Giá tăng cao, người trồng cam Khe Mây phấn khởi vào vụ thu hoạch

(Baohatinh.vn) - Tình hình thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả tại một số vùng trồng cam Khe Mây ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, giá cam đầu vụ tăng cao nên người dân rất phấn khởi chuẩn bị cho vụ thu hoạch.

Xã Hương Đô (huyện Hương Khê) là một trong những “thủ phủ” sản xuất cam lớn nhất Hà Tĩnh với đặc sản cam Khe Mây. Hiện, toàn xã có 336 ha cam các loại, trong đó 220 ha đang cho thu hoạch.

Giá tăng cao, người trồng cam Khe Mây phấn khởi vào vụ thu hoạch

Gia đình anh Nguyễn Văn Phúc chọn tỉa những quả cam chín sớm để bán ra thị trường.

Tại thôn 6 (xã Hương Đô), vợ chồng anh Nguyễn Văn Phúc trồng hơn 2 ha cam, đến nay có hơn 1 ha đã cho thu hoạch.

Anh Phúc chia sẻ: "Do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất cam chanh vụ 2022 có thấp hơn năm trước. Dù vậy, năm nay tôi ước tính vẫn đạt khoảng 15 tấn, ít hơn khoảng 5 tấn so với năm 2021. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình và được công nhận đạt chuẩn VietGap nên sản phẩm được thị trường ưa chuộng.

Hiện tại, thương lái đã vào tận vườn thu mua với mức giá khoảng 30 nghìn đồng/kg - cao gấp 2 lần so với thời điểm đầu vụ năm 2021. Theo xu hướng hằng năm, cam sẽ tăng giá vào thời điểm cuối năm nên hiện nay chúng tôi chưa thu hoạch ồ ạt mà tập trung chọn tỉa quả chín sớm. Theo tính toán, nếu thời tiết và thị trường tiêu thụ thuận lợi thì gia đình sẽ thu về khoảng 450 triệu đồng từ sản phẩm vườn cam".

Giá tăng cao, người trồng cam Khe Mây phấn khởi vào vụ thu hoạch

Anh Bùi Tuấn Anh – thành viên tổ hợp tác sản xuất cam Tân Lộc phấn khởi khi giá cam tăng cao so với các năm trước.

Tại xã Lộc Yên, tổ hợp tác sản xuất cam Tân Lộc cũng đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Anh Bùi Tuấn Anh – thành viên tổ hợp tác chia sẻ: “Sản lượng cam của tổ năm nay ước đạt khoảng 20 tấn, thấp hơn so với các năm trước. Nguyên nhân 1 phần là do số lượng cây già, yếu nhiều hơn và thời tiết bất lợi, tỷ lệ đậu quả cũng thấp hơn. Dù vậy, chúng tôi cũng đang phấn khởi chuẩn bị cho vụ thu hoạch khi giá cam cao hơn so với các năm trước. Dự báo giá cam có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới”.

Đến nay, huyện Hương Khê có hơn 2.000 ha cam các loại, trong đó diện tích cho quả khoảng 1.500 ha, tập trung nhiều ở các xã: Hương Đô, Lộc Yên, Hương Trà, Hương Thủy…

Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng theo nhận định của cơ quan chuyên môn, mặc dù một số vùng trồng cam có tỷ lệ đậu quả thấp nhưng nhìn chung năng suất khá đảm bảo; sản lượng cam toàn huyện dự báo có xu hướng giảm nhẹ so với các năm trước (sản lượng năm 2021 đạt khoảng 14.000 tấn).

Hiện, mùa thu hoạch cam đã vào chính vụ và sẽ kéo dài đến dịp tết Nguyên đán. Ghi nhận tại địa phương, giá cam được thu mua khá cao, dao động từ 30 - 35 nghìn đồng/kg; đặc biệt một số sản phẩm cam đặc sản, cam hữu cơ được bán với giá lên đến 70 - 80 nghìn đồng/kg.

Giá tăng cao, người trồng cam Khe Mây phấn khởi vào vụ thu hoạch

Toàn huyện Hương Khê có hơn 2.000 ha cam các loại, trong đó diện tích cho quả khoảng 1.500 ha.

Thời gian qua, người dân và chính quyền địa phương cũng đã tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu nhằm mở rộng thị trường và nâng tầm giá trị sản phẩm cam Khe Mây.

Chị Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc hợp tác xã sản xuất, kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng (xã Lộc Yên) cho hay: "Sản phẩm cam Khe Mây đang được khách hàng ở nhiều tỉnh, thành khác biết đến. Trong đó, TP Vinh (Nghệ An) và Hà Nội đang là những thị trường tiềm năng nhất.

Thời điểm đầu mùa, chúng tôi đã kết nối để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm tại một số cửa hàng nông sản tại Hà Nội và được người tiêu dùng đánh giá cao. Hợp tác xã cũng sẽ tiếp tục kết nối, tham gia các hoạt động hội chợ ở các địa phương khác để phân phối, quảng bá rộng rãi đặc sản cam Khe Mây và phấn đấu đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị".

Giá tăng cao, người trồng cam Khe Mây phấn khởi vào vụ thu hoạch

Đặc sản cam Khe Mây hiện đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận.

Giới thiệu, hỗ trợ các nhà vườn, doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại; kết nối với các sàn thương mại điện tử… là những giải pháp hữu hiệu mà huyện Hương Khê đang nỗ lực triển khai để mở rộng thị trường cho cam Khe Mây.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Đặng Tuấn Anh cho biết: Địa phương đã và đang tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm tới người tiêu dùng; nhân rộng các mô hình kinh doanh, phân phối sản phẩm có thương hiệu cam Khe Mây. Kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Tổ chức mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để quản lý tốt hơn nhãn hiệu chứng nhận “Cam Khe Mây” trên địa bàn nhằm bảo vệ danh tiếng, uy tín của các sản phẩm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Vilaco kỷ niệm 20 năm thành lập

Vilaco kỷ niệm 20 năm thành lập

20 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH MTV Việt - Lào đã tạo được thương hiệu uy tín, là cầu nối xây đắp tình đoàn kết hữu nghị 2 tỉnh Hà Tĩnh – Khăm Muồn và 2 nước Việt Nam – Lào.
Kích hoạt nguồn lực, thúc đẩy động lực tăng trưởng, Hà Tĩnh tạo bứt phá và phát triển

Kích hoạt nguồn lực, thúc đẩy động lực tăng trưởng, Hà Tĩnh tạo bứt phá và phát triển

Trao đổi với Báo Hà Tĩnh ngay sau Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh về nhiệm vụ, giải pháp tạo bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2024 và những năm tiếp theo. Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng phân tích những dư địa, động lực tăng trưởng mới và những bước đi chiến lược trên lộ trình hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị lực vượt khó của chị Huyên

Nghị lực vượt khó của chị Huyên

Chồng mất sớm, gia cảnh khó khăn, chị Hoàng Thị Huyên (Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã nghị lực vượt lên số phận, trở thành tấm gương sáng cho chị em phụ nữ học tập.
Thương hiệu Vilaco 20 năm trên đất bạn Lào

Thương hiệu Vilaco 20 năm trên đất bạn Lào

20 năm đóng chân trên đất nước Triệu Voi, Công ty TNHH MTV Việt - Lào (Vilaco) đã tạo được nền móng vững chắc, góp phần tô thắm tình hữu nghị 2 tỉnh Hà Tĩnh - Khăm Muồn và 2 nước Việt - Lào.