Giá thu mua lúa tươi giảm, nông dân Hà Tĩnh “kém” vui

(Baohatinh.vn) - Giá lúa tươi tại thị trường Hà Tĩnh đang được thu mua ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào phục vụ sản xuất như: phân bón, thuốc trừ sâu, máy gặt... tăng cao khiến không ít nông dân “kém” vui trong mùa thu hoạch mới.

Nông dân huyện Cẩm Xuyên đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa xuân.

Cẩm Xuyên - một trong những vựa lúa lớn của tỉnh đang vào cao điểm thu hoạch. Không tấp nập mua bán, không nhiều những chuyến xe tải của các doanh nghiệp về thu gom lúa như mọi năm, không khí ngày mùa dường như trầm đi vì giá các loại lúa giảm khá mạnh. Theo khảo sát, giá lúa đang được tiểu thương, doanh nghiệp mua tại chân ruộng ở mức 4.500 đồng - 5.000 đồng/kg tùy loại và chất lượng.

Vụ này, chị Trần Thị Mai (xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) làm gần 1 mẫu ruộng, chủ yếu là các giống Khang Dân (KD) 18, Nếp 98, Xuân Mai 12… Một phần thời tiết năm nay không mấy thuận lợi, hơn nữa cuối vụ cần thanh toán nhiều khoản chi phí nên chị quyết định bán lúa tươi tại chân ruộng cho thương lái.

Giá lúa đang được tiểu thương, doanh nghiệp mua tại chân ruộng chỉ ở mức trung bình từ 4.500 đồng - 5.000 đồng/kg.

Chị Mai cho biết: “Giá lúa tươi KD18 đang được thu mua từ 4.500 - 4.700 đồng/kg, Nếp 98 thì “nhỉnh” hơn, nhưng cũng không quá 6.000 đồng/kg, trong khi có những năm giá lúa 2 loại này lên đến 5.500 đồng/kg (đối với Khang Dân 18 và gần 8.000 đồng đối với Nếp 98. Không những vậy, năm nay mọi vật tư đều tăng, từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy cày làm đất... đến tiền thuê máy gặt cũng tăng 20 - 30 nghìn đồng/ sào (150 - 160.000 đồng/sào). Tính ra, vụ sản xuất này chúng tôi gần như không có lãi nữa".

Cũng đang tất tả vác lúa lên xe để vận chuyển đến điểm tập kết thu mua, ông Phạm Hữu Tuân (thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành) chia sẻ: "Bây giờ xe tải của doanh nghiệp không vào tận ruộng như trước nữa mà chúng tôi phải thuê xe chuyên chở, bốc hàng về các điểm tập kết mới xuất đi được nên càng thêm khó khăn hơn”.

Các loại chi phí đầu vào cho sản xuất, thu hoạch đều tăng cao nên mức giá lúa bán ra thấp khiến nhiều nông dân gặp khó khăn.

Giá lúa tươi tại chân ruộng thấp không chỉ diễn ra ở một vài địa phương mà gần như là tình trạng chung hiện nay ở Hà Tĩnh. Anh Trần Xuân Mạnh (xã Xuân Lộc, Can Lộc) cho biết: “Năm nay, gia đình sản xuất gần 2 mẫu ruộng, năng suất ước đạt 2,7 - 2,8 tạ/sào. Các loại như: Khang Dân 18, Xuân Mai 12, Thái Xuyên 111, TH3-3… chỉ được thương lái thu mua mức giá cao nhất là 4.900 đồng/kg; chỉ có giống Nếp 98, Nếp 87 là có giá tốt và dễ bán hơn nhưng so với mấy năm trước thì còn thua xa".

Thậm chí, theo một số bà con nông dân, ngoài Khang Dân 18, Xuân Mai 12, Nếp 98, Nếp 87 thì những dòng lúa khác còn khó cả tìm người mua, chưa nói gì là giá.

Lúa vụ xuân chủ yếu được các tiểu thương gom về để xuất đi các tỉnh phía Bắc như: Thái Nguyên, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam...

Chị Nguyễn Thị Huy - một người thu mua lúa tại xã Xuân Lộc (Can Lộc) cho biết: “Thời điểm hiện tại, mỗi ngày, trung bình tôi thu mua từ 30 - 40 tấn lúa. Nhìn chung, năm nay, sức mua của thị trường khá trầm lắng do nhu cầu từ phía Trung Quốc giảm mạnh nên tiểu thương cũng không dám “ôm” quá nhiều về kho”.

Tại vựa lúa Đức Thọ, giá các loại giống đại trà cũng đang tương đương với các vùng khác và nhìn chung thấp hơn khoảng từ 8 - 10 giá so với năm ngoái. Riêng một số loại lúa chất lượng cao, có giá trị thương phẩm tương đối tốt như: ST25, ST24, Bắc Thịnh… đang được xếp vào nhóm giá cao nhất, dao động từ 5.700 đồng - 6.000 đồng/kg lúa tươi.

Các địa phương huy động máy móc để giúp người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ xuân.

Nguyên nhân khiến giá lúa năm nay giảm là do ảnh hưởng chung, sản phẩm đi các thị trường tại Trung Quốc gặp khó khăn; cước phí vận tải, kho bãi tăng nên phần lớn các nhà buôn lớn chỉ chủ yếu phục vụ thị trường trong nước là chính. Trong khi đó, do ảnh hưởng của nhiều đợt thời tiết xấu, sâu bệnh khiến chất lượng nhiều loại giống không đồng đều, cây nhiều hạt lép. Điều này đã khiến tiểu thương “kén” hàng hơn các năm.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung nhân lực thu mua lúa cho nông dân các huyện: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Đức Thọ… để xuất đi các tỉnh phía Bắc, khoảng 1.000 tấn. Vì giá thị trường ở phía Bắc đang ở mức thấp, trong khi chi phí vận chuyển tăng cao do giá xăng dầu liên tục tăng nên chúng tôi chỉ thu mua ở mức giá 4.800 - 5.000 đồng/kg. Dự kiến, chúng tôi sẽ thu mua khoảng 2.500 - 3.000 tấn cho bà con nông dân toàn tỉnh".

Giá lúa trên thị trường duy trì ở mức khá thấp, khó đạt mức giá cao và ổn định như năm trước.

Theo ngành chuyên môn, từ nay đến ngày 25/5 là cao điểm thu hoạch lúa xuân ở Hà Tĩnh. Dự kiến, năng suất bình quân đạt 55,62 tạ/ha, sản lượng hơn 32 vạn tấn. Tuy nhiên, không ít đầu mối thu mua cho rằng, giá lúa tươi tại thị trường này sẽ khó có chiều tăng đột biến trong những ngày tới và tình hình “đắt” hàng như một vài năm trước cũng khó lặp lại...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói