Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 468.000 ca bệnh COVID-19 và trên 13.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 105 triệu ca, trong đó trên 2,29 triệu ca tử vong.

Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 102.365 ca), Brazil (56.372 ca) và Tây Ban Nha (29.960 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.937 ca), Mexico (1.707 ca) và Brazil (1.203 ca).

Trong bối cảnh các biến thể mới của SARS-CoV-2 lan rộng, Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng vaccine của Anh Nadhim Zahawi cho biết thế giới hiện có khoảng 4.000 biến thể của virus SARS-CoV-2, buộc các hãng dược phẩm phải tìm cách cải tiến hiệu quả của vaccine. Hàng nghìn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được ghi nhận là các đột biến, trong đó đáng chú ý có các biến thể ở Anh, Nam Phi và Brazil bị cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Bogota, Colombia ngày 15/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) nêu quan ngại về việc phát hiện 3 biến thể mới của virus. Phát biểu họp báo trực tuyến, người đứng đầu PAHO Carissa F. Etienne cho biết những biến thể trên đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn. Bà Etienne cảnh báo số ca mắc và tử vong do COVID-19 đang gia tăng ở Mexico, đặc biệt là ở các bang đã mở cửa đón du lịch trở lại.

Trong khi đó, ở khu vực Trung Mỹ và Caribe, số ca mắc mới COVID-19 cũng chưa có dấu hiệu giảm. Ở Nam Mỹ, Colombia tiếp tục là quốc gia có số ca mắc cao nhất trong khu vực, tiếp đến là Brazil. Trong tuần qua, hơn 1,8 triệu ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn châu Mỹ, trong đó hơn 47.000 ca tử vong.

Trước tình hình này, bà Etienne kêu gọi các chính phủ hành động quyết liệt hơn để kiểm soát đại dịch đồng thời ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế và người cao tuổi.

Hàn Quốc cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 4

Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Nhân viên trong trang phục bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 4/2, giới chức Hàn Quốc cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 ở nước này vẫn đang tiếp diễn, chưa đến giai đoạn ổn định và người dân có thể sẽ lơ là cảnh giác khi việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai từ trung tuần tháng 2, nên không thể loại trừ khả năng bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4 trong thời gian tới.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun mới đây đã chỉ thị các cơ quan hữu quan thiết lập tiêu chuẩn phòng dịch mới với sự tham gia của người dân, lắng nghe yêu cầu của các doanh nghiệp trong những ngành nghề khác nhau, tiếp nhận những đề xuất hợp lý. Hội đồng vaccine quốc tế (COVAX) đã lần đầu tiên công bố kế hoạch phân phối vaccine sơ bộ. Hàn Quốc dự kiến sẽ được phân bổ ít nhất 2.596.000 liều vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh), được sản xuất tại công ty SK Bioscience của Hàn Quốc và 117.000 liều của hãng dược Pfizer (Mỹ).

Saudi Arabia tạm dừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí

Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mecca, Saudi Arabia, ngày 13/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Saudi Arabia ngày 4/2 đã đóng cửa các cơ sở vui chơi, giải trí, trong đó có rạp chiếu phim, đồng thời cấm các nhà hàng phục vụ khách ăn tại chỗ trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao.

Trong thông báo, Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết nước này đã tạm thời cấm mọi hoạt động tổ chức sự kiện, liên hoan, đám cưới tại các phòng tiệc lớn hoặc khách sạn trong 30 ngày. Tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí cũng bị cấm trong 10 ngày hoặc hơn. Các biện pháp bắt đầu có hiệu lực từ 22h ngày 4/2 (giờ địa phương) nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ hai.

Trước đó, hôm 31/1, Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia Tawfiq al-Rabiah để ngỏ khả năng siết chặt các hạn chế nếu người dân không nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng dịch.

Saudi Arabia đã cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Nước này hiện ghi nhận gần 369.000 ca mắc COVID-19 và 6.400 ca tử vong, mức cao nhất trong số các quốc gia vùng Vịnh.

Thủ tướng Israel hoãn chuyến thăm UAE và Bahrain vì COVID-19

Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel ngày 1/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 4/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo hoãn chuyến công du theo kế hoạch đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain vào tuần tới do nước này đang áp đặt phong tỏa để hạn chế dịch COVID-19 lây lan.

Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel cho hay Thủ tướng Netanyahu đã quyết định lùi thời điểm thực hiện các chuyến thăm đến UAE và Bahrain vào thời điểm này do Israel đang tạm dừng các chuyến bay quốc tế.

Israel hồi tháng trước đã cấm các chuyến bay quốc tế và đóng cửa biên giới trên bộ trong khuôn khổ các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19 áp dụng trên toàn quốc. Các biện pháp sẽ hết hiệu lực vào ngày 7/2 tới. Tuy nhiên, dự kiến trong ngày 4/2, các thành viên nội các Israel sẽ nhóm họp để thảo luận khả năng gia hạn lệnh phong tỏa. Thủ tướng Netanyahu từng khẳng định cấm đi lại là biện pháp cần thiết để chống lại sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tính đến thời điểm hiện tại, Israel phát hiện hơn 670.000 ca mắc COVID-19 và 5.000 ca tử vong. Nước này đặt mục tiêu đến cuối tháng 3/2021 hoàn thành tiêm vaccine ngừa bệnh cho tất cả người dân trên 16 tuổi.

Châu Âu chưa thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa

Tình hình dịch COVID-19 trên toàn thế giới vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan dù rằng chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đã được triển khai tại nhiều nước và đến nay đã có khoảng hơn 100 triệu người được tiêm chủng ngừ. Đặc biệt, tại châu Âu, đà tăng số ca lây nhiễm chưa có dấu hiệu chững lại khiến châu lục này điêu đứng vì chưa thể nới lỏng được các biện pháp phong tỏa.

Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Cảnh vắng vẻ ở London, Anh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 27/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 3/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết có một số “dấu hiệu hy vọng”, nhưng số ca nhiễm mới theo ngày vẫn quá cao để có thể xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo nhà lãnh đạo Anh, mặc dù số ca nhập viện có chiều hướng giảm, Cơ quan y tế quốc gia (NHS) đang chịu áp lực lớn. Trưởng văn phòng y tế vùng England Chris Whitty nhận định: “Nước Anh có thể vừa đi qua đỉnh của đợt dịch hiện nay, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể có một đỉnh mới”.

Theo số liệu thống kê mới nhất, với 20.634 ca trong vòng 24 giờ qua, nước Anh ghi nhận tổng cộng, 3.892.459 ca, trong đó có 110.250 ca tử vong. Nước Anh hiện đứng thứ 5 trên thế giới và đứng thứ hai châu Âu về số ca nhiễm. Thủ tướng Anh cho biết 90% trong số những người trên 75 tuổi tại “xứ sở sương mù” đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mũi đầu tiên.

Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 27/1. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, tại Pháp, tốc độ lây nhiễm virus dù có giảm, nhưng vẫn cao so với nhiều khu vực khác. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này trong vòng 24 giờ qua là 23.448, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 3.274.608, đứng thứ ba tại châu Âu và đứng thứ sáu thế giới về số ca nhiễm. Với thêm 357 ca tử vong, cho đến nay Pháp ghi nhận tổng cộng 77.952 ca tử vong. Theo Bộ Y tế, hiện Pháp đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 1.682.951 người, trong đó 140.140 người đã được tiêm mũi thứ hai.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng. Theo Bộ Y tế, trong tuần qua nước này đã ghi nhận tới 128 ca nhiễm biến thể mới tại 17 thành phố trên cả nước. Trong vòng 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 7.909 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại nước này lên 2.508.988 ca, trong đó có 26.467 ca tử vong.

Chính phủ Đức đề nghị Quốc hội gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia

Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Garmisch-Partenkirchen, Đức ngày 29/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Đức đã xây dựng bản dự thảo trình Quốc hội Đức xem xét tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia có tên gọi “Tình hình dịch bệnh phạm vi cả nước” cho tới cuối tháng 6 tới.

Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn đã đề nghị Quốc hội thảo luận, phê chuẩn quy định về tình trạng khẩn cấp quốc gia vốn sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3 tới.

Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 sẽ chưa kết thúc vào cuối tháng 3, vì vậy để tiếp tục đảm bảo các khoản hỗ trợ tài chính cũng như các quy định linh hoạt về chăm sóc sức khỏe và y tế, cần phải tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp để đảm bảo tính pháp lý. Ông cho biết đề nghị được đưa ra dựa trên yêu cầu của các đảng cầm quyền, trong đó chỉ cơ quan lập pháp mới có thẩm quyền xác định, chấm dứt hoặc gia hạn tình trạng khẩn cấp và quy định này phải được Quốc hội xem xét lại ít nhất 3 tháng một lần.

