Dự án bò Bình Hà: Xin đừng đánh đổi môi trường!

(Baohatinh.vn) - Kể từ tháng 10/2015, dự án chăn nuôi “khủng” nhất khu vực Bắc miền Trung chính thức vận hành trên địa bàn Hà Tĩnh. Mặc dù chưa làm lễ “chẵn năm” nhưng không biết bao nhiêu lần vấn đề môi trường xung quanh dự án làm người dân “đứng ngồi không yên”...

Mất nước khi trời… mưa!

Điều tưởng chừng như vô lý ấy lại đang diễn ra tại Chi nhánh cấp nước Cẩm Xuyên (Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh). Liên tục trong những ngày gần đây, địa bàn Hà Tĩnh hứng chịu những trận mưa lớn do hoàn lưu của bão số 4 và đó cũng là những ngày người dân các xã Cẩm Quan và thị trấn Cẩm Xuyên cùng một số thôn thuộc xã Cẩm Huy, Cẩm Quang phải chật vật trong tình trạng bị mất nước sạch, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.

Khu vực hồ sinh học được lót bạt HDPE chống thấm theo đánh giá ĐTM

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Chi nhánh cấp nước Cẩm Xuyên Trần Văn Bé cho biết: “Việc Công ty CP. Chăn nuôi Bình Hà thi công trên nền diện tích lớn đất rừng Cẩm Quan đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất nước sạch của nhà máy. Đất rừng được cày xới để trồng cỏ, khi gặp mưa thì dòng nước từ thượng nguồn chảy về mang theo một lượng đất bùn chảy xuống đập Đá Hàn – công trình cấp nước chính của nhà máy khiến cho nguồn nước bị đục. Như đợt mưa lớn từ 10 - 13/9 vừa qua, nhà máy chỉ sản xuất được 400 - 500 m3 nước/ngày đêm, trong khi công suất thực là 2.000 m3/ngày đêm, không đáp ứng nhu cầu của người dân. Hệ quả là hàng nghìn hộ dân thiếu nước sạch”.

Được biết, trước đây, độ đục của nguồn nước tại đập Đá Hàn giao động từ 6 – 15 NTU nhưng nay tăng lên từ 15 – 50 NTU, thậm chí có thời điểm độ đục dao động ở mức từ 700 - 1.000 NTU. Do nguồn nước bị đục nên việc xử lý cũng khó khăn hơn. Xử lý bằng phèn, clo, PAC... không chỉ tăng liều lượng mà còn phải rửa bể liên tục nên chi phí sản xuất tăng quá cao, nhà máy đành “đóng máy” khi mưa lớn.

“Để đảm bảo chất lượng nguồn nước, về lâu dài, phương án không sử dụng nước thô từ đập Đá Hàn mà lấy trực tiếp từ hồ Kẻ Gỗ đang được lên kế hoạch nhưng vốn đầu tư khá lớn (trên 30 tỷ đồng) nên hiện chưa thể triển khai” - ông Trần Văn Bé cho biết thêm.

“Có bò mới lo làm chuồng”

Dự án chăn nuôi bò do Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư là dự án mang tầm chiến lược đối với ngành nông nghiệp Hà Tĩnh. Do đó, những ưu đãi nhằm đưa dự án nhanh chóng đi vào hoạt động khi chưa hoàn thành đầy đủ các hạng mục về bảo vệ môi trường vô hình trung đã đẩy dự án đến tình trạng hoạt động song hành với những vi phạm về bảo vệ môi trường.

Hình ảnh hàng chục tấn phân bò được công ty phơi trực tiếp trên nền đất ngoài trời mà không có lót chống thấm; hố chôn bò chết sơ sài, không rắc vôi bột khử trùng hay hiện tượng giếng nước của người dân khu vực rào Vang Vang (Cẩm Mỹ) đổi màu và có mùi tanh… vào giữa tháng 3/2016 đã “mở màn” cho những vấn đề bức xúc về môi trường do dự án gây ra.

Phân bò được phơi, ủ trong kho chứa trước khi xử lý phân vi sinh

Từ thông tin phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra trực tiếp vào cuộc và xác minh. Kết luận số 736/TNMT-CCMT ngày 8/4/2016 của Sở TN&MT về “Báo cáo kết quả kiểm tra công tác bảo vệ môi trường dự án chăn nuôi bò của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà”, nêu rõ: tại thời điểm kiểm tra (21 - 22/3/2016) cho thấy, lượng phân bò phát sinh khoảng 6.000 tấn/tháng. Theo quy hoạch thì phải có 7 kho chứa phân nhưng hiện mới hoàn thành được 4 kho; chưa xây dựng khu chôn bò chết với diện tích 1 ha theo quy hoạch; chưa xây dựng các hạng mục công trình xử lý rác thải, chất thải rắn, khu chôn lấp xác động vật tiêu hủy không đúng với quy hoạch được phê duyệt và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Dự án mới chỉ đào 3 hồ sinh học không lót bạt HDPE chống thấm; chưa đầu tư xây dựng bể biogas để xử lý nước thải, nước thải đang thải trực tiếp ra hồ sinh học. Một phần phân bò của dự án được đổ tại 3 khu đất có diện tích mỗi khu khoảng 300 - 400 m2 ngoài trời, không có chống thấm, không đúng cam kết trong đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi trời mưa…

Ông Đặng Bá Lục - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: “Sau khi vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Sở TN&MT đã chủ trì cùng các sở, ban, ngành liên quan yêu cầu công ty khắc phục. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh xử phạt Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà 140 triệu đồng theo đúng thẩm quyền. Trên cơ sở kiểm tra, đoàn liên ngành đã yêu cầu Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà khắc phục các tồn tại trên và tiếp tục thực hiện các giải pháp xử lý môi trường theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.

Theo báo cáo ngày 14/6/2016 của Sở TN&MT, vùng dự án ở Cẩm Quan đã xây dựng được 1 hồ lắng, 1 bể biogas, 2 hồ sinh học đã lót bạt chống thấm HDPE, 2 hồ chứa nước (còn thiếu 1 hồ sinh học và 1 hố khử trùng); đã quy hoạch 1 ha đất chôn xác bò chết (tuy nhiên, vị trí không đúng với báo cáo ĐTM đã phê duyệt)… Trong khi đó, vùng dự án ở Kỳ Tây cũng đã xây dựng 1 bể biogas, 1 hồ lắng, 3 hồ sinh học lót HDPE (còn thiếu 1 hố khử trùng); khu vực chôn bò chết có diện tích 1.500 m2 đã được đào rãnh thu nước xung quanh;…

Riêng về hạng mục xử lý chất thải chăn nuôi, đến thời điểm này, dự án đã đầu tư xây dựng 11 kho chứa phân (Cẩm Quan 7 kho, Kỳ Tây 4 kho); lắp đặt và vận hành 2 dây chuyền sản xuất, đóng bao phân tại 2 vùng dự án. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, để đáp ứng số lượng bò lớn trong thời gian tới, công ty cần lắp đặt thêm hệ thống dây chuyền sản xuất phân công nghệ cao để tăng sản lượng sản xuất, giảm áp lực về môi trường.

Lời kết

Mất tư liệu sản xuất, mất kế sinh nhai trong khi chính sách bồi thường quá thấp, môi trường sống bị ô nhiễm… là những “hạt sạn” đằng sau dự án chăn nuôi bò Bình Hà, mà người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Toàn cảnh vùng chăn nuôi bò của Dự án Chăn nuôi Bình Hà tại Kỳ Tây - Kỳ Anh

Ông Trần Hùng - quyền Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nêu quan điểm: “Giai đoạn 2 của dự án, chủ đầu tư đề xuất chủ trương nuôi bò dưới tán rừng rộng 1.000 ha. Đây là rừng đầu nguồn nên việc thả khoảng 20.000 con bò dưới tán rừng sẽ rất khó kiểm soát về ô nhiễm môi trường nên chúng tôi đã kiến nghị không triển khai. Và với thực tế như hiện nay, dự án nên dừng lại ở quy mô từ 40.000 - 50.000 con là hợp lý, thay vì mở rộng đến hơn 250.000 con như dự định ban đầu”.

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với dự án này, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 4000/UBND-NL, yêu cầu chủ đầu tư rà soát tổng thể về dự án, đánh giá hiệu quả kinh tế…; các ngành, địa phương kiểm tra, giám sát để có ý kiến bổ cứu, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện dự án.

Thiết nghĩ, đây là những vấn đề hệ trọng, không đơn thuần là hiệu quả kinh tế của một dự án, mà hơn thế là môi trường sống, là sinh kế, niềm tin của người dân trên địa bàn... Do đó, các ngành, địa phương và chủ đầu tư cần có sự vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh để xử lý kịp thời những hạn chế, bất cập; đồng thời, xây dựng quy mô, lộ trình phù hợp, đảm bảo các tiêu chí để dự án thực sự phát huy hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng trở thành một trong những “đầu kéo” tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh nhà

  • Dự án chăn nuôi bò Bình Hà: “Vắng như chùa bà Đanh”!

    Khung cảnh trang trại hoang vắng, đồi cỏ trọc lóc, chuồng trại chỉ còn vài trăm con bò... là những gì đang diễn ra tại trang trại chăn nuôi bò giống và bò thịt tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) do Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư.

  • Dự án bò Bình Hà: Dân lao đao vì mất tư liệu sản xuất!

    Theo thuyết minh, Dự án nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi nhuận bình quân hàng năm từ 1.000-1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.000 lao động địa phương ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, “cái được” chưa thấy đâu mà chỉ thấy ngay khi dự án khởi động, cuộc sống của người dân nơi đây bị “xáo trộn” vì bị mất tư liệu sản xuất vốn có từ xưa tới nay...

  • Dự án bò Bình Hà: Kỳ vọng “đầu kéo” tái cơ cấu ngành chăn nuôi

    Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thời gian qua, Hà Tĩnh đã có những chính sách khuyến khích người dân, thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn để làm “đầu kéo” cho toàn ngành. Và, dự án chăn nuôi bò Bình Hà đã được tỉnh “chọn mặt gửi vàng”...

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói