Sáng 9/2, xã Kỳ Phú và con cháu trong dòng họ Nguyễn ở làng Phú Thượng long trọng tổ chức đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Nguyễn tộc đại tôn.
Dự lễ đón nhận có đại diện các sở, ngành, lãnh đạo huyện Kỳ Anh cùng đông đảo Nhân dân trong vùng, con cháu dòng họ.
Theo gia phả dòng họ, vào khoảng cuối thế kỷ XVII, vào triều Hậu Lê, cụ thủy tổ dòng tộc có tên là Nguyễn Cao đã dừng chân lập nghiệp và khai khẩn đất đai làng Phú Thượng (Kỳ Phú).
Từ xa xưa, dù gia cảnh khó khăn nhưng các bậc tiền nhân vẫn quan tâm đầu tư cho con cháu học hành và có ý thức phụng sự đất nước. Qua nhiều thế hệ, Nguyễn tộc đại tôn đã có nhiều vị học hành đỗ đạt cao và đóng góp cho quê hương, dòng họ.
Trong đó, cụ Nguyễn Văn Nhu (1825) - bậc danh thần nổi tiếng về thông minh, tài trí và bản lĩnh phi thường. Năm 1847 (Thiệu trị thứ 7), cụ thi đậu Tú tài, năm 1848 thi đỗ Cử nhân Ân khoa, năm 1851 thi Hội và đậu vào Trường Quốc tử Giám.
Năm 1862, cụ Nguyễn Văn Nhu làm chức Huấn đạo, năm 1866 làm Biên tu ở Viện Hàn lâm, năm 1867 làm Tri huyện Thanh Sơn kiêm huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Năm 1874 cụ được bổ nhiệm làm “Đốc biện Sơn phòng Hà Tĩnh” nên thường gọi là “cụ Sơn”; năm 1880 làm Tri huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái, sau đó được thăng Đồng Tri Phủ rồi Tri Phủ.
Con trai thứ hai của cụ Nguyễn Văn Nhu là Nguyễn Trọng Thường, sinh vào năm thứ 6 triều vua Tự Đức- tức năm 1853 tại làng Phú Thượng, xã Kỳ Nam, tổng Đậu Chữ, huyện Kỳ Hoa (nay là thôn Phú Thượng, xã Kỳ Phú). Cụ cũng được mệnh danh là bậc danh thần.
Cụ Nguyễn Trọng Thường là con thứ 2 của gia đình được sinh ra đúng dịp Triều đình tổ chức kỳ thi Hội nên thủa nhỏ được gọi là “cậu Hai Hội”. Năm Nhâm Ngọ - 1882, cụ Nguyễn Trọng Thường dự kỳ thi Hương, đậu cử nhân hạng ưu, đứng thứ 2 trường Nghệ (Khoa thi đó triều đình chỉ lấy 21 cử nhân).
Sau khi đỗ đạt, ông được triều đình bổ nhiệm làm "Hậu bổ Nghệ An” quyền Tri huyện Quỳnh Lưu; tiếp đó, được đưa vào Quốc sử giám (Huế) làm “Biên tu Quốc sử quán” tức là biên soạn lịch sử Triều đình và biên soạn địa lý, văn hóa, con người Việt Nam. Sau một thời gian ông được Triều đình bổ nhiệm làm Tri huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Từ đó về sau dân làng thường gọi “cố Huyện Vĩnh hay cố Huyện Vịnh”
Để lưu giữ những giá trị tinh thần và thờ phụng các bậc tiền nhân yêu nước, thương dân, từ năm 1913, Nguyễn tộc đại tôn đã cho lập nhà thờ cạnh miếu thờ Thần Tổ. Ban đầu nhà thờ được xây dựng bằng tranh tre, vách đất, đến mùa xuân năm Quý Dậu (1933) mới được trùng tu bằng tường xây vôi đá, rường cột gỗ lim, mái lợp ngói. Qua thời gian, con cháu trong dòng họ tiếp tục công đức tu bổ thành nhà thờ vững chãi, uy linh.
Ghi nhận những đóng góp của các bậc tiền nhân, ngày 15 tháng 8 năm 2024 UBND Hà Tĩnh đã quyết định cấp Bằng công nhận Nhà Thờ Nguyễn tộc đại tôn – nơi thờ phụng Quan Tri Phủ Nguyễn Văn Nhu và Quan Tri huyện Nguyễn Trọng Thường là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh.