Sau bữa cơm với đu đủ hầm chân giò, Nguyễn Thị Trà My (TP.HCM) vớ ngay ly sữa, uống một hơi cạn sạch. Chưa đầy một giờ sau, cô lại nạp thêm vào người thêm đủ loại bánh kẹo. Bà mẹ 28 tuổi tin rằng bằng việc uống đầy đủ, con sẽ cứng cáp, khỏe mạnh.
Nhưng khi đứa trẻ trong bụng lớn dần, My bắt đầu nhận ra cơ thể mình cũng thay đổi.
Cơ thể cô nặng nề hơn, bước chân cũng trở nên chậm chạp, cân nặng gần cán mốc 80 kg. Trong một lần kiểm tra, bác sĩ nhìn bảng kết quả, khẽ cau mày: “Mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, tiểu đường thai kỳ… Huyết áp em cũng thất thường, phải theo dõi thêm nhé”.
Tưởng rằng mọi thứ sẽ kết thúc sau khi sinh con, nhưng từng ngày trôi qua, cô thấy sức khỏe mình yếu dần.
Gục trên sàn sau khi bước ra từ phòng tắm
4 tháng sau khi sinh con, những cơn đau đầu vẫn cứ bám riết My. Nửa người bên trái của cô cũng thường xuyên cứng đờ, cử động khó.
Một ngày cuối năm 2018, cô bước vào phòng tắm. Dòng nước ấm xối xuống, nhưng không làm dịu đi cơn đau nhói ở đầu. Tay trái cô tê râm ran. Cảm giác kỳ lạ đó len lỏi khắp cơ thể, My thoáng nghĩ bản thân đang dần kiệt sức sau những đêm dài thức trắng chăm con.
Ngay khi bước ra khỏi phòng tắm, vừa đặt chân xuống nền gạch lạnh, cô bỗng cảm thấy cả người mất kiểm soát. Cảnh vật trước mắt chao nghiêng, rồi mờ dần. Trong khoảnh khắc chập chờn giữa tỉnh và mê, cô nghe thấy tiếng chồng hét lên thất thanh, cảm giác cơ thể mình được bế xốc lên, rồi không còn biết mọi thứ diễn ra sau đó.
Cô được đưa thẳng vào phòng cấp cứu, mọi thứ diễn ra nhanh chóng. Các bác sĩ thăm khám rồi chẩn đoán cô bị tai biến mạch máu não. Chính những căn bệnh mà cô mắc phải khi mang thai - huyết áp cao, mỡ máu cao, đã “mở đường” cho cơn đột quỵ.
Lần tiếp theo mở mắt, My đã nằm trên giường bệnh. Đầu nặng trịch, tay chân không thể cử động theo ý muốn. Tim đập dồn dập. Cố dụi mắt thật mạnh, nhưng tất cả vẫn chìm trong bóng tối. Một nỗi sợ hãi chưa từng có quét qua người cô - liệu mình đã mất đi thị giác?
Mười lăm phút trôi qua, cô bắt đầu nhìn thấy đôi chút nhưng tất cả đều mờ đục. Chẩn đoán sau đó cho thấy My bị nhược thị sau cơn đột quỵ.
Tuyệt vọng vì di chứng đột quỵ
Cơn tai biến đến đột ngột, nhưng di chứng mà nó để lại kéo dài dai dẳng. Chỉ vài ngày sau khi xuất viện, My nhận ra cơ thể mình đã không còn thuộc về chính cô nữa. Ý chí muốn đứng dậy, nhưng đôi chân lại cự tuyệt. Cô cố gắng cử động, nhưng bàn tay không còn chút sức lực.
Gần một tháng, My gắn chặt với chiếc xe lăn. Ngay cả việc ăn uống cũng trở thành thử thách. Hai hàm cô cứng đờ, không thể nhai, không thể nuốt. Mọi bữa ăn chỉ là những thìa cháo xay nhuyễn, được đút từng chút một để duy trì sự sống.
Những đêm dài, My nằm bất động, lặng lẽ nhìn lên trần nhà. Tiếng con khóc vang khắp phòng, nhưng cô chỉ có thể bất lực nằm đó, không thể bế, không thể dỗ dành. Chỉ có mẹ và chồng loay hoay chăm con, còn cô thì rơi nước mắt.
Ít lâu sau, Trà My bắt đầu tập vật lý trị liệu, lúc này, nửa người trái đang dần rơi vào tình trạng teo cơ. Thời điểm ấy, My đã giảm gần 10 kg so với khi mang thai, nhưng với cơ thể gần 70 kg, việc đứng lên vẫn là điều không tưởng.
Nửa người bên trái vẫn tê liệt, mất kiểm soát. Cô chậm chạp lê từng bước trên sàn tập, mỗi bước đi đều nặng trĩu. Một tháng sau, cô đã có thể tập tễnh đi lại, dù mỗi cử động vẫn còn vụng về, run rẩy.
"Đó là những ngày tháng kinh khủng. Tôi hay tự hỏi vì sao bản thân lại đột quỵ khi còn quá trẻ", My tâm sự.
Những lần cố gắng co quắp bàn tay, siết chặt từng ngón để phục hồi chức năng cuối cùng cũng mang lại kết quả - cô dần lấy lại khả năng cầm nắm. Thế nhưng, ngược lại với tay và chân, cơ hàm của cô vẫn không nhúc nhích, dù đã qua biết bao buổi tập đầy kiên trì.
“Lúc đó, lưỡi tôi cứng đờ, hàm gần như vẹo sang một bên, chỉ có thể ăn cháo xay nhuyễn. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình phải học lại cách há miệng”, My nói.
Phục hồi chức năng không mang lại kết quả như mong muốn, My tìm đến châm cứu. Bốn tháng ròng rã với kim châm và những cơn đau buốt, cuối cùng, hàm cô cũng dần cử động lại. Mắt cô cũng dần phụ hồi, không còn mờ đục như trước đây.
Biết ơn mỗi ngày được sống
Khi những dư chấn của đột quỵ dần lùi xa, Trà My bắt đầu trở lại với nhịp sống thường ngày. Những buổi tái khám cho thấy sức khỏe cô đã cải thiện, nhưng bác sĩ cảnh báo rằng nếu không kiểm soát cân nặng, nguy cơ đột quỵ lần 2 là rất cao.
Sợ cảm giác bị liệt, sợ ngày nào đó mình lại gục xuống một lần nữa, cô tìm hiểu nhiều chế độ ăn uống, ưu tiên cá, hạn chế thịt đỏ, tập trung vào thực phẩm tự nhiên. Từ một người gần chạm mốc 70 kg, My dần lấy lại vóc dáng thời son rỗi.
Nhưng sức khỏe là thứ một khi đã đánh mất dù có cố gắng đến đâu cũng không thể quay lại như ban đầu. Mang thai bé thứ ba sau đó một năm, My nhận ra cơ thể mình yếu dần.
Chỉ mới ba tháng, cô đã bị dọa sảy. Công việc buộc dừng lại. Cả ngày, cô gần như duy trì tư thế nằm kê chân cao, giữ cơ thể trong trạng thái “treo chân” để giữ lấy con mình. Đến khi sinh bé thứ tư, mọi thứ mới dần ổn hơn.
Sau cơn đột quỵ, My hiểu rằng sức khỏe là điều quý giá nhất. Cô sống từng ngày với lòng biết ơn, trân trọng từng khoảnh khắc.
"Khi đã chạm đến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, người ta mới thực sự thấu hiểu giá trị của việc được sống", bà mẹ 35 tuổi chia sẻ.