Gian nan huy động nguồn lực xây trường chuẩn quốc gia

(Baohatinh.vn) - Theo quy định hiện hành, một trường chuẩn quốc gia phải đạt 5 tiêu chuẩn; trong đó, một trong những tiêu chuẩn khó nhất là cơ sở vật chất (CSVC) và thiết bị. Chặng đường vươn tới danh hiệu trường chuẩn quốc gia đối với nhiều trường học là vô cùng gian nan khi trăm cái khó đều dồn vào chữ “kinh phí”.

>> “Rớt” trường chuẩn quốc gia - muôn trường một nỗi!

Các chương trình đầu tư cắt giảm

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 232 trường từ bậc mầm non đến THPT chưa đạt chuẩn, trong đó có nhiều trường CSVC xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, theo dự thảo đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020 dự kiến cần nguồn kinh phí ước tính lên tới 1.157,705 tỷ đồng để đầu tư cho các hạng mục chính. Niềm hy vọng chủ yếu đặt vào sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách các cấp và tranh thủ nguồn đầu tư từ các chương trình, dự án do Trung ương hỗ trợ.

gian nan huy dong nguon luc xay truong chuan quoc gia

Việc đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp sẽ tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh nâng cao chất lượng dạy và học.

Cụ thể, ngân sách tỉnh và sự hỗ trợ của trung ương là 653,238 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư 586,873 tỷ đồng, thiết bị 66,365 tỷ đồng. Ngân sách huyện, xã và các nguồn huy động hợp pháp khác: 504,467 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều khả năng đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia sẽ khó đi vào thực tế bởi sự cắt giảm của các chương trình đầu tư.

Thầy Lê Quang Cảnh - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT cho biết: “Những năm gần đây, nguồn lực đầu tư cho giáo dục ngày càng giảm. Đến thời điểm hiện tại, nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia dành để đầu tư CSVC trường lớp bị cắt hoàn toàn. Cụ thể, năm 2012, Hà Tĩnh được đầu tư 54,55 tỷ đồng; năm 2013 là 19,65 tỷ đồng; năm 2014 là 6,95 tỷ đồng và đến năm 2015 chỉ còn lại 4,25 tỷ đồng dành cho phổ cập giáo dục”.

Cùng với nguồn ngân sách dành cho giáo dục ngày càng ít, thì sự eo hẹp của chương trình kiên cố hóa trường lớp - nguồn từ trái phiếu Chính phủ cũng khiến cho mục tiêu xây dựng trường chuẩn của Hà Tĩnh đến năm 2020 lâm vào tình trạng “vỡ” kế hoạch. Được biết, năm 2011, Hà Tĩnh được đầu tư 65,745 tỷ đồng từ nguồn kiên cố hóa thì đến năm 2012 còn lại 20 tỷ đồng, năm 2013 là 28,44 tỷ đồng. Và từ đó đến nay chỉ còn sự chờ mong.

Gánh nặng xã hội hóa

Xác định, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai nên những năm qua, các bậc phụ huynh trên vùng đất học Hà Tĩnh đã không tiếc sức người, sức của đầu tư xây dựng CSVC. “Góp gió thành bão”, trong giai đoạn từ 2012-2015, tỉnh đã huy động được từ nguồn xã hội hóa trên 344 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, nguồn lực này chỉ đáp ứng để bổ sung, tu sửa những hạng mục nhỏ lẻ như hàng rào, nhà vệ sinh, sân chơi, mua bổ sung một số trang thiết bị, đồ dùng phục vụ việc dạy và học. Và trên thực tế, nguồn huy động này càng về sau lại càng eo hẹp hơn, bởi sức dân có hạn và việc huy động nguồn lực từ nhân dân cũng không chỉ dành riêng cho giáo dục.

gian nan huy dong nguon luc xay truong chuan quoc gia

Cần sự chung tay của cả cộng đồng để góp sức xây dựng một nền tảng bền vững cho sự phát triển của các thế hệ tương lai.

Ông Nguyễn Đình Kỷ - Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là CSVC trường lớp, bởi để đầu tư đạt chuẩn cần nguồn vốn cả chục tỷ đồng. Nếu không có dự án thì việc huy động nguồn lực từ phụ huynh rất khó khăn, bởi người dân nơi đây phần lớn sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, hàng năm còn nhiều khoản đóng góp khác nên trường chủ yếu chỉ huy động xã hội hóa từ phụ huynh ở khoản xây dựng trường trong mỗi năm học”.

Cùng quan điểm ấy, thầy Lê Hữu Việt - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hà Linh (Hương Khê) cho biết: “Hiện nhà trường còn thiếu nhà đa chức năng, phòng các tổ bộ môn, phòng truyền thống, thư viện… Kinh phí dự kiến ít nhất cũng phải dăm tỷ đồng. Nếu chỉ trông chờ vào phụ huynh thì rất khó. Bởi mỗi năm, nguồn thu đóng góp từ các bậc cha mẹ của 427 học sinh chỉ được trên 100 triệu đồng”.

Việc huy động nguồn xã hội hóa giáo dục ở những trường quy mô nhỏ, vùng sâu, vùng xa càng khó khăn hơn. Thầy Nguyễn Đình Hùng - Trưởng phòng Giáo dục huyện Hương Khê cho biết: “Một số trường như Mầm non Lộc Yên, Phương Điền, Hương Xuân, Hương Liên… nguồn huy động từ phụ huynh mỗi năm chỉ được khoảng 30 triệu đồng, chưa đủ để tu sửa những hạng mục nhỏ”.

Một thực tế dễ nhận thấy là đa phần các trường “rớt” chuẩn và có nguy cơ “rớt” chuẩn đều đóng trên địa bàn của những xã kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhiều xã hiện còn nợ ngân sách khoản tiền không nhỏ và việc đầu tư xây dựng CSVC lại nằm ngoài khả năng của nhà trường. Để hạn chế tình trạng các trường chuẩn quốc gia ôm nỗi lo “nợ” chuẩn rồi “rớt” chuẩn, ngành giáo dục rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội, các nhà đầu tư để cùng góp sức xây dựng một nền tảng bền vững cho sự phát triển của các thế hệ tương lai.

Cô Trần Thị Thủy Nga - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh: “Trải thảm đỏ” thu hút đầu tư vào giáo dục

Để giải quyết khó khăn về CSVC trường lớp, một trong những giải pháp mà chúng tôi hướng tới đó là tích cực vận động, thu hút các nguồn kinh phí đầu tư. Đặc biệt là tạo điều kiện về mặt pháp lý cho các tổ chức, cá nhân trong việc thành lập các trường tư thục. Sự xuất hiện của 3 trường mầm non tư thục trên địa bàn được đầu tư đồng bộ về CSVC cùng với sự đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục trong thời gian qua đã góp phần tạo điều kiện cho các cháu trong độ tuổi mầm non được học tập, nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhất. Đây cũng là yếu tố góp phần làm giảm áp lực quá tải về sĩ số học sinh cho những trường mầm non công lập khi số trẻ mầm non huy động đến trường ngày một tăng.

Ông Trần Anh Tùng - Chủ tịch UBND xã Phù Việt (Thạch Hà): Kêu gọi con em xa quê đầu tư cho thế hệ tương lai

Để xây dựng trường chuẩn quốc gia cần nguồn kinh phí không nhỏ, mà việc huy động nguồn xã hội hóa của người dân trên địa bàn hết sức khó khăn. Chính vì thế, thời gian qua, chúng tôi đã huy động nguồn lực từ sự trợ giúp của con em xa quê thành đạt. Đến thời điểm hiện tại, nguồn lực này đã lên tới hơn 18 tỷ đồng dành để xây dựng nhà học 2 tầng cho trường mầm non và nhà học 10 phòng, nhà ăn, thư viện, nhà đa chức năng ở trường tiểu học. Ngoài ra, còn huy động được khoảng 1,6 tỷ đồng dành đầu tư CSVC, trang thiết bị...

Ông Lê Văn Tứ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên): Tranh thủ nguồn đầu tư từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực GD&ĐT, đó là tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục. Ngay khi bắt đầu xây dựng NTM, chúng tôi đã tiến hành khảo sát hiện trạng mạng lưới trường học trên địa bàn, từ đó, quy hoạch xây dựng trường học gắn với xây dựng NTM. Để từng bước đạt được các tiêu chí về giáo dục, UBND xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực xã hội và sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân. Và “cú hích” quan trọng nhất để củng cố CSVC trường lớp đó là xã đã trích từ nguồn NTM hơn 3 tỷ đồng để đầu tư cho các trường mầm non, tiểu học và THCS.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.