Hiện nay trên chiến trường Trung Đông, hình ảnh những chiếc xe bán tải được phiến quân "độ chế" để tích hợp vào đó pháo phòng không ZU-23-2, dàn rocket S-5 hay súng máy hạng nặng không phải là điều hiếm gặp.
Đó là với xe bán tải hạng nhẹ, trường hợp xe tải việt dã hạng nặng còn được sử dụng bằng cách tận dụng tháp pháo xe chiến đấu bộ binh BMP-1 hay xe tăng T-54/62 bị bắn hỏng để tạo ra phương tiện yểm trợ hỏa lực mạnh mẽ.
"Chính quy hơn", một số quân đội đã thực hiện cách làm riêng đó là đưa lựu pháo các cỡ từ 105 mm cho tới 122 mm và xa hơn nữa là pháo nòng dài 130 mm thùng xe tải nhằm tạo ra tổ hợp pháo tự hành "con nhà nghèo".
Một chiếc xe tải yểm trợ hỏa lực của Mỹ trên chiến trường Việt Nam |
Tuy nhiên cách làm trên không phải gần đây mới xuất hiện và chỉ phù hợp với những lực lượng vũ trang có tiềm lực tài chính hạn chế mà thực chất chúng còn được quân đội Mỹ triển khai trên chiến trường Việt Nam cách đây nửa thế kỷ.
Ban đầu Mỹ cũng tạo ra các xe tải làm nhiệm vụ phương tiện yểm trợ hỏa lực để đi theo bảo vệ đội hình tiếp vận, do xe thiết giáp chạy bánh xích thiếu tốc độ để theo kịp xe tải việt dã sử dụng bánh lốp. Họ đã cơi nới thùng xe, lắp thêm các tấm thép và bổ sung trên đó súng máy hạng nặng.
Nhưng rồi nhận ra phương án này thiếu chắc chắn, kíp chiến đấu không được bảo vệ đầy đủ khỏi hỏa lực của đối phương cho nên Mỹ đã đưa ra một phương án rất độc đáo và còn được vài đồng minh của họ như Australia, New Zealand học tập.
Đây là phương án tận dụng những xe bọc thép chở quân M113 bị mất khả năng hoạt động |
Cách làm được Mỹ đưa ra đó là đưa hoàn toàn phần thân xe bọc thép chở quân M113 đã bị vô hiệu hóa khả năng di chuyển (thường là bị bắn hỏng phần truyền động) lên thùng xe tải việt dã 6x6 để tạo thành module chiến đấu.
Phương án trên khiến cho hỏa lực yểm trợ các đoàn xe vận tải tốt hơn rất nhiều, vì thân xe M113 tương đối nhẹ, không gây ảnh hưởng nhiều đến tốc độ của nền tảng mang vác, trong khi lại tạo ra hỏa lực đáng gờm và lớp giáp bảo vệ tốt hơn so với chỉ gia cố tấm thép.
Cấu hình xe tải mang M113 thời gian đầu phát huy tác dụng tương đối hiệu quả, tuy nhiên sau một thời gian ngắn sử dụng nó đã bộc lộ ngay nhược điểm mà nghiêm trọng nhất nằm ở việc mất cân bằng do trọng tâm cao, dễ bị lật khi đi trên những con đường xấu.
Ngoài ra vào giai đoạn sau, khi trong tay quân giải phóng có vũ khí chống tăng chuyên dụng như B-40/41 thì phương tiện này hoàn toàn mất tác dụng do lớp giáp của chúng không đủ để bảo vệ, dẫn đến kết cục là bị loại bỏ hoàn toàn không lâu sau đó.