Hà Tĩnh chung tay cứu hộ, bảo vệ động vật hoang dã

(Baohatinh.vn) - Từ các lực lượng chức năng đến mỗi người dân ở Hà Tĩnh đều đã nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ động vật hoang dã, nhất là những loài quý hiếm.

Video: Cá thể trăn đất được phát hiện ở thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ.

Cách đây 2 tuần, gia đình bà Đào Thị Sơn ở thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ (Lộc Hà) phát hiện một con trăn kích cỡ rất lớn xâm nhập vườn nhà tìm kiếm thức ăn. Thay vì tìm cách vây bắt hoặc đánh chết, gia đình bà Sơn đã nhanh chóng báo chính quyền địa phương để có phương án xử lý phù hợp.

Cá thể trăn đất nặng 32 kg được chính quyền xã Hộ Độ, Hạt Kiểm lâm Lộc Hà bàn giao cho Vườn quốc gia Vũ Quang.

Sau đó, con trăn đất dài 4m, nặng 32 kg thuộc nhóm IIB này đã được lực lượng kiểm lâm, công an, gia đình bà cùng người dân vây bắt an toàn để giao cho Vườn quốc gia Vũ Quang thả về môi trường tự nhiên.

Kiểm lâm huyện Nghi Xuân làm hồ sơ, thủ tục tiếp nhận động vật quý hiếm từ người dân trên địa bàn.

Cũng nhờ nhiều lần xem tivi, sách báo, được nghe tuyên truyền về công tác bảo vệ động vật hoang dã nên mới đây ông Nguyễn Công Đàn ở thôn Thống Nhất, xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) đã bàn giao một cá thể kỳ đà “khủng” dài 2m, nặng hơn 15 kg cho các lực lượng chức năng.

Ông Đàn chia sẻ rằng, cách đây 3 ngày, ông phát hiện con kỳ đà rất lớn trên bò vào sân nhà, nghi ngờ đây là động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, cần được bảo vệ nên báo cho chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng để tái thả về môi trường tự nhiên.

Bàn giao kỳ đà khủng ở Nghi Xuân để tái thả về môi trường tự nhiên.

Thời gian gần đây, những loài động vật hoang dã được cứu hộ chủ yếu được tái thả về “mái nhà chung” là Vườn quốc gia Vũ Quang. Ở đây, chúng đã được tiếp nhận, chăm sóc cẩn thận trước khi thả về môi trường tự nhiên và tiếp tục được bảo vệ cẩn thận trước các hành vi săn bắt trở lại.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác Quốc tế (Vườn Quốc gia Vũ Quang) cho biết: “Thời gian qua, số lượng cá thể động vật hoang dã do các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp cho chúng tôi để chăm sóc, bảo vệ và thả về môi trường tự nhiên không ngừng tăng.

Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 230 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm để chăm sóc, cứu hộ và tái thả về môi trường tự nhiên 172 cá thể, số còn lại đang tiếp tục chăm sóc, theo dõi. Để đảo bảo an toàn cho các loài động vật, đơn vị đang tập trung khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết, chuyên môn, kinh phí...”.

Thả chim, thú về môi trường tự nhiên ở Vườn quốc gia Vũ Quang.

Công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã ở Hà Tĩnh được quan tâm hơn sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Để kịp thời phát hiện, cứu hộ, bảo vệ các loài động vật hoang dã bị nuôi nhốt bất hợp pháp hoặc bị người dân bắt được, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đã luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm, vai trò của mình. Lực lượng này luôn đóng vai trò nòng cốt trong việc phát hiện, vây bắt, tuyên truyền giao nộp, tịch thu, bàn giao cho các đơn vị có chức năng cứu hộ động vật hoang dã.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh Nguyễn Đình Lưu thông tin: “Ngoài việc tuyên truyền, vận động, chúng tôi cũng đã tập trung tuần tra, kiểm soát, bám địa bàn để tuyên truyền, giáo dục, răn đe và kịp thời đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại, giết thịt động vật hoang dã. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã vận động người dân tự nguyện giao nộp 13 cá thể động vật hoang dã, gồm: 6 cá thể khỉ, 1 cá thể chà vá chân nâu, 4 cá thể rùa, 2 cá thể trăn đất”.

Vườn quốc gia Vũ Quang sơ cứu 1 cá thể khỉ đuôi lợn bị thương.

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hoàng Quốc Huấn cho biết: "Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng nên tình trạng săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã, chim tự nhiên trên địa bàn đã giảm nhiều so với các năm trước và cơ bản được kiểm soát; ý thức, trách nhiệm của người dân về vấn đề này cũng đã được nâng lên.

Từ năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã chủ trì, phối hợp tháo dỡ, tiêu hủy, xử lý 436.445 các loại dụng cụ, phương tiện bẫy bắt các loài chim di cư tự nhiên trái phép và tịch thu, thả vào tự nhiên 3.084 cá thể các loài chim mồi còn sống. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động được 178 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giao nộp 1.088 cá thể động vật hoang dã để thả về môi trường tự nhiên".

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói