Đức nối lại tiêm chủng vaccine AstraZeneca

Ngay sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) tái khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp bào chế cùng trường Đại học Oxford, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn tối 18/3 tuyên bố Đức sẽ ngay lập tức nối lại việc tiêm chủng loại vaccine này.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Essen, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Bộ trưởng Spahn cho biết sẽ bắt đầu tiêm vaccine của hãng AstraZeneca từ ngày 19/3, đồng thời đưa ra cảnh bảo mới về tác dụng phụ có thể xảy ra với người tiêm vaccine. Cảnh báo bổ sung được đưa ra liên quan khả năng xảy ra hiện tượng hiếm gặp gây huyết khối trong tĩnh mạch não. EMA trước đó đã khẳng định tính an toàn và hiệu quả chống COVID-19 của vaccine của AstraZeneca, nhấn mạnh lợi ích từ vaccine này lớn hơn nhiều so với những rủi ro có thể xảy ra, đồng thời khẳng định không có bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng vaccine của AstraZeneca gây ra những sự cố cho tới nay. Tuy nhiên, EMA cũng nhận định việc nghiên cứu sẽ tiếp tục được thực hiện. Để đi đến kết luận này, EMA đã tiến hành kiểm tra tất cả dữ liệu về các trường hợp được tiêm cùng nhà sản xuất, các chuyên gia liên quan cũng như các cơ quan y tế.

Chính trị gia y tế thuộc đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Sabine Dittmar đã hoan nghênh quyết định trên của EMA, nhấn mạnh Đức cần nhanh chóng tiêm số vaccine của AstraZeneca hiện có để “bảo vệ được dân chúng một cách tốt nhất có thể trước làn sóng đại dịch thứ 3”. Tại Đức, cho tới nay đã có 13 trường hợp được báo cáo về hiện tượng huyết khối trong tĩnh mạch não ở các trường hợp được tiêm chế phẩm này. Tổng cộng có 12 phụ nữ và một nam giới, tuổi từ 20-63, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Chính phủ liên bang Đức đã cho tạm ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca từ đầu tuần qua theo khuyến nghị của Viện Paul Ehrlich (PEI), đơn vị chuyên trách xét duyệt sử dụng vaccine ở Đức.

Hiện Đức đã triển khai 1,6 triệu mũi tiêm chủng loại vaccine của AstraZeneca. Sau những chỉ trích vì thiếu vaccine và tình trạng quá tải đường dây nóng đặt lịch hẹn, số lượng vaccine bàn giao cho Đức sẽ tăng lên trong vài tháng tới. Trong quý II/2021, Đức dự kiến tiếp nhận 40,2 triệu liều của Biontech/Pfizer, 16,9 triệu liều của AstraZeneca và 6,4 triệu liều của Moderna.

Ngoài ra, Đức cũng dự kiến nhận những lô vaccine của Johnson & Johnson đầu tiên vào nửa cuối tháng 4. Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Bộ trưởng Quốc phòng liên bang Đức Annegret Kramp-Karrenbauer khuyến nghị xây dựng các trung tâm tiêm chủng hoạt động 24/24 giờ do quân đội liên bang đảm trách. Bà nhấn mạnh quân đội Đức có thể tham gia đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm bảo vệ cho người dân.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Đức đang diễn biến đáng lo ngại khi chỉ số lây nhiễm đều tăng ở cả 16 bang. Hessen là bang thứ 5 ở Đức có chỉ số lây nhiễm trung bình trong 7 ngày/100.000 dân vượt ngưỡng 100. Trước đó, các bang Hamburg, Sachsen-Anhalt, Sachsen và Thüringen đều vượt ngưỡng này, đặc biệt chỉ số lây nhiễm tại Thüringen đã suýt soát ngưỡng 200. Theo số liệu của các cơ quan y tế Đức, tính đến tối 18/3, nước này đã ghi nhận thêm trên 18.000 ca nhiễm mới và 234 ca tử vong. Hiện số người đang mắc COVID-19 ở Đức là khoảng 153.200 người.

Trong diễn biến liên quan, nhiều chính trị gia Đức ngày 18/3 đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh việc phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga cũng như đảm bảo vaccine này có thể được triển khai hiệu quả ở EU ngay khi loại vaccine này được EMA phê duyệt.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của các thủ hiến bang với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Thủ hiến bang Bayern đồng thời là Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Markus Söder nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, đặc biệt trong trường hợp của Sputnik V”.

Theo ông Söder, các nghiên cứu của châu Âu về vaccine Nga cho đến nay cho thấy loại vaccine này có độ “an toàn cao” và ở một số điểm còn tốt hơn các loại vaccine đã được EU được phê duyệt. Chính trị gia Đức đề nghị EU cần phê duyệt vaccine Nga một cách nhanh chóng và hiệu quả, không để bị sa vào những chi tiết lối mòn và quan liêu.

Ngoài ra, EU cũng cần nhanh chóng đàm phán về việc sản xuất và cung ứng, không đợi cho đến khi được phê duyệt, và trong trường hợp việc sản xuất gặp khó khăn thì có thể xem xét sản xuất tại Đức. Trong khi đó, Thị trưởng Berlin Michael Mueller cũng kêu gọi EU cần mọi loại vaccine có thể có, đồng thời kêu gọi mở rộng năng lực sản xuất vaccine ở châu Âu để đẩy nhanh tốc độ chiến dịch tiêm chủng chậm chạp hiện nay của khối.

Tin liên quan:
Theo Mạnh Hùng (TTXVN)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói