Dù du nhập từ văn hóa Trung Hoa nhưng múa lân đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam mỗi dịp Tết Trung thu. Những điệu múa lân sư của người Việt, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều sáng tạo của cha ông đã mang những ý nghĩa đậm nét văn hóa Việt.
Múa lân đã trở thành tiết mục không thể thiếu mỗi dịp trung thu về
Có dịp thưởng thức một tiết mục múa lân của nhóm múa thuộc võ đường Hùng Quân (TP Hà Tĩnh), chúng tôi được thầy Nguyễn Hữu Hùng - Đội trưởng Đội Múa lân sư giải thích về nguồn gốc của phong tục này: “Theo truyền thuyết, lân sư là loài thú rất hung dữ, chuyên ăn thịt người và phá phách mùa màng vào mỗi dịp Tết Trung thu. Ông Địa - hiện thân của Đức Phật Di Lặc đã lấy cỏ linh chi cho lân ăn và thu phục được nó, biến nó thành con thú hiền lành. Từ đó, mỗi năm, ngài Di Lặc lại dẫn lân đi chúc tết mọi người, chứng minh quái thú đã thành thú lành, cái ác trở thành cái thiện”.
Điều đó cũng giải thích vì sao bên cạnh đôi lân nhảy múa luôn có sự đồng hành của ông Địa - một người bụng phệ, nét mặt tươi vui, hài hước, tay luôn phe phẩy quạt để ru ngủ hoặc đánh thức lân dậy. Ông Địa và lân đi đến đâu là mang niềm vui, giáng phúc lành tới đó nên ai ai cũng hoan hỷ chào đón.
Nụ cười tươi tắn, nét mặt hài hước, Ông Địa luôn mang niềm vui, giáng phúc lành cho mọi người
Những màn múa của lân và ông Địa cũng vì thế mà sôi động, nhịp nhàng, thể hiện sự chan hòa, ước mong về một cuộc sống thanh bình, hoan lạc.
“Khó nhất là động tác nhảy cao, leo cột thể hiện được tài tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, dũng mãnh của lân. Động tác đó cũng có chuyển tải ước mong sự tài vượng, khỏe mạnh và trường thọ của người dân. Đây được xem là điệu nhảy khó nhất, đòi hỏi người nhảy phải có nhiều kỹ năng và thật sự điêu luyện, bởi chỉ một phút sơ sẩy có thể gây tai nạn” - thầy Hùng cho biết.
Ngoài động tác khó đó thì trong suốt quá trình múa, các thành viên từ người múa lân, ông Địa đều phải phối hợp nhịp nhàng trong từng động tác để thu hút sự chú ý, dẫn dắt khán giả hòa chung vào không khí sôi động, hứng khởi của màn múa.
Ngày nay, một số đoàn múa đã có những cải biên trong điệu múa, nhân vật như thay ông Địa bằng chú Tễu… Những chiếc mặt nạ chú Tễu với khuôn mặt đầy đặn, tươi tắn ngày càng xuất hiện nhiều trong các màn múa lân trung thu cũng được nhiều người ưa thích vì mang lại bầu không khí hân hoan, vui vẻ.
Lân sư mang đến cho các em nhỏ những đêm hội sôi động, ý nghĩa
Múa lân sư với trẻ nhỏ là một hoạt động vui nhộn của ngày Tết Trung thu nhưng với người lớn thì đó là ước vọng về một cuộc sống yên bình. Bởi thế, những diễn viên trong đội múa luôn cố gắng luyện tập, tìm hiểu văn hóa truyền thống để có thể diễn tả được đầy đủ nhất những thông điệp qua các động tác của mình.