Khu vực trung tâm hành chính xã Kỳ Hưng được chọn làm nơi đặt trụ sở chính của 2 đơn vị sáp nhập
Theo kết quả khảo sát hiện trạng, xã Kỳ Hưng và phường Sông Trí đều chưa đảm bảo theo quy định về cả 2 tiêu chí: diện tích và quy mô dân số. Sau khi sáp nhập, đơn vị hành chính mới sẽ có tổng 1.996 ha diện tích tự nhiên với 13.413 nhân khẩu, có 2 tiêu chuẩn đạt 100% trở lên theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từng bước tiến hành lộ trình sáp nhập, thị xã Kỳ Anh đã tiến hành lấy ý kiến nhân dân với đa số đồng thuận, nhất trí. Cùng đó, việc gặp gỡ, trao đổi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ được thị xã đặc biệt quan tâm với chủ trương sắp xếp đảm bảo đúng nguyên tắc và đáp ứng nguyện vọng của cán bộ.
Cán bộ phường Sông Trí tuyên truyền cho người dân nắm rõ chủ trương trước khi sáp nhập
Anh Dương Anh Đức, cán bộ phường Sông Trí chia sẻ: “Mới đầu, cũng như những cán bộ khác, tôi không tránh khỏi băn khoăn về công việc sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, Ban Tổ chức Thị ủy, UBND thị xã đã có nhiều cuộc làm việc với đội ngũ cán bộ hai đơn vị, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng cá nhân. Vì thế, tôi và các anh em đều thoải mái tư tưởng và sẽ chấp hành mọi sự phân công”.
Ông Nguyễn Văn Giáp - Trưởng phòng Nội vụ thị xã Kỳ Anh cho biết, hiện cả Sông Trí và Kỳ Hưng có 33 cán bộ, công chức. Sau khi sáp nhập, đề xuất tạm thời bố trí 25 cán bộ, công chức theo Nghị định 92 của Chính phủ; có 5 cán bộ và 2 công chức đủ điều kiện giải quyết nghỉ việc theo chính sách. Với các cán bộ có nguyện vọng nghỉ việc sẽ được kịp thời giải quyết theo chế độ chính sách hiện hành.
Theo đề án, sau khi sáp nhập, bộ máy của đơn vị hành chính sẽ giảm được 7 biên chế. Số cán bộ còn lại được bố trí về những vị trí phù hợp ở các phòng, ban cấp huyện và các phường, xã khác trong thị xã. Ước tính, việc sáp nhập 2 xã sẽ giúp giảm 30 - 35% chi ngân sách cho bộ máy cũng như chi thường xuyên.
Người dân ở phường Sông Trí và xã Kỳ Hưng tin tưởng vào những thay đổi tích cực khi sáp nhập hai đơn vị hành chính. (Trong ảnh: Người dân đến giao dịch hành chính tại phường Sông Trí)
Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Quốc Hà khẳng định, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã nông thôn với các phường đô thị không chỉ là cơ hội thúc đẩy các điều kiện đảm bảo cho đô thị phát triển và còn giúp các xã nông thôn có cơ hội vươn lên nâng cao thu nhập và các giá trị sống tốt đẹp khác. Vì vậy, thị xã cũng cân nhắc tới các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán… của hai đơn vị Sông Trí và Kỳ Hưng.
Trước mắt, thị xã sẽ tổ chức cho nhân dân bàn bạc, thống nhất tên gọi chung cho đơn vị sáp nhập với các tên gọi dự kiến như: Hưng Trí, Sông Trí, Hưng Nhân. Sau sáp nhập hai đơn vị, thị xã tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa 2 đơn vị, sắp xếp lại hệ thống trường học, trạm y tế một cách phù hợp, tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến giao dịch hành chính của người dân, giải quyết kịp thời và thấu đáo các vấn đề do việc sáp nhập phát sinh…
Tuyến đường từ QL 1A đi xã Kỳ Hưng vào chợ TX Kỳ Anh tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại giữa Kỳ Hưng và Sông Trí
Theo kế hoạch, đến quý 4/2019, thị xã Kỳ Anh sẽ tiến hành việc sáp nhập 2 đơn vị hành chính: xã Kỳ Hưng và phường Sông Trí. Điều dễ nhận thấy khi gặp gỡ và chuyện trò với người dân xã Kỳ Hưng và phường Sông Trí những ngày qua là sự hồ hởi, tin tưởng vào những thay đổi tích cực khi thực hiện việc sáp nhập.
Bà Lê Thị Ngọ ở tổ dân phố 3, phường Sông Trí chia sẻ: Người dân chúng tôi luôn đồng tình với chủ trương, chính sách của Nhà nước, rất mong sau khi sáp nhập hai đơn vị, người dân sẽ được hưởng những lợi ích thiết thực.