Giải quyết những vấn đề gốc rễ nảy sinh tham nhũng

Cần tiếp tục giải quyết những vấn đề căn nguyên, gốc rễ phát sinh tham nhũng, đó cũng chính là giải pháp để phòng ngừa có hiệu quả.

Theo dõi diễn biến của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây, ngay cả Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sau một thời gian bỏ trốn cũng phải ra đầu thú, cùng với việc hàng loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật, có thể thấy những chuyển biến quan trọng trong cuộc đấu tranh đầy cam go và khốc liệt này.

Trừng trị là để răn đe, song điều quan trọng hơn để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước thực sự có hiệu quả thì phải tiếp tục giải quyết những vấn đề căn nguyên, gốc rễ nảy sinh tham nhũng.

Ban Bí thư quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Công thương và đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. (Ảnh: Vietnam+)

Phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào

Thời gian gần đây, công tác phòng chống tham nhũng đã có sự chuyển biến rất tích cực. Hàng loạt vụ việc sai phạm của cán bộ, đảng viên đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh, dù là cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu, không nể nang, né tránh và không có vùng cấm.

Những việc làm và bước đi cụ thể của Đảng và cả hệ thống chính trị về đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng là minh chứng cho lời nói đi đôi với việc làm, không đánh trống bỏ dùi, thể hiện quan điểm kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng.

Nói như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng gần đây nhất, thì đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế, không ai đứng ngoài cuộc và cũng không thể đứng ngoài được.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đó là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của Đảng, cơ quan kiểm tra của Trung ương Đảng, các cơ quan giám sát của Quốc hội, cơ quan Thanh tra của Chính phủ, của các bộ ngành, tỉnh, thành, các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên.

“Cả hệ thống chính trị đã có sự chuyển động, nên Tổng Bí thư có nói: cái lò đã nóng lên rồi thì củi khô hay củi tươi, củi vừa vừa cũng đều cháy cả. Cái lò này chính là lò phòng, chống tham nhũng, vừa là lò pháp lý cũng lò đạo lý”- ông Lê Như Tiến nói.

Ông Lê Nam, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII của đoàn Thanh Hóa cho rằng, những kết quả cụ thể và rõ nét thời gian gần đây liên quan đến xử lý sai phạm tại cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cá nhân Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai hay Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa một lần nữa cho thấy Đảng không lùi bước trước khó khăn.

Giải quyết vấn đề căn nguyên, gốc rễ phát sinh tham nhũng

Tham nhũng, tiêu cực liên quan đến lợi ích nhóm, đến các “thế lực ngầm”, vốn là công việc cực kỳ khó khăn, nhạy cảm, nhưng Đảng đã vạch trần và đấu tranh xử lý được. Kết quả đó là bước tiến lớn, củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng.

Tuy nhiên, ông Lê Nam cũng cho rằng, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục giải quyết những vấn đề căn nguyên, gốc rễ phát sinh tham nhũng, đó chính là giải pháp để phòng ngừa có hiệu quả.

“Bây giờ tham nhũng lớn nhất thường là trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn đầu tư công. Phải thít chặt lại cái đó, nếu chúng ta không sửa cơ chế, cứ dung túng cơ chế xin – cho, không công khai minh bạch thì xử được vụ này lại ra vụ khác” – ông Lê Nam nói.

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, tham nhũng chính là sự tha hóa, lạm dụng quyền lực của người có chức vụ trong bộ máy nhà nước nhằm đạt được lợi ích riêng. Vì thế, để chống tham nhũng tốt thì cần có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả.

GS.TS Trần Ngọc Đường.

GS.TS Trần Ngọc Đường cũng cho rằng, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cơ chế này cũng đòi hỏi trong mỗi quyền đó phải xây dựng cơ chế kiểm soát.

Những biểu hiện như ở Bộ Công thương hay một số địa phương thời gian qua có những biểu hiện tiêu cực, lạm quyền trong tổ chức bộ máy, theo GS Đường có nguyên nhân do bản thân nhánh hành pháp chưa kiểm soát đầy đủ quyền lực của mình.

Với quyết tâm, sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị và người dân, cùng với các giải pháp đồng bộ, bài bản vừa chống tham nhũng, vừa giải quyết những vấn đề gốc rễ nảy sinh tham nhũng, có thể khẳng định, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, là một khi đã nhóm được lò và lò đã nóng, thì củi tươi vào đây cũng phải cháy./.

Theo Minh Châm/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói