Lợi dụng “thần chú” quy hoạch, hàng loạt nhà đầu tư đổ xô vào đất theo hình thức “lướt sóng”, cùng với dòng tiền sẵn được xem là những “mồi lửa” khiến thị trường đất ở Hà Tĩnh “nóng” từng ngày.
Nhiều “làn sóng” sốt đất thời gian qua ở Hà Tĩnh cho thấy một thực tế là quyết định giao dịch đất đai của người dân, đặc biệt là các nhà đầu tư luôn bị tác động mạnh mẽ bởi các quy hoạch dự án. Những thông tin quy hoạch có thể mới chỉ là chủ trương, chưa có ranh giới quy hoạch, chưa có gì rõ ràng nhưng đã làm giá đất… “sôi sùng sục”!
Dẫu biết rằng, quy hoạch khu đô thị, nhà máy sản xuất... khiến giá đất ở vùng quy hoạch tăng là có cơ sở vì khi hạ tầng được đầu tư sẽ kéo theo giá trị đất tại khu vực đó gia tăng. Tuy nhiên, khi thông tin quy hoạch chưa rõ, giới “cò đất” đã nhân cơ hội tung tin, kích thích người có tiền lao vào đầu tư khiến giá đất bỗng dưng nhảy vọt.
Khu vực ven biển Thạch Văn (Thạch Hà), khu vực quy hoạch Dự án Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa (ảnh trái). Một người dân thôn Hội Tiến, xã Thạch Hội (Thạch Hà) (áo tối màu) chỉ cho PV khu đất đang được rao bán với giá 5,5 triệu đồng/m2. Đây là khu vực gần với Dự án Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa dự kiến triển khai tại 2 xã Thạch Văn và Thạch Trị, thuộc huyện Thạch Hà (ảnh phải).
Thời gian qua, thông tin về quy hoạch Dự án Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh tại xã Thạch Văn và Thạch Trị (Thạch Hà) do Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Onsen Fuji đầu tư đang làm “khuấy đảo” thị trường bất động sản ở các xã bãi ngang ven biển này.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, nhiều lô đất ở đây được bán với mức giá vài tỷ đồng là bình thường. Trao đổi về thực trạng “sốt” đất ở địa phương, ông Nguyễn Anh Tùng - Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà cho biết: Dự án Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh tại xã Thạch Văn và Thạch Trị chỉ mới được BTV Tỉnh ủy đồng ý về mặt chủ trương. Để triển khai còn hàng loạt các công đoạn, thủ tục liên quan khác và nhìn chung chưa có gì cụ thể nhưng thực tế đã có hiện tượng giá đất tăng ở khu vực ven dự án.
Nhà đầu tư “lướt sóng” chỉ cần bỏ một số tiền (bằng khoảng 5-10% hoặc thấp hơn giá trị tổng) để đặt cọc lô đất trong vòng dưới 15 ngày.
Xét ở góc độ kích thích, đẩy giá đất tại Hà Tĩnh sôi động và tăng từng ngày, thậm chí từng giờ thì các nhà đầu tư “lướt sóng” được đánh giá là yếu tố “then chốt”. Hiểu một cách đơn giản, “lướt sóng” đầu tư bất động sản (BĐS) là hình thức đầu tư sinh lời mà không nhất thiết phải bỏ tiền mua 100% giá trị của BĐS.
Nhà đầu tư “lướt sóng” chỉ cần bỏ khoản tiền bằng khoảng 5-10% giá trị tài sản hoặc thấp hơn để “đặt cọc” lô đất mà người này tin tưởng trong thời gian ngắn sẽ có khả năng tăng giá. Sau đó, nếu đúng theo dự đoán, sẽ có nhiều người quan tâm và sẵn sàng bỏ một số tiền cao hơn giá gốc từ vài chục đến cả trăm triệu đồng để sở hữu được BĐS mà nhà đầu tư “lướt sóng” này đang nắm giữ.
Theo ghi nhận tại thị trường BĐS ở Hà Tĩnh, thời điểm này, hàng loạt nhà đầu tư “lướt sóng” đang tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, từ cán bộ, công chức đến chủ nhà hàng, chủ tiệm làm đẹp, người kinh doanh nhỏ lẻ và cả những người đang... thất nghiệp.
Vùng đất ven đô TP Hà Tĩnh khá “hút khách” khi có hạ tầng đẹp, khả năng sinh lợi cao.
Vài tháng nay, chị L.T.P. (TP Hà Tĩnh) đã trở thành nhà đầu tư “lướt sóng” BĐS tại thị trường Hà Tĩnh. Làm việc trong cơ quan nhà nước nên chị tranh thủ sáng sớm hoặc khi hết giờ làm đi “săn” đất. Tham khảo các thông tin đất đai từ các hội nhóm trên mạng xã hội hoặc truyền miệng từ người thân, nếu nhận thấy có khả năng đầu tư, chị P. sẽ đến xem đất thực địa và quyết định đặt cọc tiền.
“Dù biết cơ hội kinh doanh này đã khá lâu nhưng gần đây tôi mới quyết định… “vào ngành”. Do còn non kinh nghiệm, ít vốn nên tôi kết hợp với vài người bạn nữa để chung vốn đầu tư” - chị P. cho hay.
Mỗi lô đất, nhà đầu tư “lướt sóng” có thể lãi vài chục đến cả trăm triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Được biết, cuối tháng 8 vừa qua, chị P. cùng bạn đã “xuống” 50 triệu đồng để đặt cọc một lô đất thổ cư hơn 200 m2 ở trong một con ngõ sâu, hẹp thuộc phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) trong thời gian 15 ngày. Lô đất được chuyển nhượng với giá 1,08 tỷ đồng và chị P. dự định trong thời gian 15 ngày đặt cọc có người trả giá cao hơn sẽ bán “lướt” luôn. Ngay khi “đặt cọc” xong, các chị rao bán và sau đúng 1 ngày đã tìm được khách đồng ý mua lô đất nói trên với giá 1,13 tỷ đồng. Bán “trao tay” thành công, chị P. cùng bạn thu về 50 triệu đồng tiền lãi và đến nay, sau hơn nửa tháng, lô đất đó đang được rao bán với giá trên 1,4 tỷ đồng…
Dự án nhà ở Shophouse và trung tâm thương mại (tại thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài) đang được Tập đoàn Hà Mỹ Hưng triển khai kéo theo đất xung quanh dự án tăng cao.
Khác với chị P., anh L.V.T. (Hương Sơn) cùng một nhóm 5 người đã tham gia vào thị trường BĐS khá lâu. 2 tháng nay, nhóm này thường xuyên săn lùng, tìm kiếm các lô đất ở TP Hà Tĩnh và các huyện Thạch Hà, Can Lộc để đầu tư “lướt sóng”. Theo anh T., trong 2 tháng, nhóm của anh đã “lướt” hơn 10 lô đất với mức lãi thu về tầm 80 - 400 triệu đồng/lô. Dù xác định không “ôm” đất quá lâu nhưng anh T. vẫn tỏ ra tiếc rẻ khi vừa quyết định “lướt” 1 lô đất hơn 160 m2 ở vùng quy hoạch xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) với giá 1,14 tỷ đồng thì khoảng 5 ngày sau, người mua (F1) của anh đã “chốt lãi” 140 triệu đồng khi bán “trao tay” cho khách hàng khác (F2) với giá 1,28 tỷ đồng và đến nay, sau chưa đầy 10 ngày, lô đất này có giá không dưới 1,5 tỷ đồng.
Nhu cầu đầu tư vào đất tăng mạnh nhiều tháng nay còn do khả năng đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc, nhiều dòng tiền đã chọn đất đai để đầu tư sinh lợi.
Dù không phải là dòng “chủ lưu” song lãi suất tiền gửi và vay đều giảm cũng góp phần tạo nguồn tiền để đầu tư bất động sản.
Nguồn tiền có sẵn trong dân được xem là một trong những dòng chủ lưu trong thị trường đất Hà Tĩnh hiện nay. “Trước bối cảnh dịch bệnh, đầu tư BĐS được xem là kênh “trú ẩn” khá an toàn trong khi các lĩnh vực SXKD khác đều hạn chế. Thế nên, gia đình tôi đã dùng tiền tích trữ lâu nay để đầu tư đất. Tất nhiên, sau khi nhận chuyển nhượng, nếu có khách, được giá thì tôi sẽ bán, còn không thì xem như một tài sản để dành” - anh T.Đ.T. (TP Hà Tĩnh) cho hay.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, một lượng tiền lớn được các chủ doanh nghiệp “rót” vào đất vì các lĩnh vực sản xuất họ đang đầu tư hiện bị đình trệ. Theo các nhà đầu tư này, họ sẽ theo sát thị trường, chủ yếu đầu tư ngắn hạn, được giá sẽ bán chứ không xác định “ôm” đất. Sau khi dịch bệnh ổn định, họ sẽ “tháo” hết số đất đã đầu tư để lấy tiền khôi phục SXKD.
Ngân hàng VP Bank thực hiện cho vay đầu tư bất động sản.
Một thực tế nữa là khi lãi suất tiền gửi ngân hàng đang về mức thấp (từ 12 tháng trở lên là 5,5 - 6,7%/năm) thì người dân đã có xu hướng rút tiền để đầu tư đất. “Lãi suất tiền gửi hiện xuống thấp trong khi tôi nhìn thấy cơ hội từ đầu tư đất nên đã bàn với vợ rút số tiền gửi ngân hàng về đầu tư” - anh L.V.T. (Lộc Hà) cho hay.
Dù chưa khẳng định được xu hướng này có mang tính phổ biến hay không nhưng theo thông tin chúng tôi nắm được, hiện nay, có dòng tiền đầu tư từ các tỉnh/thành khác, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh “đổ” về Hà Tĩnh đầu tư vào đất đai. Theo đó, một số người Hà Tĩnh đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh đã tìm hiểu cơ hội đầu tư BĐS ở quê nhà khi các hoạt động SXKD ở TP Hồ Chí Minh bị đình trệ do dịch bệnh. Anh P.T.L. (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cho hay: “Thời gian này, việc kinh doanh của gia đình tôi tạm dừng do dịch bệnh nên tôi được người thân ở quê giới thiệu đầu tư vào thị trường đất ở Hà Tĩnh. Qua tìm hiểu, tôi thấy giá đất ở quê hiện khá “dễ thở”, chỉ cần trên dưới 1 tỷ đồng là đã có thể sở hữu một lô đất tương đối đẹp, trong khi với số tiền này, nếu ở TP Hồ Chí Minh thì không thể đầu tư. Tôi nghĩ, việc tham gia đầu tư đất ở Hà Tĩnh cũng là một cơ hội tốt trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay”.
Người tham gia đấu giá đất kiểm tra niêm phong thùng đựng phiếu tham gia đấu giá.
Dù không phải dòng tiền “chủ lưu” nhưng lãi suất tiền vay kỳ ngắn hạn ở các ngân hàng hiện đang ở mức thấp (4,5 - 8,4%/năm), cùng với đó, nhiều ngân hàng triển khai chương trình cho vay BĐS với lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay kéo dài, thủ tục linh hoạt cũng góp phần vào sự sôi động của thị trường nhà đất tại Hà Tĩnh. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hà Tĩnh, đến 31/8/2021, dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS trên địa bàn là 5.920 tỷ đồng, chiếm 9,11% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS đạt 292 tỷ đồng, chiếm 4,93% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS…
thiết kế: huy tùng