Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh góp phần vào thành công chung của phiên chất vấn

(Baohatinh.vn) - Sự tham gia của đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tại hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp phần vào thành công chung của Phiên họp thứ 36.

Sáng 22/8, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 36 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức tiếp tục với nhóm lĩnh vực thứ hai (tư pháp; nội vụ; ANTT, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát) và nghe Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh và lãnh đạo các sở, ngành cùng dự.

220820240828-z5754509782169_c4bda2ecccca29686bd84f6f6f4b2f5c.jpg
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn liên quan đến việc yêu cầu TAND tối cao sau khi xét xử giám đốc thẩm, có thông tin để khởi tố điều tra; làm rõ hơn phiên toà trực tuyến.

img-8795-6439.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã làm rõ thêm số liệu về việc trình các dự án luật. Dù số lượng thay đổi rất lớn nhưng các đề xuất, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sát với kỳ họp. Đồng thời, phân tích các nguyên nhân và giải pháp khắc phục; giải trình các băn khoăn xung quanh Luật Đất đai.

Đối với câu hỏi liên quan phí và lệ phí trong giám định như thắc mắc của đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng cho biết, pháp lệnh về chi phí tố tụng do TAND tối cao chủ trì và đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến và trình UBTVQH. Nếu được xem xét, thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng được rõ.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng thông tin thêm về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; hoàn thiện thể chế về tố tụng hành chính...

img-8805-9817.jpg
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Tiếp đó, Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã giải trình cụ thể các câu hỏi liên quan tới đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao; trong đó, việc ứng dụng tài khoản định danh điện tử công dân là phương thức hữu hiệu để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, hạn chế tình trạng lừa đảo; ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng, loại bỏ các tài khoản ảo và sim rác…

Tham gia trả lời chất vấn còn có Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã tranh luận và được bộ trưởng, trưởng ngành giải đáp cụ thể.

qh5-7828.jpg
Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.

Khép lại phiên chất vấn là đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Theo đó, nhóm lĩnh vực này có 39 đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 36 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, phiên chất vấn diễn ra khẩn trương, sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Các vị đại biểu Quốc hội bám sát các nội dung chất vấn, đặt các câu hỏi cụ thể, tập trung vào thẳng vấn đề đối với việc thực hiện các nghị quyết đã chất vấn; đồng thời yêu cầu đưa ra các giải pháp tốt hơn, qua đó nâng cao chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các bộ, ngành.

Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc ngành, lĩnh vực quản lý để đưa ra câu trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm, giải trình cụ thể vấn đề đại biểu quan tâm và tranh luận. Qua đó, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp.

Sau phiên họp này, UBTVQH sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các bộ và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện.

Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

220820240933-z5754753263632_fc0f25ecbeaa7b3d5a6c87a32edfd732.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Ảnh: quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ đã thông tin thêm về tình hình KT-XH 7 tháng năm 2024 với các nội dung trọng tâm như tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, xuất siêu, thu ngân sách nhà nước… Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế đã được các vị ĐBQH chỉ ra, qua đó gợi mở những định hướng, giải pháp quan trọng.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng cung cấp thêm thông tin về một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ về lĩnh vực NN&PTNT. Trong đó, tập trung vào những vấn đề đại biểu dành sự quan tâm.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kết thúc bằng phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

QH-z5754950311180_61416af8d73eee2ca04909842382050e.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc.

Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của UBTVQH đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Đã có 75 lượt ĐBQH phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận; còn 11 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, đề nghị các vị ĐBQH gửi câu hỏi để được trả lời bằng văn bản.

Các vị ĐBQH đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng, trả lời đầy đủ, làm sáng tỏ các vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới. UBTVQH ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của ĐBQH.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, cơ bản, các nghị quyết của UBTVQH đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả tốt. Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm; một số nội dung, chỉ tiêu trong chưa hoàn thành cần phải sớm được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của các Bộ, ngành để tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiều lần đề cập đến vai trò quan trọng, yêu cầu cấp bách trong đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phiên chất vấn đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu quan trọng đó.

Chủ đề Họp Quốc hội

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.