Hối hả thu hoạch lúa xuân ở Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Không khí lao động hối hả và niềm vui được mùa đang diễn ra trên các cánh đồng lúa của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Bà con nông dân đang tập trung thu hoạch lúa nhanh, gọn để sớm triển khai sản xuất vụ hè thu…

Hối hả với vụ mùa bội thu…

Vụ xuân năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Loan ở thôn Thống Nhất, xã Ích Hậu làm 2 mẫu lúa. Để thu hoạch nhạnh, gọn nhất có thể, chị đã thuê máy gặt với mức 150 ngàn đồng/sào, không thuê mượn người gặt tay như trước đây vì dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và mất thời gian thu hoạch lâu. Nhờ chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, đồng ruộng màu mỡ nên năm nay được mùa lớn, năng suất bình quân của 2 mẫu ruộng của gia đình chị Loan ước đạt hơn 3 tạ/sào (hơn 60 tạ/ha)…

Hối hả thu hoạch lúa xuân ở Lộc Hà

Chị Nguyễn Thị Loan (Ích Hậu) chia sẻ niềm vui được mùa cùng cán bộ ngành nông nghiệp..

Ông Bùi Trọng Đỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho biết: "Năm nay, xã chúng tôi gieo cấy 490 ha, chủ yếu là các giống lúa KD18, KDBĐ, XT28, nếp 98… Vụ mùa năm nay thắng lợi toàn diện, năng suất đạt gần 58,4 tạ/ha (thuộc diện cao nhất huyện), sản lượng đạt 2.258 tấn. Hiện nay, lúa trên các đồng ruộng đang chín nên chúng tôi đã tuyên truyền, động viên Nhân dân thu hoạch để sớm triển khai vụ hè thu theo kế hoạch sản xuất”.

Hối hả thu hoạch lúa xuân ở Lộc Hà

Không khí lao động khẩn trương trên các cánh đồng lúa ở Ích Hậu...

Không chỉ có Ích Hậu mà trên khắp các cánh đồng từ Thạch Châu, Thạch Mỹ, thị trấn Lộc Hà đến Tân Lộc, Bình An, Hồng Lộc… những ngày này, từ sáng sớm đến tối mịt, bà con nông dân ra đồng gấp rút thu hoạch lúa. Nếu những vụ trước lúa thường cho chín già hơn mới gặt để đỡ công phơi, thì nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, vụ hè thu đã cận kề nên bà con đã thu hoạch sớm, có những ô ruộng mới chín gần 90% cũng được thu hoạch sớm.

Hối hả thu hoạch lúa xuân ở Lộc Hà

Tất cả diện tích lúa đã chín ở Lộc Hà đều đã cơ bản thu hoạch nhanh, gọn để vừa kịp sản xuất vụ hè thu.

Đặc biệt, vì thu hoạch lúa trong mùa dịch nên bà con rất quan tâm đến vấn đề an toàn. Chị Nguyễn Thị Tâm ở thôn Mỹ Giang (xã Thạch Mỹ) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 sào lúa bị đổ do đợt giông lốc cách đây 2 tuần nên máy không thể vào gặt, buộc phải làm thủ công. Nhà có đông anh em, con cháu nhưng chúng tôi không nhờ gặt giúp mà 2 mẹ con tự gặt để tránh tụ tập đông người. Khi ra đồng, chúng tôi luôn đeo khẩu trang, khăn che mặt cẩn thận để vừa phòng dịch vừa đỡ nắng…”.

Hối hả thu hoạch lúa xuân ở Lộc Hà

Ngoài ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, động viên bà con, Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thế Hoàn (đứng giữa) còn thường xuyên thị sát tiến độ thu hoạch lúa và nhắc nhở việc sản xuất vụ hè thu theo kế hoạch...

Ông Trần Văn Liệu - cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà thông tin: "Vụ xuân năm 2021, toàn huyện gieo trỉa gần 3.200 ha lúa các loại. Với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, tất cả 500 ha mới chín đều đã được gặt xong và khoảng 10 ngày nữa là cơ bản thu hoạch gọn. Theo ước tính, năng suất bình quân của vụ này ước tính đạt 56 tạ/ha, cao hơn 1,2 tạ/ha so với vụ xuân năm trước”.

Gấp rút chuẩn bị sản xuất vụ hè thu…

Ích Hậu là địa phương có nhiều lợi thế trong sản xuất lúa nên vụ hè thu năm nay, xã quyết tâm sản xuất bằng diện tích của vụ xuân (490 ha). Để tiếp tục hướng tới một vụ mùa thắng lợi, chính quyền địa phương đang đôn đốc, khuyến khích bà con lúa vụ xuân chín đến đâu gặt hết đến đó và gấp rút chuẩn bị giống, phân bón, nông cụ để sớm đổ nước vào đồng ruộng, cày bừa, phấn đấu khoảng 7 - 10 ngày nữa sẽ xuống giống vụ hè thu. Trước đó, xã này cũng đã chủ động nạo vét kênh mương, sửa chữa các trạm bơm, nâng cấp các tuyến đường nội đồng… để phục vụ sản xuất.

Hối hả thu hoạch lúa xuân ở Lộc Hà

Nông dân Lộc Hà đang quán triệt phương châm gặt đến đâu, dọn sạch đến đó để sớm đổ nước vào đồng ruộng, cày ải và bắt đầu xuống giống vụ hè thu trong tuần tới.

Với quyết tâm triển khai vụ hè thu đúng lịch thời vụ, đảm bảo hiệu quả, tất cả 11/12 địa phương (trừ Thạch Kim không sản xuất nông nghiệp) ở Lộc Hà đã xây dựng và họp tổ chức triển khai Đề án sản xuất vụ hè thu năm 2021. Qua đó, phấn đấu toàn huyện sẽ gieo cấy 2.042 ha lúa các loại (nhiều hơn vụ hè thu năm ngoái 60 ha), bắt đầu từ ngày 20/5 sẽ xuống giống và quyết tâm đạt năng suất 49,1 tạ/ha (cao hơn vụ hè thu năm ngoái 2,16 tạ/ha), sản lượng đạt 10.020 tấn (nhiều hơn vụ hè thu năm ngoái 982 tấn)…

Hối hả thu hoạch lúa xuân ở Lộc Hà

Để đảm bảo nước cho vụ hè thu, cách đây gần 2 tháng, các địa phương ở Lộc Hà đã ra quân làm thủy lợi nội đồng, tu sửa các trạm bơm, đắp bờ vùng, bờ thửa... (Trong ảnh: Sửa trạm bơm Đập Làng, xã Ích Hậu)

Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà thông tin: “Dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi trong sản xuất nên vụ hè thu năm nay, Lộc Hà đưa ra các chỉ tiêu cao hơn năm trước. Để đảm bảo thắng lợi, chúng tôi đã xây dựng đề án sản xuất cẩn thận, tính toán kỹ về mọi mặt, nhất là đảm bảo cơ giới hóa 100% trong làm đất để giảm áp lực cho thời gian gieo cấy, đảm bảo nước tưới, xây dựng phương án ngăn ngừa dịch bệnh và có cơ cấu giống phù hợp, ưu tiên các bộ giống ngắn ngày như PC6, BT09, Xuân Mai, Hương thơm số 1, Thiên ưu 8…”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.