Giá vật tư đầu vào ngành nông nghiệp tăng cao được nhiều đại biểu chất vấn

(Baohatinh.vn) - Giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc thú y, giá phân bón tăng cao và tác động của dịch bệnh trong chăn nuôi khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn là vấn đề được các đại biểu quan tâm chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt tại phiên chất vấn trong Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII.

Giá vật tư đầu vào tăng cao, giá sản phẩm đầu ra thấp

Sản xuất nông nghiệp trong năm qua gặp nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại lớn cho người sản xuất; giá cả, thị trường vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra biến động lớn.

Giá vật tư đầu vào ngành nông nghiệp tăng cao được nhiều đại biểu chất vấn

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt trả lời chất vấn.

Thực trạng hiện nay, giá thức ăn gia súc, giá vật tư đầu vào tăng cao, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra thấp. Theo đó, mức giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30%; giá vắc-xin, thuốc thú y tăng khoảng 20% so với giá bình quân năm 2020. Giá sản phẩm đầu ra, giá lợn thịt xuất chuồng thời điểm hiện tại đang dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, trong khi giá bình quân năm 2020 là 77.000 đồng/kg; giá gà ta bình quân dao động từ 50.000 - 65.000 đồng/kg, có nhiều thời điểm xuống thấp hơn.

Giám đốc Sở NN&PTNT phân tích: Dịch COVID-19 bùng phát làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất của các nhà máy, giá thức ăn gia súc, giá vật tư đầu vào tăng cao, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra thấp. Cùng đó, những năm qua, thiên tai, lũ lụt liên tục xảy ra, nhiều vùng chăn nuôi ngập nặng, môi trường mầm bệnh phát tán nhanh nên đã tác động tiêu cực đến sản xuất chăn nuôi và ngành nông nghiệp nói chung.

Ngành nông nghiệp có giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn?

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc thú y, giá phân bón tăng cao làm ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần – Tổ đại biểu TP Hà Tĩnh đặt câu hỏi: Cùng 1 loại giống lúa, 1 công ty cung ứng nhưng ở tỉnh khác lại có giá thành thấp hơn tỉnh Hà Tĩnh, phải chăng là do hệ thống cung ứng trên địa bàn đang rườm rà? Giải pháp nào cho thời gian tới?

Giá vật tư đầu vào ngành nông nghiệp tăng cao được nhiều đại biểu chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần đặt câu hỏi về chênh lệch giá lúa giống.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết, giá giống khác nhau ở các tỉnh, thành do đặc thù về sản xuất, năng suất ở từng địa phương khác nhau. Năm nay, giá giống thuần cơ bản không biến động nhiều.

Thời gian qua, ngành đã đề nghị các công ty cung ứng giống chủ động trong sản xuất giống, đảm bảo chất lượng, số lượng; khuyến khích các công ty giống vào địa bàn để cung cấp giống, cạnh tranh lành mạnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát cung ứng và chất lượng giống. Ngành nông nghiệp mong rằng các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục phối hợp để giúp bà con có giá giống tốt nhất.

Cũng về vấn đề giá vật tư đầu vào tăng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy - Tổ đại biểu Hương Sơn đặt câu hỏi chất vấn: Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò ảnh hưởng nặng với người chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp gì để khắc phục, hỗ trợ người chăn nuôi? Giá phân bón tăng cao, ngành đã có giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho người dân?

Ngoài ra, đại biểu Mai Thủy cũng trăn trở hiện vẫn còn tình trạng bán thuốc bảo vệ thực vật Glyphosate không được phép sử dụng từ ngày 30/6/2021. Vậy, ngành nông nghiệp có giải pháp nào để xử lý triệt để và có khuyến cáo gì cho bà con nông dân?

Giá vật tư đầu vào ngành nông nghiệp tăng cao được nhiều đại biểu chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy đặt câu hỏi liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Trả lời các câu hỏi của đại biểu Mai Thủy, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nội dung tác động của dịch viêm da nổi cục trên trâu bò, Sở NN&PTNT đã báo cáo Bộ NN&PTNT nhiều lần, hiện nay Bộ NN&PTNT đang gửi Bộ Tài chính đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ bà con bị thiệt hại do dịch này. Sở NN&PTNT cũng đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, hiện tỉnh đang chờ chính sách từ bộ, ngành Trung ương để triển khai.

Về giá phân bón tăng cao trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Việt cho biết, nguyên nhân chủ yếu do tác động của dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất, nguyên liệu nhập vào tăng. Bên cạnh kiểm soát giá cả, công khai, minh bạch thì ngành nông nghiệp cũng đưa ra giải pháp là khuyến khích chuyển đổi loại hình chăn nuôi, cây trồng phù hợp để giảm thiểu tác động của vật tư đầu vào tăng.

Về thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate, hiện, ngành nông nghiệp đã thông báo rộng rãi; nếu người dân phát hiện buôn bán, sử dụng, kip thời phản ánh với cơ quan chức năng để có phương pháp xử lý. Hiện nay, ngành đang có đoàn kiểm tra giám sát và sẽ xử lý khi phát hiện vi phạm.

Trả lời đại biểu về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, hệ thống các khâu dịch vụ làm cho giá vật tư đầu vào từ công ty đến người dân tăng rất nhiều lần. Vì vậy, đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ khâu dịch vụ trung gian.

Giá vật tư đầu vào ngành nông nghiệp tăng cao được nhiều đại biểu chất vấn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu về lĩnh vực nông nghiệp.

Thẳng thắn trao đổi về thực trạng giá cả đầu vào đều tăng từ phân bón đến thức ăn gia súc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngành nông nghiệp cần trăn trở làm thế nào giúp bà con giảm giá đầu vào, tăng năng suất như: chuyển dịch cơ cấu, tận dụng thức ăn chăn nuôi tại chỗ; các doanh nghiệp lớn, trang trại quản lý chặt chẽ để giảm thiểu giá thành…

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng trả lời đại biểu về các nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Trả lời đại biểu về vấn đề ảnh hưởng do dự án công trình thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang trên địa bàn nhiều xã của huyện Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, trách nhiệm xử lý các vấn đề tồn tại trong quá trình xây dựng là của BQL dự án và các đơn vị thi công. Do quá trình xây dựng công trình phát sinh nhiều vấn đề, ngoài những phát sinh nằm trong dự toán thì có những phát sinh nằm ngoài dự toán, cần có quá trình xác định rõ và kiến nghị giải pháp xử lý.

“Với trách nhiệm đại biểu, chúng ta phải giám sát để BQL dự án khẩn trương giải quyết cho bà con. Tỉnh tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ kiểm tra sát sao, làm rõ trách nhiệm cụ thể để sớm công bố với bà con” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.