Từ những chính sách khuyến khích, chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở TP Hà Tĩnh thu hút đông đảo người dân tham gia
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại 152 xã trên tổng số kế hoạch 161 xã. So với năm trước, đợt 1 của chiến dịch năm nay giảm 36 xã. Nguyên nhân của việc thu hẹp chiến dịch là do nguồn kinh phí bị cắt giảm. Thực trạng này khiến những người làm công tác dân số ở cơ sở khó thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Thành phố Hà Tĩnh là đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo cho chiến dịch đợt 1 năm 2019. Ngoài kinh phí của chiến dịch đã phân bổ, các xã đã trích ngân sách hỗ trợ cho hoạt động hội họp, tuyên truyền, bồi dưỡng những người trực tiếp vận động các đối tượng.
Một số đơn vị như xã Thạch Trung, xã Thạch Hạ còn trích kinh phí khuyến khích mỗi đối tượng sử dụng các biệp pháp đặt vòng 20 nghìn đồng và các đối tượng đã có 2 con đăng ký cam kết không sinh con thứ 3 được thưởng 50 nghìn đồng; xã Thạch Hưng khuyến khích cho một người đặt vòng được trừ 20 kg thóc đóng nộp... Nhờ đó kết quả đợt 1 chiến dịch ở thành phố Hà Tĩnh đạt khá cao với 78% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai, các gói dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đạt tỷ lệ cao như tiêm thuốc 166% kế hoạch, dụng cụ tử cung 95%...
Việc thu hẹp địa bàn triển khai chiến dịch sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số
Mặc dù vậy, việc cắt giảm số lượng lớn địa bàn được hưởng lợi chiến dịch đang khiến ngành dân số thành phố hết sức băn khoăn trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
Anh Phạm Văn Đức, Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ Thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Chiến dịch đợt 1 năm 2018 được triển khai ở 11 xã, phường; ngoài ra, chúng tôi đã tham mưu thành phố hỗ trợ thêm 5 địa bàn nên toàn bộ 16/16 xã phường đều được hưởng lợi. Thế nhưng, năm nay nguồn khi phí về chậm lại bị cắt giảm - chỉ thực hiện ở phạm vi hẹp (5 xã phường) nên dù kết quả thực hiện tương đối khả quan nhưng việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của ngành đề ra sẽ rất khó”.
Người dân Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) được cung cấp thêm thông tin qua các tờ rơi trong chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ
Cẩm Xuyên được đánh giá là một trong những địa phương chủ động triển khai thực hiện chiến dịch sớm - bắt đầu từ 20/3 và kết thúc vào 25/4. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 còn rất khó khăn.
Chị Đặng Thị Mỹ Lê - cán bộ Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Năm nay, đợt 1 của chiến dịch được thực hiện tại 14 xã (giảm 7 xã so với cùng kỳ năm ngoái). Cùng với việc giảm quy mô chiến dịch, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chiến dịch ở các địa bàn cũng hết sức khó khăn bởi nhiều lao động đi làm ăn xa. Thêm vào đó, sự xáo trộn đội ngũ cán bộ dân số cũng đã gây tâm lý bất an, ảnh hưởng tới công việc".
Theo thống kê, kết quả gói dịch vụ thực hiện biện pháp tránh thai trên địa bàn các xã hưởng lợi trên địa bàn Cẩm Xuyên chỉ đạt 51% kế hoạch năm, triệt sản 50%, một số gói dịch vụ như cấy thuốc tránh thai, dụng cụ tử cung… chỉ đạt 30% kế hoạch năm.
Chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ đợt 1 được xem là chiến dịch trọng tâm trong năm, tuy nhiên, năm nay kinh phí khó khăn, các địa bàn hưởng lợi bị cắt giảm. Điều này khiến ngành dân số gặp khó đạt kế hoạch giảm tỷ suất sinh thô 0,2%o, đồng thời việc thực hiện mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số càng khó khi tỷ lệ sinh trên 2 con trong những tháng đầu năm nay đang có dấu hiệu gia tăng.