Giám sát chặt chẽ việc khắc phục vi phạm an toàn thực phẩm

(Baohatinh.vn) - Trong đợt ra quân “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024, Hà Tĩnh đã kiểm tra 2.446 cơ sở, phát hiện, xử lý 70 cơ sở có vi phạm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, các địa phương, đơn vị đã có sự vào cuộc đồng bộ trong triển khai các nội dung. Ngoài đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thì công tác kiểm tra rất được chú trọng nhằm tạo sự răn đe và nâng cao ý thức cho người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

1A.jpg
Trong đợt ra quân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, toàn tỉnh đã kiểm tra 2.446 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Ông Võ Văn Dũng – Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Hà cho biết: trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, huyện đã cụ thể hóa các nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Ngoài đoàn liên ngành của huyện thì tất cả các xã, thị trấn đều thành lập đoàn đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm và chấn chỉnh, nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong đợt ra quân vừa qua, đoàn liên ngành cấp huyện và cấp xã của Thạch Hà đã kiểm tra 466 cơ sở. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 2 cơ sở vi phạm với các lỗi như: kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn bị hỏng, tiếp xúc bụi bẩn; không bảo đảm ngăn ngừa lây nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn.

Còn tại huyện Cẩm Xuyên, trong số 41 cơ sở được kiểm tra, đoàn liên ngành cấp huyện đã phát hiện và xử phạt 2 cơ sở vi phạm với lỗi không đeo găng tay khi chế biến thức ăn chín.

can loc ktraA.jpg
Đoàn kiểm tra của huyện Can Lộc lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm.

Tổng hợp từ Sở Y tế, trong đợt ra quân kiểm tra Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập 236 đoàn, trong đó, tuyến tỉnh 5 đoàn, tuyến huyện 15 đoàn, tuyến xã 216 đoàn. Các đoàn đã kiểm tra 2.446 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 70 cơ sở với số tiền gần 200 triệu đồng. Đối với công tác kiểm nghiệm thực phẩm, các đoàn kiểm tra đã lấy 245 mẫu xét nghiệm, kết quả có 1 mẫu không đạt.

Bà Đào Thị Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Nhìn chung, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 đã được các cấp chính quyền triển khai, giám sát từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Điều này, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện và xử lý kịp thời...”.

3A.jpg
Lãnh đạo Sở Y tế và đoàn liên ngành cấp tỉnh kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Ảnh Tuấn Dũng.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, trong đó đáng chú ý là phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, thời vụ nên việc cải thiện các điều kiện vệ sinh, trang thiết bị bảo đảm an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức, kiến thức về an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh thực phẩm đường phố còn hạn chế.

Các chi cục trực thuộc các sở như: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) không còn chức năng xử phạt vi phạm hành chính nên khi kiểm tra, phát hiện vi phạm cần xử lý thì phải thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho đơn vị và không kịp thời.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý về ATTP, Chính phủ cần sớm quy định tổ chức bộ máy về quản lý an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất, chỉ một đầu mối từ Trung ương đến địa phương; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATTP theo phân cấp. Các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và tập huấn để nâng cao nhận thức cho các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh. Duy trì và triển khai thực hiện các hoạt động về bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là chú trọng giám sát chặt chẽ các cơ sở bị phát hiện vi phạm thực hiện việc khắc phục các tồn tại sau đợt kiểm tra.

Bà Đào Thị Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast