nhân đã hồi phục và về nhà.
Người dân tại một khu dân cư nghèo ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, xếp hàng lấy thức ăn miễn phí ngày 25-4 - Ảnh: REUTERS
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia ngày 26-4 cho biết họ ghi nhận thêm 11 ca COVID-19 mới nhưng không có thêm trường hợp tử vong nào.
Tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới tại Trung Quốc tính tới nay là 82.827, trong đó 77.394 người đã hồi phục và xuất viện, 4.632 trường hợp tử vong.
Tại Anh , cơ quan chức năng đã bắt đầu triển khai các đơn vị xét nghiệm COVID-19 lưu động trên cả nước với mục tiêu thực hiện 100.000 xét nghiệm/ngày. Đối tượng ưu tiên xét nghiệm là những người làm việc tại các nhà dưỡng lão, trong ngành cảnh sát và trại giam. Các mẫu xét nghiệm sẽ được xe chuyên dụng thu thập, sau đó chuyển về các trung tâm xét nghiệm.
Dự kiến trong tháng 5 tới, Anh sẽ triển khai thêm 96 đơn vụ xét nghiệm lưu động trên cả nước.
Tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng xấu đi tại Anh. Tính đến ngày 25-4, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là hơn 20.000 người - điều mà Bộ Nội vụ Anh đánh giá là “thảm kịch”.
Anh hiện là quốc gia ghi nhận số ca tử vong và số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao thứ năm thế giới với con số lần lượt là 20.319 ca và 148.377 ca, sau Mỹ, Ý, Tây Ban Nha và Pháp.
Trong khi đó tại Tunisia , một nhóm các giáo sư đại học và sinh viên kỹ thuật đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tia X-quang để phát triển công cụ quét virus SARS-CoV-2. Thông qua việc chụp X-quang phổi, công cụ này sẽ đưa ra đánh giá xem người được chụp có khả năng nhiễm virus hay không.
Phát minh này hiện đang được thử nghiệm tại nhiều bệnh viện và trung tâm điều trị COVID-19 trên khắp Tunisia và cho thấy những kết quả khả quan khi tỉ lệ chính xác lên đến 90%.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, công cụ này - với bộ phận chính là máy quét X-quang, có chi phí không cao và tính ứng dụng linh hoạt, có thể sử dụng được tại mọi trung tâm y tế.