Giải thưởng khoa học triệu đô VinFuture 2022 được chọn thế nào?

Ba ngày nữa, chủ nhân của giải thưởng khoa học VinFuture 2022 sẽ được xướng tên trong lễ trao giải tại Nhà hát lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên VTV1 cùng nhiều kênh truyền thông quốc tế như CNN, Discovery, TechNode Global và Euronews.

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới chia sẻ về toàn cầu hóa trong khoa học công nghệ và thách thức, cơ hội của các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển trong các cuộc tọa đàm tại Trường ĐH VinUni vào ngày 17-12 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Công trình giành giải thưởng khoa học triệu đô được lựa chọn như thế nào? Các thành viên hội đồng giải thưởng đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ.

Chúng tôi muốn tiếp cận đến mọi lĩnh vực và trên khắp các châu lục để mở rộng phạm vi và tác động của giải thưởng VinFuture trong việc hồi sinh thế giới sau đại dịch.

GS Sir Richard Henry Friend (ĐH Cambridge, Vương quốc Anh)
Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture

970 công trình thuộc nhiều lĩnh vực

Theo Hội đồng giải thưởng VinFuture 2022, số lượng đề cử mà ban tổ chức nhận được năm nay cao hơn hẳn năm ngoái, với 970 công trình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đến từ 71 quốc gia trên khắp sáu châu lục, tăng đáng kể so với gần 600 đề cử của năm 2021.

Các thành viên hội đồng giải thưởng nhận xét: Đây là con số ấn tượng, cho thấy sự quan tâm từ khắp thế giới với giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu từ Việt Nam. Chất lượng các đề cử mùa giải này cũng tốt hơn, thậm chí có nhiều phát minh mới mẻ với ngay cả ban giám khảo vốn đều là những nhà khoa học kiệt xuất.

“Chúng tôi muốn tiếp cận đến mọi lĩnh vực và trên khắp các châu lục để mở rộng phạm vi và tác động của giải thưởng VinFuture trong việc hồi sinh thế giới sau đại dịch” - GS Sir Richard Henry Friend (ĐH Cambridge, Vương quốc Anh), chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, cho biết.

Đồng chủ tịch Hội đồng sơ khảo VinFuture - GS Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Santa Barbara, Mỹ) - chia sẻ: “Thế giới rất bất ngờ và ngưỡng mộ khi biết được rằng một giải thưởng lớn vinh danh các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực lại do một tập đoàn ở Việt Nam khởi xướng. Họ khâm phục người đã tạo ra giải thưởng này khi có tầm nhìn kết nối cộng đồng khoa học toàn cầu và đề cao giá trị của khoa học công nghệ. Một điều đặc biệt nữa của giải thưởng VinFuture là có một hạng mục riêng để tôn vinh các nhà khoa học nữ, điều mà ít giải thưởng khác trên thế giới làm được”.

Đây là năm thứ hai GS Quyên tham gia Hội đồng sơ khảo VinFuture. Đánh giá về chất lượng các đề cử năm nay, bà Quyên cho hay, ban giám khảo “đã rất đau đầu, nâng lên đặt xuống các công trình ứng cử vì chất lượng rất tốt”.

“Tôi và đội ngũ hỗ trợ tuy cực nhưng vui vì giải thưởng của Việt Nam đã được toàn cầu biết tới, bằng chứng là chất lượng đề cử ngày một cao hơn, đồng thời cũng phù hợp với chủ đề của VinFuture 2022 là hồi sinh và tái thiết”, GS Quyên nói thêm.

Ưu tiên những đề cử có sức ảnh hưởng lớn

Trong cuộc phỏng vấn bên lề sự kiện ngày 17-12, tiến sĩ Xuedong David Huang, nhà khoa học máy tính nổi tiếng đang làm việc tại Microsoft và là thành viên Hội đồng giải thưởng VinFuture, đã hé lộ về cách ông bỏ phiếu cho các đề cử giải thưởng VinFuture năm nay.

“Tôi sẽ chỉ bỏ phiếu cho những đề cử có sức tác động lớn đến xã hội, có tầm ảnh hưởng toàn cầu - ông Huang chia sẻ - Tại sao lại đề cao khoa học và công nghệ? Bởi vì tác động của khoa học và công nghệ đến nhân loại là lớn nhất, giúp chúng ta cùng nhau tốt hơn. Thật tuyệt khi thấy VinFuture đang nhấn mạnh tác động đó của khoa học và công nghệ”.

Ông Huang khẳng định: “Cho dù đề cử là trong lĩnh vực gì, tiêu chí của tôi sẽ không thay đổi, đó là có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội, vì sự phồn vinh của nhân loại”.

Còn chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, GS Sir Richard Henry Friend (Đại học Cambridge, Anh), bày tỏ mong muốn được thấy những điều mà ông và nhiều đồng nghiệp khác chưa được biết đến thông qua những công trình sẽ giành giải thưởng VinFuture năm nay.

Khi được hỏi tiêu chí lựa chọn của ban giám khảo là gì trước sự đa dạng và chất lượng ngày càng tăng của các đề cử năm nay, GS Friend cho biết “các tiêu chí sẽ không cố định giống như đơn thuốc, không cho chúng ta biết câu trả lời đúng là gì”. “Chúng tôi luôn muốn sự bất ngờ và đó là tiêu chí lựa chọn của tôi”, GS Friend nhấn mạnh.

Giải thưởng triệu đô

Giải thưởng VinFuture là giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu nhằm tôn vinh những nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ mang tính đột phá có thể góp phần giải quyết những thách thức chung của nhân loại, tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của hàng triệu con người.

Giải thưởng do Quỹ VinFuture, được sáng lập bởi ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương, trao giải thường niên với một giải thưởng chính trị giá 70 tỉ đồng (tương đương 3 triệu USD) và ba giải đặc biệt trị giá 11,5 tỉ đồng (tương đương 500.000 USD) dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, nhà khoa học nữ và nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Gần gũi cuộc sống người dân

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên cũng hé lộ 50 đề cử được đánh giá cao nhất năm nay đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau - trồng trọt, vật liệu mới, công nghệ pin, y khoa. Đây cũng là điểm đặc biệt của giải VinFuture khi tìm kiếm và tôn vinh những công trình gần gũi với cuộc sống của người dân.

Có một số đề cử năm nay đến từ Việt Nam nhưng chiếm số lượng chưa nhiều nên bà Quyên hy vọng trong những năm tới nền khoa học công nghệ Việt Nam sẽ cất tiếng nói khẳng định mình hơn nữa trên thế giới.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói