Điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đang ngày đêm âm thầm giúp đỡ, hỗ trợ, bảo vệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở trên tuyến biên giới Việt – Lào để góp phần bảo vệ biên giới.

Điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên Hà Tĩnh

Những người bố biên phòng Bản Giàng dặn dò, nhắc nhở các con nuôi người dân tộc Chứt trước lúc đến trường.

32 năm đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê) được ra khỏi cuộc sống tối tăm nơi rừng già cũng là quãng thời gian những người lính biên phòng gần gũi bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ để bà con ngày một tiến bộ.

Với tình cảm và nhiệm vụ được giao, hiện nay, 5 CBCS ở Tổ công tác Biên phòng Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) đang nghiêm túc thực hiện tốt “ba bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) để trở thành điểm tựa cho bà con về mọi mặt.

Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre chia sẻ: "Chúng tôi không đơn thuần là những người lính bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ gìn ANTT ở khu vực biên giới mà còn là người con của dân bản, người bố của những đứa “con nuôi đồn biên phòng”, người thầy của các em học sinh, ân nhân của những người bệnh. Chúng tôi không chỉ phải giỏi chuyên môn nghiệp vụ biên phòng mà còn biết cày bừa, chăm sản xuất nông nghiệp, am hiểu KHKT, giỏi làm mai mối... để giúp bà con làm ăn, đoạn tuyệt các hũ tục lạc hậu, tránh hôn nhân cận huyết".

Điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên Hà Tĩnh

Phụ nữ BĐBP Hà Tĩnh tặng quà cho các em học sinh dân tộc Chứt ở Trường Tiểu học Hương Liên (điểm trường bản Rào Tre).

Ông Nguyễn Văn Mận - Bí thư Chi bộ bản Rào Tre (xã Hương Liên) đánh giá: “BĐBP là điểm tựa vững chắc, là cầu nối để đưa ánh sáng của Đảng về với 44 hộ/156 nhân khẩu người Chứt. Những người lính biên phòng đã cùng cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội chăm lo cho từ những em bé mới sinh đến các cụ già. Bà con ở đây được giúp đỡ hàng ngày, đầy đủ, toàn diện từ lương thực, thực phẩm, sản xuất, nhà cửa, đường sá đến việc học hành, sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần, việc hiếu, việc hỉ... nên họ rất cảm động”.

Điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên Hà Tĩnh

Đàn trâu bò hàng chục con của ông Ngô Văn Sơn (người Lào Thưng) ở bản Phú Lâm, xã Phú Gia.

Miền biên viễn thôn Phú Lâm, xã Phú Gia (Hương Khê) là nơi người Lào Thưng từ nước bạn Lào chạy nạn sang từ những năm 1940 với bao ký ức đau buồn về chiến tranh, loạn lạc, đói khổ. Nhưng ngoài tình đất, tình người đã cưu mang những người con lưu lạc thì BĐBP cũng luôn đứng ra giúp đỡ, chở che để họ có được cuộc sống an yên, thịnh vượng.

Hiện 63 hộ/277 nhân khẩu người Lào Thưng ở đây đã thoát cảnh đói nghèo, sinh kế ổn định, có thu nhập bình quân 46 triệu đồng/người/năm...

Ông Lê Văn Hòe (tên Lào là Nai Hòe) – tộc trưởng họ Nai ở bản Phú Lâm cho biết: “Đồn Biên phòng Phú Gia luôn quan tâm, tạo điều kiện để người Lào chúng tôi làm ăn, sinh sống. Hằng ngày, các anh động viên bà con chăm lo ruộng vườn, phát triển chăn nuôi, nhắc nhở không vào rừng săn bắn và lấy gỗ trái phép, hỗ trợ nuôi dạy con cái, ngăn ngừa tệ nạn xã hội. BĐBP Phú Gia cũng luôn tạo điều kiện cho chúng tôi qua lại biên giới thăm thân, yêu cầu tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật, không tiếp tay cho bọn tôi phạm, phát huy tinh thần toàn dân bảo vệ biên giới và vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào...”.

Điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên Hà Tĩnh

BĐBP Cầu Treo trao đổi, nắm bắt tình hình biên giới với những người có chức sắc, uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn).

Hà Tĩnh hiện có 32 dân tộc thiểu số với khoảng 650 hộ/hơn 2.500 nhân khẩu, trong đó đông nhất là Mán 154 hộ/455 nhân khẩu, Lào 153 hộ/551 nhân khẩu, Mường 152 hộ/gần 600 nhân khẩu, Nùng 57 hộ/239 nhân khẩu, Chứt 44 hộ/156 nhân khẩu.

Đại đa số cộng đồng dân tộc sinh sống tập trung chủ yếu ở khu vực biên giới Việt – Lào; trong đó, đáng chú ý có thôn Kim Quang, xã Quang Thọ (huyện Vũ Quang), thôn Hà Trai và Công Thương của xã Sơn Kim 1, thôn Làng Chè và thôn Thượng Kim của xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn), bản Rào Tre của xã Hương Liên, bản Giàng 2 của xã Hương Vĩnh (huyện Hương Khê)...

Điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên Hà Tĩnh

BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào tổ chức cho bà con đồng bào dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới huyện Hương Sơn với huyện Khăm cợt, tỉnh Bolikhămxay thăm thân, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn.

Với tình cảm và trách nhiệm của mình, BĐBP Hà Tĩnh (nhất là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo, Đồn Biên phòng Hương Quang, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Đồn Biên phòng Phú Gia) đang ngày đêm chăm lo, bảo vệ, trở thành điểm tựa, niềm tin cho đồng bào trong mọi lúc, mọi thời điểm.

Nhiều chương trình, kế hoạch đã được BĐBP triển khai hiệu quả, hướng tới mục tiêu giúp đỡ đồng bào được nhiều hơn như: dự án “Bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt”, đề án “Nâng cao chất lượng công tác dân vận ở vùng đặc thù của lực lượng vũ trang Quân khu IV”, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ với chiến sỹ quân hàm xanh”, chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”...

Điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên Hà Tĩnh

Bức tranh cụm dân cư người Lào sinh sống ở thôn biên giới Kim Quang, xã Quang Thọ (Vũ Quang).

Đại tá Nguyễn Mậu Phúc - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết: “Đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta sinh sống ngay sát biên giới, ở những vùng khó khăn về KT - XH, trọng yếu về QP – AN, đóng vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ bảo vệ biên giới và vun đắp tình hữu nghị Việt – Lào.

Vì vậy, BĐBP Hà Tĩnh luôn ưu tiên quan tâm, chăm lo về mọi mặt để bà con có cuộc sống ngày càng tốt hơn và từng bước khẳng định được vai trò của mình trong công cuộc phát triển chung. Qua đó góp phần cùng BĐBP bảo vệ biên giới hiệu quả”.

Chủ đề Vì chủ quyền An ninh biên giới

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.