Giải pháp nào khi học sinh nghỉ kéo dài?

Trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học dài ngày vì dịch nCoV, giáo viên có thể sử dụng nhiều ứng dụng để tương tác với học sinh, đảm bảo tiến độ học tập.

Học sinh trường Pascal, Hà Nội học online trong những ngày nghỉ phòng dịch nCoV. Ảnh: Pascal.

Từng du học Mỹ, làm quen với phương pháp học online, thạc sĩ giáo dục Lê Thị Ngọc Nhẫn chia sẻ câu chuyện về phương pháp học này.

Cách đây 6 năm, một chị sống ở Mỹ có việc phải về Việt Nam một tháng. Chị có một con gái đang học lớp 4 không thể để bé ở lại Mỹ một mình nên xin phép nhà trường cho bé về Việt Nam cùng chị.

Tưởng điều đó không thể được nhưng nào ngờ không gặp khó khăn gì khi nhà trường cho phép bé được nghỉ học một tháng đi về cùng mẹ. Nhà trường chỉ yêu cầu phụ huynh đảm bảo bé thực hiện những việc sau đây:

Làm Toán mỗi ngày một trang. Phần nào bé chưa hiểu thì bé sẽ xếp một góc giấy để khi về trường, cô giáo xem sẽ giảng lại phần đó cho bé. Mỗi ngày đọc một mẩu truyện ngắn và trả lời các câu hỏi về câu truyện đó. Mỗi ngày viết một đoạn ngắn ít nhất 4 câu ghi lại những điều xảy ra trong ngày.

Sau đó, phụ huynh giúp bé đăng nhập vào tài khoản được nhà trường cấp để giáo viên điểm danh hàng ngày và biết được tình hình tự học của bé.

Khi trở về Mỹ, bé nộp cho giáo viên tất cả bài đã làm và được giải thích thêm những bài bé chưa hiểu. Cuối năm học đó, bé vẫn lên lớp bình thường.

Lúc tôi được mẹ bé nhờ hướng dẫn bé làm bài, tôi đã rất ngạc nhiên và thán phục về cách giáo dục không bị bó buộc trong khuôn khổ nhà trường như thế. Trong khi tôi dạy ở trường trung học phổ thông, chưa bao giờ có học sinh nào được phép nghỉ học quá một tuần để đi về quê cùng cha mẹ.

Nay vì lý do bất khả kháng, nhà trường phải cho học sinh nghỉ học nhiều ngày để phòng tránh dịch viêm phổi cấp nCoV. Nhiều trường lúng túng chưa có giải pháp nào hiệu quả để vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, vừa duy trì việc thực hiện chương trình.

Ngày nay, các phương tiện thông tin liên lạc ngày càng tiến bộ, việc nhà trường gắn kết với gia đình học sinh qua điện thoại, zalo, email, viber... không còn xa lạ nữa. Vì thế, thay vì lo lắng học sinh ở nhà chơi quên hết bài vở thì nhà trường hãy tạo ra những kênh thông tin kết nối tiện ích nhất với phụ huynh học sinh để cùng phối hợp dạy học tại nhà.

Nếu như việc sử dụng e-learning để dạy học đã quen thuộc với bậc đại học thì việc này vẫn còn xa lạ đối với bậc học phổ thông. Trong tình huống khẩn cấp như hiện nay, các trường phổ thông không đủ thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết ứng dụng e-learning để dạy học.

Vậy có giải pháp thích hợp nào cho nhà trường? Có một nền tảng công nghệ dạy học tiện ích, dễ dùng mà nhà trường có thể ứng dụng dạy học từ xa cho học sinh, đó là Zoom for Education. Zoom có thể được sử dụng để giáo viên dạy và tương tác với lớp học có 45 học sinh dễ dàng.

Mỗi giáo viên sẽ tạo một tài khoản với mã lớp học và gửi link cho học sinh truy cập vào từ ứng dụng Zoom tải về trên điện thoại, máy vi tính hoặc máy tính bảng đều được. Tất cả học sinh đều có thể nhìn thấy hình ảnh video giáo viên đang giảng bài và có thể tương tác với bằng nhiều cách.

Khi học sinh muốn phát biểu ý kiến chỉ cần nhấn nút giơ tay là giáo viên nhận được tín hiệu và cho phép học sinh phát biểu. Hoặc khi học sinh trao đổi bằng tin nhắn thì có thể gửi cho riêng giáo viên hoặc cho chung cả lớp.

Ứng dụng này có thể dùng miễn phí cho mỗi lần dạy kéo dài 40 phút. Nếu muốn mua bản quyền để giáo viên không bị giới hạn thời gian dạy, nhà trường cũng chỉ tốn chưa tới 2 triệu đồng để sử dụng trong một tháng cho 20 tài khoản giáo viên.

Ngoài Zoom, còn nhiều ứng dụng hữu ích khác mà rất cần sự chia sẻ của những người có nhiều kinh nghiệm để các trường phổ thông có thêm thông tin lựa chọn.

Giáo dục đang trong thời đại công nghiệp 4.0, việc học sinh không đến trường mà vẫn học được không còn là điều bất khả thi. Chỉ cần các hiệu trưởng quan tâm thì sẽ có được giải pháp hiệu quả trong tình hình hiện nay.

Theo ThS. Lê Thị Ngọc Nhẫn/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói