Tiêm kích tàng hình NGAD thuộc thế hệ thứ sáu dự kiến sẽ tiêu tốn của Bộ Quốc phòng Mỹ một khoản ngân sách lớn đến mức không thể chi trả nổi.
Không có cuộc chiến nào giá rẻ, tuy nhiên chi phí của nhiều nền tảng vũ khí thế kỷ 21 nhảy theo cấp số nhân, đến mức một số nhà lập pháp Mỹ thường tự hỏi, liệu loại vũ khí đó có xứng với giá tiền bỏ ra hay không.
Ví dụ, chi phí cho mỗi tiêm kích Lockheed Martin F-35 Lightning II từ lâu đã là trọng tâm của nhiều cuộc tranh luận. Những người ủng hộ tung hô các khả năng tiên tiến của máy bay, trong khi phe dèm pha cho rằng có nhiều lựa chọn thay thế hợp lý hơn.
Một cuộc tranh luận như vậy đã bắt đầu nổ ra với chương trình máy bay chiến đấu thế hệ mới chiếm ưu thế trên không của Không quân Mỹ, hay còn gọi là NGAD. Chương trình này đang trên đà trở thành dự án tiêm kích đắt nhất trong lịch sử.
Máy bay chiến đấu NGAD có thể đóng vai trò trung tâm của một nhóm hệ thống tác chiến, kế nhiệm chiếc Lockheed Martin F-22 Raptor. Nhưng mỗi chiếc tiêm kích bán tự hành có thể trị giá hàng trăm triệu USD.
Trong cuộc họp của Ủy ban Quân lực Hạ viện mới đây, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall đã tự ngồi vào “ghế nóng” khi các nhà lập pháp chất vấn ông về tổng chi phí của chiếc máy bay vẫn đang được phát triển.
Ông Kendall không thể xác định chi phí chính xác của một chiếc NGAD riêng lẻ, nhưng nói rằng nó có thể lên tới hàng trăm triệu USD, đắt gấp đôi F-35 - loại máy bay có giá khoảng 80 triệu USD mỗi chiếc.
Nhưng ông Kendall lưu ý NGAD sẽ là một máy bay “cực kỳ hiệu quả”, mặc dù nó sẽ cần đi kèm với các nền tảng khác ít tốn kém hơn để mở rộng phạm vi tác chiến. Đội hình có thể sẽ bao gồm các máy bay không người lái tự hành, được mệnh danh là cận vệ trung thành.
Không quân Mỹ đã đầu tư hơn 2,5 tỷ USD vào chương trình NGAD kể từ năm 2018 và con số này có khả năng tăng lên ít nhất 9 tỷ USD vào năm 2026.
Hệ thống chiến đấu thế hệ thứ sáu vẫn đang được phát triển không chỉ đơn thuần là một chiếc máy bay tiên tiến. NGAD - như đã nói, là một nhóm hệ thống tích hợp với mục đích giành ưu thế trên không.
Tổ hợp có thể bao gồm ít nhất một tiêm kích có phi công điều khiển, cùng với một số lượng phi cơ không người lái hoặc máy bay khác không được tiết lộ. NGAD sẽ được bổ sung thêm các nền tảng, tên lửa, buồng lái, và khả năng tùy chọn.
Một số phương tiện hộ tống máy bay có thể được trang bị thêm cảm biến hoặc nhiều vũ khí hơn, trong khi những chiếc khác sẽ cung cấp khả năng tấn công điện tử, hoặc tấn công mặt đất.
Điều này có nghĩa là cung cấp sự nhanh nhẹn và khả năng cao hơn cho NGAD, cho phép các hệ thống khác nhau xuyên thủng mạng lưới phòng thủ của đối phương và duy trì ưu thế trên không trên chiến trường tương lai.
Chương trình NGAD được khởi xướng vào đầu những năm 2010 nhằm phát triển hệ thống chiếm ưu thế trên không cho những năm 2030. Khi phát triển, nó đã rời xa một chiếc máy bay duy nhất và hướng tới một bộ hệ thống.
Dự án cũng nhằm phát triển một số công nghệ quan trọng trong các lĩnh vực như động cơ đẩy; tàng hình; vũ khí tối tân; thiết kế kỹ thuật số, bao gồm cả kỹ thuật dựa trên CAD; và quản lý dấu hiệu hồng ngoại của máy bay.
Bộ trưởng Kendall nói với các nhà lập pháp rằng đã có những nỗ lực để giảm chi phí duy trì trong dài hạn. Điều đó được thực hiện bằng cách kết hợp thiết kế module và những thành tựu đã được Quân đội Mỹ sử dụng.
Điều này nhằm đảm bảo dễ dàng nâng cấp và bảo trì. Những nỗ lực như vậy cũng có thể dẫn đến sự cạnh tranh trong khu vực công nghiệp quốc phòng, từ đó dẫn đến làm giảm chi phí hơn nữa.
“Khoản tiền đầu tư vào NGAD là đúng đắn, bởi vì bạn sẽ phải trả số tiền lớn hơn nhiều trong tương lai nếu phát triển các dự án riêng lẻ. Và từ những gì tôi đã thấy về chương trình NGAD cho đến nay, cách tiếp cận hợp lý đã được thực hiện”, Bộ trưởng Kendall kết luận.