Do đâu Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục - lao động xã hội Hà Tĩnh thừa chỉ tiêu nhưng thiếu cán bộ?!

(Baohatinh.vn) - Mặc dù được giao 37 chỉ tiêu biên chế, thế nhưng do nhiều lý do, đến nay, Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục - lao động xã hội Hà Tĩnh (thuộc Sở LĐ-TB&XH) vẫn chưa tuyển dụng đủ khiến cán bộ ở đây đang làm việc quá tải, hiểm nguy rình rập.

Cán bộ Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục – Lao động xã hội Hà Tĩnh phải thường trực 24/24 giờ bên đối tượng (Ảnh tư liệu)

Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục – lao động xã hội Hà Tĩnh (sau đây gọi tắt là Trung tâm) hiện đang quản lý chữa trị cho 173 đối tượng, trong đó có 104 học viên cai nghiện ma túy (50 học viên cai nghiện bắt buộc, 54 học viên cai nghiện tự nguyện); 69 đối tượng tâm thần.

Năm 2019, Trung tâm được UBND tỉnh giao 37 chỉ tiêu biên chế, trong đó có 1 công chức, 34 viên chức và 2 hợp đồng 68 (theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/11/2000) nhưng đến nay, đơn vị mới có 24 cán bộ viên chức, trong đó: 9 biên chế, 15 cán bộ hợp đồng.

Công việc của cán bộ trung tâm thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm cho biết: Do đặc thù công tác quản lý, chăm sóc đối tượng phức tạp (học viên cai nghiện ma túy và quản lý, chăm sóc đối tượng tâm thần - PV), cán bộ viên chức phải thường trực 24/24 tại đơn vị, làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, thường xuyên tiếp xúc với đối tượng mắc nhiều chứng bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS, siêu gan B,C…; nhiều đối tượng không có nhận thức, không tự ăn uống, vệ sinh cá nhân, thường xuyên lên cơ kích động đập phá, tấn công cán bộ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trung tâm đã chủ động tìm kiếm nhân sự, ký hợp đồng lao động với 15 cán bộ.

Theo ông Sỹ, căn cứ vào Thông tư 25/2018/TT-BLĐTBXH, ngày 10/12/2018 của Bộ LĐ-TB&XH “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của cơ sở cai nghiện ma túy công lập” quy định cơ sở cai nghiện ma tuý có dưới 100 học viên thì 1 người quản lý ít nhất 5 học viên bắt buộc và 1 người quản lý ít nhất 7 học viên tự nguyện. Nhưng thực tế, tại trung tâm, 1 cán bộ đang quản lý 15 học viên.

Đối với quản lý, chăm sóc đối tượng tâm thần, Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 của Bộ LĐ-TB&XH “Hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội” quy định 1 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 2 người tâm thần đặc biệt nặng, tối đa 4 người tâm thần nặng hoặc tối đa 10 người tâm thần đã phục hồi, ổn định. Hiện ở trung tâm, 1 cán bộ đang quản lý, chăm sóc 9 đối tượng tâm thần. Đặc biệt, tại trung tâm đang quản lý, chăm sóc chủ yếu là đối tượng tâm thần đặc biệt nặng và nặng.

Học viên cai nghiện sau khi được cắt cơn giải độc

Lý giải về nguyên nhân khiến nhiều năm trung tâm không tuyển dụng được cán bộ, ông Sỹ cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH chưa xây dựng mã ngạch đối với cán bộ, viên chức quản học viên cai nghiện ma túy, cán bộ quản lý, chăm sóc đối tượng tâm thần tại cơ sở đặc thù như Trung tâm. Dù đã nhiều năm, Trung tâm đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đề án vị trí việc làm tại đơn vị nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

Ngoài những khó khăn trên, thu nhập bình quân hàng tháng của 1 cán bộ Trung tâm chỉ khoảng trên dưới 6 triệu đồng, trong khi cán bộ phải làm việc trong môi trường độc hại, hiểm nguy và áp lực. Một ca trực của cán bộ quản lý đối tượng Trung tâm phải trực 24/24 giờ, ca trực kéo dài 48 tiếng, thậm chí có thời điểm ca trực kéo dài 72 tiếng. Cán bộ phải ăn, ở cùng học viên và đối tượng.

“Điều buồn nhất vẫn là 3 năm nay, UBND tỉnh giao bổ sung biên chế cho Trung tâm nhưng chưa thấy ai gửi đơn xin việc”, ông Sỹ chia sẻ.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói