Thế giới đã ghi nhận 123.838.618 ca nhiễm nCoV và 2.727.152 ca tử vong, tăng lần lượt 408.879 và 5.651, trong khi 99.731.646 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Sau khi ca nhiễm mới nCoV tiếp tục gia tăng, văn phòng của Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 21/3 đề xuất dự thảo gia hạn biện pháp phong tỏa ngăn Covid-19 sang tháng thứ năm, tiếp tục kéo dài tới ngày 18/4.
Đề xuất được chuẩn bị trước hội nghị trực tuyến của các lãnh đạo khu vực và chính phủ Đức ngày 22/3, nhằm quyết định các biện pháp tiếp theo để đối phó với đại dịch. Theo đề xuất của văn phòng Merkel, cần hạn chế di chuyển nhiều nhất có thể, tiến hành cách ly và yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính với những người tái nhập cảnh Đức.
Đề xuất về các biện pháp mới ngăn Covid-19 của Đức cũng đề cập tới khả năng áp lệnh giới nghiêm buổi tối đối với các khu vực ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao, song thời gian giới nghiêm chưa được nêu chi tiết.
Khả năng gia hạn phong tỏa ngăn Covid-19 có thể khiến nhiều người dân Đức phẫn nộ. Khoảng 20.000 người đã tuần hành ở thành phố Kassel cuối tuần qua để phản đối các biện pháp hạn chế, khiến cảnh sát phải dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán.
Đức đang là vùng dịch lớn thứ mười thế giới, với 2.670.000 ca nhiễm và 75.270 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 11.149 và 74 ca so với ngày hôm trước. Số ca nhiễm mới ở Đức tiếp tục tăng cao do các biến chủng nCoV.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 30.519.279 ca nhiễm và 555.296 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 37.010 và 437 trường hợp so với một ngày trước đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ thông báo tính tới ngày 21/3, nước này đã tiêm 124.481.412 liều vaccine Covid-19 từ Moderna, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson.
Quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh chóng dường như đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan với nhiều người dân Mỹ, khiến họ lơ là các biện pháp chống dịch. Thành phố Miami Beach, bang Florida, cuối tuần qua phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi người dân lũ lượt kéo về bãi biển vui chơi tới mức mất kiểm soát giữa đại dịch.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 11.998.233 ca nhiễm và 294.042 ca tử vong vì Covid-19, tăng 47.774 và 1.186 trong 24 giờ qua.
Brazil hôm 21/3 nhận được lô vaccine Covid-19 đầu tiên từ chương trình phân phối đảm bảo vaccine Covax của Liên Hợp Quốc. Hơn một triệu liều vaccine AstraZeneca đã được chuyển đến Sao Paulo và Bộ Y tế Brazil dự kiến nhận thêm 1,9 triệu liều vào cuối tháng theo chương trình Covax.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong khi đó vẫn tiếp tục phải đối các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19, nói với những người ủng hộ hôm 21/3 rằng ông sẽ đấu tranh cho “tự do” của họ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Anand Vihar, Delhi, hôm 21/3. Ảnh: Reuters.
Ấn Độ báo cáo thêm 47.009 ca nhiễm và 213 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.645.719 và 160.003.
Khi các ca nhiễm liên tục gia tăng, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã bị chỉ trích vì xuất khẩu nhiều vaccine Covid-19 hơn số người được tiêm chủng trong nước.
Dưới áp lực thúc đẩy nguồn cung tại địa phương, Viện Huyết thanh của Ấn Độ hôm 21/3 thông báo hoãn chuyển lô hàng vaccine AstraZeneca cho Brazil, Arab Saudi và Maroc.
Ấn Độ đã tài trợ 8 triệu liều và bán gần 52 triệu liều vaccine Covid-19 cho tổng số 75 quốc gia. Nước này đã tiêm hơn 44 triệu liều vaccine cho người dân kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ giữa tháng một.
Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.296.583 người nhiễm và 126.155 người chết, tăng lần lượt 5.312 và 33 trường hợp. Ca nhiễm mới ở nước này có xu hướng liên tục giảm trong những ngày gần đây.
Bộ trưởng phụ trách vaccine của Anh, Nadhim Zahawi, hôm 21/3 cho biết nước này đã tiêm 873.784 mũi vaccine Covid-19 cho người dân hôm 20/3, mức cao kỷ lục trong chiến dịch tiêm chủng ở nước này.
Anh và EU đang tiếp tục tranh cãi về vấn đề xuất khẩu vaccine Covid-19 của AstraZeneca. EU tố Anh không chuyển lại bất cứ lô vaccine Covid-19 nào, trong khi Anh cáo buộc khối này không tuân thủ cam kết khi dọa cấm xuất khẩu vaccine Covid-19.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 30.581 ca nhiễm và 138 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.282.603 và 92.305.
Gần một phần ba người dân Pháp từ ngày 21/3 đã sống dưới lệnh phong tỏa kéo dài một tháng trong bối cảnh chính phủ nước này đang đặt mục tiêu ngăn các ca nhiễm nCoV lây lan ở khu vực thủ đô Paris và các vùng phía bắc đất nước.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.460.184 ca nhiễm, tăng 4.396, trong đó 39.550 người chết, tăng 103.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 6,2 triệu người đã được tiêm vaccine.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 663.794 ca nhiễm và 12.968 ca tử vong, tăng lần lượt 7.757 và 39 ca.
Philippines từ hôm nay sẽ mở rộng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 từ thủ đô Manila sang 4 tỉnh lân cận gồm Bulacan, Cavite, Laguna và Rizal. Các biện pháp hạn chế gồm giới nghiêm ban đêm, cấm tụ tập đông người và chỉ đi lại khi cần thiết.