Điều hòa không có lỗi!

(Baohatinh.vn) - Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa được rất nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm và cũng từ đây xuất hiện nhiều câu hỏi.

Phát biểu tại hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vào chiều 27/11, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho rằng, điều hòa nhằm phục vụ đời sống tốt hơn cho sức khỏe người dân, nhất là người già và trẻ em. Bởi vậy, theo ông: "Điều hòa không có lỗi, tôi phản đối áp thuế với mặt hàng này".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: QH).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: QH).

Cũng trên tinh thần xây dựng luật, ông Phạm Văn Hòa (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) phát biểu rằng, điều hòa nhiệt độ là mặt hàng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. "Nếu áp thuế mặt hàng này sẽ không khác nào "trở về thời kỳ đồ đá", trong khi áp thuế thu không được bao nhiêu tiền cho ngân sách, người dân phiền hà", ông góp ý.

Đại diện cho ĐBQH đoàn Hà Tĩnh, bà Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ công suất dưới 9.000 BTU đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ, do đó, đề nghị không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này.

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận.
ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận.

Những ý kiến trên là số ít trong rất nhiều ý kiến được thảo luận tại hội trường và phát đi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên các diễn đàn khác nhau, nỗi băn khoăn về điều hòa đã được nhiều cá nhân bày tỏ!

Đại diện cho Chính phủ đã có giải trình, trong đó đưa ra các lí do về việc dự thảo luật "đánh” thuế như: tác động đến biến đổi khí hậu, các chất gây hại cho tầng ozon... và khẳng định: sẽ tiếp thu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp; rà soát, sửa đổi về đối tượng sản phẩm điều hòa chịu thuế suất ở các biểu thuế khác nhau.

Song không phải ngẫu nhiên, chuyện cái điều hòa lại được bàn tán từ nghị trường đến quán vỉa hè, dọc lối đi bộ nếu không phải vì những lí do đến từ tâm lí xã hội.

Hiện nay, điều hòa đã rất phổ biến, người thu nhập thấp cũng dùng điều hòa (Ảnh internet).
Hiện nay, điều hòa đã rất phổ biến, người thu nhập thấp cũng dùng điều hòa (Ảnh internet).

Có lẽ trước hết, sự phản ứng đến từ tên gọi rất “nên thơ” của thiết bị thuộc thời hiện đại này. “Điều hòa” - ngay từ cái tên gọi đã gợi đến cảm xúc dễ chịu; điều hòa chính là sự điều chỉnh để xoa dịu cảm giác từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng. Bởi vậy, dù năm 1998, điều hòa từng bị áp thuế suất tiêu thụ đặc biệt là 20%, đến năm 2008 thấy không hợp lý nên giảm xuống 10%, nhưng người dân vẫn sử dụng ngày càng nhiều và mong muốn phải sớm đưa điều hòa ra khỏi danh mục chịu thuế.

Đang hào hứng và chờ đợi với tính hợp lí thì bỗng dưng dự luật nêu cao vấn đề đánh thuế, trong đó nêu: Đối với điều hòa nhiệt độ công suất từ dưới 90.000 BTU trở xuống vẫn đề xuất đánh thuế 10%. Rõ ràng, về mặt cảm xúc, dự luật nêu điều này trong bối cảnh hầu như nhà nhà đều có điều hòa thì rất khó tạo được cảm tình của dân chúng.

Điều hòa ngày nay đã quá quen thuộc, nếu không muốn nói là “một phần tất yếu của cuộc sống” (slogan của La Vie). Đặc biệt, ở Việt Nam - khác với một số nước có áp dụng chính sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa - đất nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, trong đó, nhiều vùng như vùng Nghệ Tĩnh có nền nhiệt mùa hè rất cao. Bởi vậy, việc trang bị điều hòa là cần thiết và khó có thể có giải pháp thay thế. Trong khi đó, ngay cả người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi như Hương Khê, Hương Sơn ở Hà Tĩnh, giờ đây cũng cần phải có điều hòa để đảm bảo sức khỏe trong những ngày nắng nóng cực điểm (có nhiều thời điểm, vùng Hà Tĩnh trên 40oc).

Toàn cảnh phiên họp chiều 27/11.
Toàn cảnh phiên họp chiều 27/11.

Khi người dân ngày càng coi điều hòa là đương nhiên phải có thì cũng có nghĩa, sự có mặt của điều hòa trong đời sống hằng ngày là chuyện thường, tức là không xa xỉ. Vậy, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa hẳn nhiên là bị phản đối. Rõ ràng, việc chạm đến cảm xúc của số đông vẫn quan trọng không kém như khi đề ra điều luật để áp dụng cho mọi người. Đây là vấn đề khá quan trọng trong xây dựng luật mà các nhà soạn thảo cần quan tâm nhằm tạo tiếng nói đồng thuận.

Nhiều người đã đặt câu hỏi, nếu phân tích của các nhà soạn thảo cho thấy việc cần thiết phải đánh thuế để giảm tác hại của điều hòa đối với môi trường, thì sao không bảo vệ môi trường bằng áp dụng cách thức khác, thậm chí áp dụng ngay trên cái điều hòa như: kiểm soát dung môi làm lạnh; mức tiêu thụ điện năng… Nếu làm được vậy, người dân cũng đỡ tiền điện, nhà nước cũng đỡ tính toán nhiều chiều.

Đó là chưa nói, việc giảm phát thải, có lẽ cần đến từ những công việc lớn lao hơn mà trước hết quy hoạch tổng thể, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Làm sao để thành phố xanh, làm sao để không mọc tùy tiện các tòa nhà cao tầng, thậm chí giảm phát thải từ chính các công trình giao thông, xây dựng khi mà có nhiều phong trào đã làm nông thôn bị bê tông hóa...

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

TP Hà Tĩnh công bố các quyết định về công tác cán bộ

TP Hà Tĩnh công bố các quyết định về công tác cán bộ

Thành ủy Hà Tĩnh tổ chức công bố chủ trương, quyết định của BTV Thành ủy về công tác cán bộ; gặp mặt cán bộ lãnh đạo quản lý dự kiến nghỉ công tác trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp xã.
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

2024 tiếp tục là năm thành công, ghi dấu nhiều kết quả nổi bật, toàn diện của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh với sự đổi mới, quyết tâm cao, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất về nhận thức và hành động, bồi đắp niềm tin, kỳ vọng trong lòng cử tri và Nhân dân tỉnh nhà.