Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu, 10 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước.
Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,86% (dịch vụ y tế tăng 3,72%) do có 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế (tác động làm CPI tăng khoảng 0,14%).
Nhóm giao thông tăng 2,13% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 4/8/2017 và thời điểm 19/8/2017 (tác động làm CPI tăng khoảng 0,2%).
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06%, trong đó lương thực tăng 0,31% do nhu cầu cho hợp đồng xuất khẩu 175 nghìn tấn gạo sang Philipines và ảnh hưởng của mưa, lũ làm giá gạo tăng ở một số địa phương.
Nhóm thực phẩm tăng 1,64% do giá thịt lợn và rau xanh tăng mạnh (Giá thịt lợn tăng 5,72% so với tháng trước; giá rau xanh tăng 3,89%), tác động làm CPI tăng 0,37%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,93% (giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,27%; giá gas trong nước điều chỉnh tăng 8,91% từ đầu tháng 8; giá dầu hỏa bình quân tháng 8 tăng 5,14%); giáo dục tăng 0,57% (dịch vụ giáo dục tăng 0,51%) do trong tháng có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính Phủ,...
Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 3,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2017 tăng 1,23% so với tháng 12/2016 và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2017 tăng 0,10% so với tháng trước và tăng 1,31% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số giá vàng tháng 8 tăng 1,11% so với tháng trước; tăng 3,42% so với tháng 12/2016 và giảm 2,35% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2017 giảm 0,03% so với tháng trước; giảm 0,06% so với tháng 12/2016 và tăng 1,83% so với cùng kỳ năm 2016.