“Bước đường cùng”…
Hơn 350 nái và 1.000 con lợn thịt, mỗi ngày, ông Phạm Văn Cảnh - chủ trại lợn nái ở tổ dân phố 5, thị trấn Cẩm Xuyên dù chạy đôn, chạy đáo gọi mối thì giỏi lắm cũng chỉ xuất chuồng được 2 con. Đàn lợn con cứ liên tục sản sinh, trong chuồng hiện còn có 500 con lợn thịt đã đến ngày xuất chuồng (trọng lượng 80 kg - 1 tạ) lại chẳng ai hỏi đến.
Người chăn nuôi kiệt quệ khi giá lợn hơi rớt thảm
“Bình quân mỗi tháng sẽ có thêm 600 con lợn con, trang trại vẫn phải duy trì các chế độ chăm sóc từ nái đến con giống mất khoảng trên 50 triệu đồng/ngày. Từ vài tháng nay chẳng ai hỏi đến mua con giống, thế nên đành nuôi luôn, nhưng chắc cũng chẳng thể cầm cự được lâu nữa vì các chuồng cũng ứ đầy rồi”, ông Cảnh chia sẻ.
Kể từ tháng 10/2016 đến nay, trang trại này phải chịu lỗ 1 tỷ đồng, riêng trong hai tháng (3 - 4/2017) là 600 triệu đồng. Không còn cách nào khác, ông Cảnh phải mổ thịt, đóng thêm xe đẩy để đưa thịt bán rong, gõ cửa các trường học ủng hộ; trong chuồng thì đành giảm chế độ thức ăn để kìm hãm sự phát triển của lợn, cũng để tiết giảm chi phí.
Để “cứu mình”, ông Nguyễn Văn Sửu - chủ trại lợn nái ở xã Tân Lộc (Lộc Hà) đã thử đủ mọi cách, giảm giá bán không xong, phải đến gõ cửa từng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác “xin” bỏ giống và cho nợ tiền đến cuối kỳ nhưng gần như đều nhận lại cái lắc đầu. Thậm chí, ông cho công nhân mổ thịt, thứ để ăn, thứ đem chợ bán “vớt vát” chút nguồn thu duy trì.
Ông Sửu cho hay: “Vấn đề không phải là giá nữa; lợn giống, lợn thịt đã ứ thừa quá nhiều rồi. Ở Lộc Hà, 85% hộ chăn nuôi vừa và nhỏ bỏ không chuồng trại, muốn cho nợ bỏ giống để giải quyết chuồng trại cũng chịu. Tôi có 470 nái, dự kiến sẽ sản sinh khoảng 12.000 lợn con, hiện tôi chỉ có thể nuôi 4.000 con, còn lại chưa biết tính vào đâu”.
Khảo sát từ nguồn cung, hiện tại toàn tỉnh còn thừa khoảng 30.000 con lợn giống rơi vào cảnh “bán không ai mua, cho không ai lấy”. Một số chủ trang trại vào đường cùng, phải thịt đi số lợn con ngay khi vừa mới sinh ra để tránh “lỗ chồng lỗ”; có người lại loại thải nái nhằm ép giảm đàn. Trong khi đó, thị trường lợn thịt “rớt” thảm với mức 17000 - 23000 đồng/kg thịt hơi. Ngoài ra, trong chuồng còn khoảng 80.000 con đến kỳ chưa tìm được mối xuất.
Với giá thành sản xuất 35.000 - 40.000 đồng/kg thì hiện nay người chăn nuôi vừa và nhỏ không tự túc được giống lỗ khoảng 1,8 triệu đồng/con xuất chuồng.
Vậy nhưng, giá thịt lợn ở chợ vẫn cao hơn 3 lần
Quản lý quy hoạch - cuộc “giải cứu” chiến lược
Giá thịt lợn ở chợ, siêu thị vẫn giao động 70.000 - 100.000 đồng. Theo tính toán, khâu trung gian từ mua đến kinh doanh chiếm lợi nhuận khoảng 40.000 đồng. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “Giá thịt khoảng tầm 40000 - 45000 đồng/kg là vừa. Sở Công thương đã chỉ đạo các ban quản lý chợ vận động tiểu thương hạ giá thịt lợn ở chợ, giảm các khâu trung gian. Tuy nhiên, để khơi thông thị trường thì các cấp cần mời gọi doanh nghiệp, bếp ăn tập thể tiêu thụ sản phẩm”.
Chủ trương cho người chăn nuôi xây lò mổ ngay tại trang trại là giải pháp tình thế để họ vớt vát thua lỗ
Tại Lộc Hà, tổ trợ giúp dân tiêu thụ lợn thương phẩm đã được thành lập nhằm “giải cứu” người chăn nuôi. Ông Phan Văn Nhàn - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện sẽ xây dựng 4 điểm bán hàng bình ổn tại 4 chợ, nguồn lợn lấy từ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Các điểm bán hàng này sẽ được miễn phí các thuế, huyện còn hỗ trợ làm băng rôn, bao bì nhằm tuyên truyền người dân cùng đồng hành, đồng thời góp phần làm giảm giá thịt ở các chợ”.
Nhiều hộ chăn nuôi cũng đang ấp ủ ra đời một hiệp hội, liên kết lại để tìm chung một "đường sống” trong cơn bĩ cực này. Nhiều địa phương cũng đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể cứu giúp tiêu thụ. Hiện, Fomosa Hà Tĩnh - nơi đang có 7.000 công nhân đã có phản hồi tích cực khi đồng thuận sẽ tiêu thụ thịt lợn của địa phương.
Tại Cẩm Xuyên, địa phương chấp thuận cho một số chủ trang trại có đủ điều kiện xây dựng lò mổ mi ni ngay tại trại, vừa tạo một đầu ra tiêu thụ trong tình thế cấp bách; về lâu dài sẽ hình thành chuỗi khép kín theo hướng VSATTP.
Tiêu thụ sản phẩm là vấn đề bức thiết. Hệ thống cửa hàng bình ổn giá sẽ bắt đầu cho cuộc giải cứu với hệ thống chính sách sẽ sẵn sàng. Thế nhưng, xét đến cùng “giải cứu” tầm nhìn cho chiến lược chăn nuôi mới là giải pháp căn cơ. Đừng đổ lỗi cho thị trường bởi vốn dĩ cuộc chơi này không tồn tại các “hiệp sĩ” sẵn sàng làm từ thiện. Đó là chưa nói đến, sản phẩm từ các trang trại “lọt” thị trường khó tính chỉ nhỏ giọt, thậm chí là “không có cửa” thì cuộc giải cứu có sát sao tới đâu cũng thiếu bền vững.
Đã đến lúc ngành chăn nuôi nhìn cần thuận theo quy luật cung - cầu. Trước hết là giảm đàn và chuyển hướng sản xuất theo an toàn - hiệu quả để không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm nội địa mà còn để vượt qua hàng rào xuất khẩu.
Ông Phạm Đăng Nhật - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên UBND huyện tạm dừng cấp chủ trương đầu tư các dự án chăn nuôi lợn tập trung; quản lý chặt quy hoạch, không để thiếu kiểm soát. Chuyển hướng chăn nuôi, huyện đang khuyến khích người dân chăn nuôi những gì mà thị trường cần, đó là thịt lợn hữu cơ, thịt lợn an toàn dịch bệnh, từ đó kết nối đầu ra bền vững, nhằm hạn chế sản xuất ồ ạt gây ra sản phẩm dư thừa như hiện nay. Để giải quyết khó khăn trước mắt, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về giá, chính sách ngân hàng, tiền điện, vắc xin cho các cơ sở, đồng thời vào cuộc quản lý giá thịt và vật tư đầu vào đảm bảo hài hòa, hợp lý. Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thanh Chiến (Cẩm Quang, Cẩm Xuyên) Từ Tết âm lịch đến nay, cơ sở sản xuất thêm 4.000 con lợn. Thị trường không đầu ra, trong khi số tiền nợ thức ăn gia súc và giống còn “âm” ở dân 20 tỷ đồng. Kiệt vốn, thời gian này, tôi đã phải tiến hành loại thải dần nái để giảm áp lực tăng đàn. Vấn đề là nếu giá không tăng trở lại thì người chăn nuôi rất cần chính sách hỗ trợ của nhà nước về vốn để duy trì số lợn nái còn lại, cầm cự qua thời gian khó khăn. Ông Lê Đức Tuấn - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh Dư nợ đối với chăn nuôi lợn tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh hiện trên 774 tỷ đồng với 6922 khách hàng. Riêng cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại quy mô 300 con trở lên là 250 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn khá lớn từ các ngân hàng, nhằm giúp khách hàng tiếp cận vốn phát triển sản xuất, góp phần tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong thời gian qua. Cùng với các chính sách của tỉnh và trung ương, Chi nhánh sẽ chỉ đạo các ngân hàng và TCTD vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay, việc cho vay nguồn vốn lưu động để duy trì sản xuất của các cơ sở là rất khó khăn. |