Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Điển hình vào ngày 30/4, hơn 550 người ngộ độc sau khi sử dụng thực phẩm tại tiệm bánh mì cô Băng (Long Khánh, Đồng Nai). Tiếp đó, ngày 12/5, 52 người trong đoàn 750 du khách đến phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) ăn uống tại một số nhà hàng trên địa bàn thì bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy phải nhập viện.
Trong 2 ngày 14 và 15/5, tại tỉnh Vĩnh Phúc và Đồng Nai cũng đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bếp ăn tập thể, khiến 450 công nhân bị đau bụng, nôn ói phải nhập viện điều trị... Việc xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể đã khiến cho người dân không khỏi lo lắng, bất an.
Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ có 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 2 người mắc; số ca ngộ độc đơn lẻ trên địa bàn ghi nhận là 325 ca và không có tử vong. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn luôn tiềm ẩn khi trên địa bàn có 543 bếp ăn bán trú trường học, 36 bếp ăn tập thể khu công nghiệp, siêu thị, bệnh viện và 2.014 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Hầu hết, trước cổng các trường học đều xuất hiện các quầy bán thức ăn đường phố với các loại thực phẩm như: xiên thịt, xúc xích rán, bánh mì, nem chua, trà sữa, bánh bao… Các sản phẩm này hầu hết đều tự chế biến, không có sự kiểm soát, quản lý về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và quy trình nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP.
Bà Đào Thị Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Số lượng cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố trên địa bàn Hà Tĩnh khá lớn. Nguy cơ mất ATVSTP từ loại hình này rất cao bởi kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của người kinh doanh còn hạn chế, trong khi việc kinh doanh thường không cố định nên rất khó quản lý. Mặt khác, hiện nay, công tác này đã được phân cấp; loại hình kinh doanh thức ăn đường phố đã được giao cho xã, phường quản lý nhưng năng lực kiểm tra của cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu và vẫn có tình trạng nể nang”.
Bà Phương cũng phân tích, ngoài thức ăn đường phố thì nguy cơ mất ATVSTP tại các bếp ăn trường học cũng rất tiềm ẩn do công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự được thường xuyên. Vai trò của các trạm y tế trong kiểm tra, hướng dẫn chưa được phát huy tối đa. Trong khi nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm ở đây thì hậu quả rất khôn lường.
Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trên cơ sở công điện của Chính phủ, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã có Văn bản 1285/SYT-NVY ngày 15/5, yêu cầu các địa phương, đơn vị, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố… Huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Cùng với đó, ngành cũng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATTP theo phân cấp, đặc biệt theo Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND tỉnh ban hành quy định quản lý về ATTP trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh, ATTP; chủ động giám sát mối nguy, kịp thời cảnh báo, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm ATTP thuộc lĩnh vực được phân công, quản lý nhằm phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tinh thần thực hiện công điện của Chính phủ cũng đã và đang được ngành Y tế Hà Tĩnh chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc và trang thiết bị, phương tiện cấp cứu để triển khai hiệu quả các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều trị kịp thời bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe và tính mạng của người dân. Đồng thời, rà soát và kịp thời kiện toàn ban chỉ đạo ATTP tại cấp huyện, cấp xã do Chủ tịch UBND làm trưởng ban theo đúng quy định.
Hiện nay, công tác quản lý VSATTP đã được phân cấp. Trong số 18.879 cơ sở cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Hà Tĩnh, cấp tỉnh quản lý 389 cơ sở, cấp huyện quản lý 8.556 cơ sở và cấp xã quản lý 9.934 cơ sở. Chính vì vậy, để ngăn chặn các nguy cơ mất ATVSTP, ngoài vai trò của ngành chuyên môn thì đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cấp, nhất là ở cấp xã trong công tác kiểm tra, giám sát và quản lý. Đồng thời, cần phân bổ nguồn lực phù hợp để triển khai công tác kiểm tra, giám sát, tập huấn nâng cao nhận thức cho người chế biến, sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
”