Giá xăng tăng thêm 300 đồng một lít từ 19h tối 5/12. Ảnh: Ngọc Thành |
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa có văn bản chỉ đạo điều hành giá xăng dầu trong nước. Theo đó, mỗi lít xăng RON 92 được tăng thêm không quá 304 đồng một lít, lên tối đa 16.675 đồng. Xăng E5 tăng thêm 301 đồng và không cao hơn 16.226 đồng một lít. Các mặt hàng dầu tăng giá từ 163 đồng đến 275 đồng một lít, kg tuỳ loại.
Cùng với đó, liên Bộ cũng quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với các mặt hàng (300 đồng một lít, kg). Mức chi sử dụng Quỹ bình ổn được tăng lên 500 đồng một lít với xăng RON 92, 450 đồng một lít với xăng E5 và 250-400 đồng một lít, kg với tuỳ từng loại dầu.
Sau quyết định điều chỉnh, giá xăng RON 92 không cao hơn 16.675 đồng một lít; xăng E5 là 16.522 đồng; diesel là 12.672 đồng, dầu hoả ở mức 11.209 đồng và madút không quá 9.962 đồng một kg.
Chia sẻ với VnExpress, nhiều doanh nghiệp đầu mối ở TP HCM cho biết, những ngày qua giá xăng thế giới lại tiếp tục tăng, do vậy tại chu kỳ điều chỉnh mới xăng sẽ đứng trước áp lực tăng giá mạnh.
Lãnh đạo 2 doanh nghiệp đầu mối ở TP HCM cho biết, cơ quan quản lý có thể kết hợp song song biện pháp vừa sử dụng quỹ bình ổn vừa tăng giá. Đối với trường hợp này, giá xăng có thể chỉ tăng quanh mức 200-400 đồng một lít và giá dầu cũng được điều chỉnh tăng ở mức tương tự. Đợt điều chỉnh giá lần này được nhà điều hành cân nhắc khá thận trọng và giờ điều chỉnh cũng thay đổi so với các kỳ điều hành trước đó.
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, khả năng nhà điều hành đã cân nhắc tác động của lần tăng giá xăng dầu lần này tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nên đã thận trọng chưa vội “quyết”.
Ông Long phân tích, tới cuối tháng 11 chỉ số CPI cả nước đã là 4,5%, để đạt được chỉ tiêu lạm phát cả năm 2016 theo Nghị quyết của Quốc hội kìm giữ ở mức 5% thì cần tránh những cú sốc về giá. Trong khi đó, ông Long nhận định, giá xăng dầu là nhân tố quan trọng có thể tác động tới mặt bằng giá cả tháng cuối năm. Kinh nghiệm từ những kỳ điều hành trước, giá xăng tăng chủ yếu là do giá xăng dầu, nên Liên Bộ Công Thương - Tài chính buộc phải tính toán thận trọng.
“Không thận trọng CPI sẽ bùng lên, giá là một trong những yếu tố nhạy cảm nhất. Vì thế sự thận trọng này là cần thiết”, ông nhấn mạnh.
Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này trải qua 22 lần điều chỉnh, với 12 lần tăng và 10 lần giảm.