Vùng Catalonia (Tây Ban Nha) dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế

Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 20/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 4/2, chính quyền vùng Catalonia của Tây Ban Nha đã dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế do số ca nhiễm và nhập viện tại vùng này bắt đầu thuyên giảm.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 9/2 và kéo dài trong giai đoạn đầu là 14 ngày, các quán bar và nhà hàng sẽ có thể phục vụ khách hàng bữa sáng và bữa trưa trong hơn một giờ đồng hồ trong khi thời gian còn lại trong ngày, các cửa hàng này sẽ vẫn phải yêu cầu khách hàng mang đồ ăn về. Lệnh phong tỏa cấm người dân rời khỏi vùng này, trừ lý do làm việc hay liên quan tới sức khỏe, sẽ được nới lỏng một chút. Trong khi đó, các phòng tập thể dục đã bị đóng cửa trong 1 tháng qua, sẽ được phép mở cửa với công suất hoạt động là 30%...

Trong khi đó, nhiều biện pháp hạn chế khác được áp đặt từ hồi đầu tháng 1 tại Catalonia sẽ vẫn có hiệu lực do vùng này chịu tác động của dịch bệnh lớn thứ hai tại Tây Ban Nha. Cụ thể, nhiều cửa hàng lớn và trung tâm mua sắm sẽ vẫn đóng cửa trong khi phần lớn các cửa hàng nhỏ bán đồ không thiết yếu chỉ được phép mở cửa từ ngày thứ Hai đến thứ Sáu. Lệnh giới nghiêm từ 22h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau vẫn có hiệu lực.

Số ca nhiễm trung bình trên 100.000 người ở vùng Catalonia đã giảm xuống 494 ca vào ngày 3/2, giảm so với 589 ca của một tuần trước và kỷ lục 620 ca hồi giữa tháng 1/2021.

Australia hy vọng sớm mở cửa trở lại biên giới quốc gia

Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Perth, Australia, ngày 2/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, tại Australia, nhà chức trách nước này cho biết các đường biên giới quốc tế của Australia có khả năng sẽ sớm được mở cửa trở lại nhờ hiệu quả nhanh chóng của vaccine ngừa COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Australia Brendan Murphy ngày 4/2 cho biết triển vọng tích cực của vaccine ngừa COVID-19 mang lại hy vọng về việc mau chóng phục hồi việc đi lại quốc tế, giúp lệnh đóng cửa biên giới quốc gia được dỡ bỏ sớm hơn so với dự kiến.

Tuy nhiên, ông Murphy cũng nhắc lại điều kiện hàng đầu để Australia xem xét thời điểm mở cửa biên giới quốc gia sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của vaccine trong ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Ông Murphy nhấn mạnh ưu tiên của Australia là ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại và sức khỏe của người dân cần phải được đặt lên hàng đầu.

Thủ tướng Australia Scott Morrison từng tuyên bố nước này sẽ không vội vàng mở cửa biên giới với phần còn lại của thế giới nếu chưa chắc chắn về hiệu quả của vaccine phòng COVID-19. Bộ trưởng Y tế Murphy thậm chí đã dập tắt hy vọng của ngành du lịch quốc tế với nhận định biên giới quốc gia có khả năng sẽ đóng cửa cho tới hết năm nay.

Australia bắt đầu đóng cửa biên giới quốc gia kể từ tháng 3/2020, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Mặc dù việc đưa người dân hồi hương vẫn đang được thúc đẩy, đến nay vẫn còn gần 40.000 người Australia đang bị mắc kẹt tại nước ngoài.

Maroc gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế

Diễn biến Covid-19: Thế giới vượt 105 triệu ca mắc, châu Âu chưa thể nới phong tỏa

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại Rabat, Maroc ngày 29/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 4/2, Chính phủ Maroc cho biết trong một tuyên bố rằng nước này đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế thêm một tháng, đến ngày 10/3 tới, để ngăn chặn COVID-19 ở vương quốc này.

Đây là một phần trong nỗ lực chống đại dịch COVID-19, vốn đang hoành hành mạnh mẽ tại quốc gia Bắc Phi này. Trước đó, Maroc đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trên quy mô toàn quốc đợt đầu tiên vào 29/1, cho hơn 300.000 người là những nhân viên tuyến đầu, các quan chức và người cao tuổi.

Trước đó, ngày 2/2, nhà chức trách Maroc cũng đã quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm thêm 2 hai tuần, cho đến 16/2 và trên phạm vi toàn quốc. Số ca mắc Covid-19 mới tại Maroc đang có dấu hiệu suy giảm, những vẫn còn ở mức cao với trung bình khoảng 800 ca/ngày.

Maroc đã ghi nhận tổng cộng 473.667 trường hợp mắc COVID-19, với ca mắc bệnh đầu tiên phát hiện vào tháng 3/2020, và 8.351 trường hợp tử vong. Maroc xếp thứ 2 trong top 10 quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất ở châu Phi.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ

Ngày 22/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.