Thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội xảy ra khá nhiều trên địa bàn Hà Tĩnh. Rất nhiều người ở cả địa bàn nông thôn, đô thị, người có trình độ chuyên môn và hiểu biết xã hội cũng bị lừa, bị chiếm đoạt với số tiền rất lớn.
Các hình thức lừa đảo qua mạng được thực hiện ngày càng tinh vi. Đối tượng lừa đảo thường giả danh giả danh cơ quan Nhà nước như: giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên ngân hàng gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra…
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ; các cuộc gọi lừa đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay giá rẻ hay giả mạo cơ quan chức năng,...
Thậm chí, lợi dụng thiên tai, lũ lụt, hoặc các hoàn cảnh thương tâm, các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hòng chiếm đoạt tài sản…
Trước thực trạng đó, thời gian qua, thông qua hội nghị giao ban báo chí định kỳ, Sở TT&TT đã định hướng, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tại các địa phương thông tin, tuyên truyền, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, hậu quả vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Tăng cường thông tin về kết quả phòng ngừa, xử lý của các lực lượng chức năng để người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Bên cạnh đó, Sở TT&TT, Công an tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp như: chỉ đạo chuẩn hoá thông tin thuê bao; tập huấn kỹ năng phát hiện dấu hiệu lừa đảo cho nhân viên các doanh nghiệp, ngân hàng để kịp thời giúp người dân ngăn chặn các hành vi lừa đảo; tuyên truyền đến người dân các biện pháp bảo mật thông tin và nhận diện các hành vi lừa đảo qua tin nhắn, điện thoại để phòng, chống.
Đặc biệt, hằng năm, Sở TT&TT đều ban hành các kế hoạch “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet”; chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh.
Chị Dương Thị Hoài Anh - chuyên viên Phòng Thông tin Báo chí và xuất bản (Sở TT&TT) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xây dựng 5 chuyên đề phát thanh trên hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Nội dung chuyên đề về nhận diện và cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, các thông tin xuyên tạc trên môi trường mạng. Ngoài ra, biên tập, phát hành hơn 40.000 tờ rơi tuyên truyền về các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật An ninh mạng và mức xử phạt vi phạm cấp phát đến tận các thôn xóm, khu dân cư. Đặc biệt, gần đây nhất, Sở TT&TT đã chủ trì tổ chức cuộc thi trực tuyến về an toàn thông tin trên không gian mạng tỉnh Hà Tĩnh năm 2024 thu hút 62.846 lượt thi; phối hợp tổ chức game show “Nhận diện lừa đảo trên không gian mạng”.
Cũng theo chị Hoài Anh, song song với cung cấp tài liệu, cán bộ, chuyên viên Sở TT&TT trực tiếp tham gia tập huấn tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, học sinh, người lao động về các kỹ năng phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng xã hội…
Là cá nhân tích cực tham gia cuộc thi trực tuyến về an toàn thông tin trên không gian mạng tỉnh Hà Tĩnh, anh Nguyễn Doãn Báu (xã Đức Giang, Vũ Quang) chia sẻ: “Nội dung các câu hỏi trực tuyến tập trung vào việc nhận diện các phương thức, thủ đoạn và kỹ năng phòng tránh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn; an toàn trực tuyến; kỹ năng phòng tránh các nguy cơ rủi ro bị đánh cắp thông tin trên không gian mạng; hiểu biết về an toàn, an ninh mạng... Qua đó, giúp tôi tiếp thu kiến thức và nâng cao cảnh giác với các phương thức lừa đảo trên không gian mạng rất hiệu quả”.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Dương Văn Tuấn cho biết: “Sở sẽ tiếp tục đổi mới các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng liên quan để thông tin các hình thức lừa đảo mới của các loại tội phạm trên không gian mạng nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, tránh lừa đảo cho người dân. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh để phối hợp cung cấp xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật.....
Ngoài công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở TT&TT tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý sim rác nhằm ngăn ngừa tình trạng lừa đảo trực tuyến thông qua sử dụng số điện thoại không chính chủ hoặc sim rác. Đồng thời, thường xuyên phối hợp Công an tỉnh để xác minh, xử lý các đối tượng lừa đảo trực tuyến trên địa bàn tỉnh".
"Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã thiết lập Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam, Sở TT&TT là cơ quan thường trực có trách nhiệm triển khai tại địa phương. Đồng thời, trong nhiệm vụ triển khai Trung tâm giám sát an toàn trên không gian mạng của tỉnh Hà Tĩnh, ngoài nội dung giám sát an toàn thông tin cho hệ thống của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn, sở sẽ quyết liệt thực hiện nhiệm vụ giám sát, xử lý các thông tin tiềm ẩn nguy xấu độc, lừa đảo trên không gian mạng" - ông Tuấn chia sẻ.