Chào cha mẹ, con phải vào phố đi “cày”

Tôi lấy tay quẹt vội mấy giọt nước mắt không vâng lời, cứ chực trào “nhảy” ra khỏi khoé mắt. Mười năm đi qua, nhưng lần nào cũng vậy, chuyến rời nhà cha mẹ sau tết của tôi luôn chất chứa nỗi niềm.

Chiếc xe máy bon bon trên quốc lộ 1, hướng về Sài Gòn. Cầu Mỹ Thuận cũng khuất dần trong nắng chiều tháng Giêng vàng tươi như mật.

Tôi ngoái đầu nhìn lại cho đến khi bóng cầu hút tầm mắt. Từ chục năm nay, nơi đây trở thành ranh giới phân định cảm xúc rất rõ ràng của đứa con xa quê. Ngày về, khi thấy những nhịp dây văng màu thiên thanh, lòng tôi vui mừng, rộn rã không kể xiết. Đến ngày đi, nỗi buồn bao trùm theo từng vòng xe lăn.

Từ đêm hôm trước tôi đã trằn trọc. Cứ 1-2 tiếng tôi lại giật mình. Tôi sợ chỉ tối mai đây, mình sẽ đặt lưng xuống chiếc giường, mà nơi đó mình chỉ là ở trọ, chứ không phải gia đình.

Tôi sẽ nhớ lắm chiếc giường gỗ lót tấm chiếu tre sẫm màu mát lạnh, chỉ cần mở toang cửa sổ sẽ thấy một vườn rau trái xanh mát. Buổi sáng, mấy con chim bé như lòng bàn tay rủ nhau hót vang trời. Ồn ào nhưng bình yên đến lạ. Những tia nắng đầu ngày len qua từng khe cửa sẽ nhẹ nhàng đánh thức người say ngủ, tạo nên những vệt màu với hai mảng sáng tối, trông rất nghệ thuật.

Nhưng những ngày tết trôi nhanh, ai cản được. Có sợ xa nhà đến mấy, thì Sài Gòn vẫn là điểm đến, vẫn là miền đất hứa cho tôi và đông đúc bạn bè tôi ngoài kia. Dẫu giờ đây, chữ “hứa” đó cụ thể là gì, tương lai ra sao, cũng thật khó cho câu trả lời xác đáng.

Chào cha mẹ, con phải vào phố đi “cày”

Rời quê lên Sài Gòn sau mùa tết luôn chất chứa nhiều điều khó thể gọi thành lời

Có đứa đã rời quê từ hôm Mùng 4, Mùng 6 với những nhớ thương chất đầy trong mấy túi quà quê. Ai đi xa mà không nhớ quê hương, gia đình, chỉ khác nhau rằng mỗi đứa sẽ chọn một cách lưu giữ không giống nhau.

Sớm Mùng 6, chiếc điện thoại ting ting với mấy dòng tin nhắn của thằng Ngọc: “Tao tới Sài Gòn rồi/ Nhớ nhà, nhớ thịt kho hột vịt/ Trước khi đi tao còn hun mẹ mấy cái”. Bạn tôi chẳng phải là đứa giàu ngôn từ, nhưng tình thương với gia đình quê hương thì luôn đong đầy. Hai đứa tính ý hợp nhau nên thân đến tận bây giờ.

Trước đêm nó đi, hai đứa thức đến giữa khuya, khi cả miền quê đã chìm trong giấc ngủ. Tôi hiểu nỗi buồn của nó sắp xa quê lớn đến cỡ nào. Nó cũng giống tôi, đêm trước khi đi luôn đếm từng giờ, vì sợ. Vì biết cảm giác bình yên bên gia đình không thể tìm được ở bất kỳ đâu.

Câu chuyện của hai đứa vẫn kết thúc với một đề tài quen thuộc: “Thôi mình ráng, đến năm 40 tuổi, kiếm đủ ở Sài Gòn, sẽ về quê”. Tôi gật gù đồng ý. Nhưng chúng tôi lớn lên trong những gia đình với điều kiện kinh tế khác biệt, nên “đủ” của hai đứa không giống nhau. Đôi lần chúng tôi cũng sợ lời hứa đó khó thành sự thật, nhưng đứa nào cũng nhủ lòng cố gắng.

Tôi không thể hiện tình cảm như Ngọc. Tôi thường chỉ chào cha mẹ gọn lỏn rồi đi. Tôi sợ nhìn ánh mắt buồn thiu của hai mái đầu đã bạc tiễn con, rồi ngóng trông từng ngày con về.

Người già, sự cô đơn, nỗi sợ xa con cháu lúc nào cũng thường trực. Nhưng chúng tôi không thể có lựa chọn nào hơn.

Chào cha mẹ, con phải vào phố đi “cày”

Sài Gòn luôn là miền đất hứa với người trẻ - Ảnh minh họa

Hầu như sau mùa tết, chuyến đi nào cũng nặng trĩu những xúc cảm, lẫn lộn, không thể gọi thành lời. Năm nay, hành trình rời nhà càng nhân buồn lo gấp bội. Dịch bệnh vẫn còn đó khiến mọi thứ vẫn chưa thể trở lại nhịp bình thường.

Thằng Ngọc lo không được trả lương tháng 2, vì cả tháng bạn chẳng làm gì. Con Minh cũng nặng lòng vì thu nhập không đủ sống trong bối cảnh vật giá cứ leo thang. Còn tôi, có những ước mơ, mong muốn vẫn dở dang, chưa thể thực hiện, trong khi những gánh nặng vẫn đầy trên vai. Không thể chia sẻ cùng ai, tôi càng không muốn nỗi lo đó bao trùm lên sự bình yên của gia đình.

Nhưng dẫu có thế nào, muốn cuộc sống tốt hơn, không có cách nào khác chúng tôi phải cố gắng làm việc. Rồi mai đây, tôi lại lao vào nhịp sống hối hả. Tình thương gia đình, nỗi nhớ quê hương đôi khi cũng bị khuất lấp bởi những lo toan.

Từng vòng xe dường như nặng trĩu theo tiếng lòng, trong khi ánh nắng chiều tà đang khuất dần vào rặng cây cao vút. Ngày mai, bình minh vẫn sẽ đến.

Thưa cha mẹ, con vào phố đi làm...

Theo phunuonline.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast