Hà Tĩnh có 4 tập thể, cá nhân được nhận bằng khen về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020

(Baohatinh.vn) - 2 tập thể là Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Hội Khuyến học tỉnh; 2 cá nhân là ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc và ông Nguyễn Công Thảo - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thạch Trị (Thạch Hà).

Sáng 18/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.

Điểm cầu tại Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” được thực hiện hiệu quả

8 năm qua, ngành giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án 89).

Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT) có chuyển biến tích cực; công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc; mạng lưới cơ sở giáo dục từ xa phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình.

Các thiết chế văn hóa, phương tiện thông tin đại chúng đã tham gia cung ứng các chương trình học tập suốt đời và tổ chức các chương trình giáo dục mở trên sóng phát thanh, truyền hình. Số lượt người tham gia các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, các lớp phổ cập ngoại ngữ, tin học ứng dụng, giáo dục kỹ năng sống, nghề ngắn hạn tại các trung tâm học tập cộng đồng tăng hằng năm…

Tại các địa phương, qua quá trình triển khai, đến tháng 12/2020, có 34/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục (tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 tuổi là 97,85%); 22/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; 19/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu kết quả học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề; 52/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn. Hà Tĩnh là một trong số các địa phương đạt 4/4 mục tiêu của đề án.

Giai đoạn 2021 - 2030, để tiếp tục xây dựng xã hội học tập, Bộ GD&ĐT, các đơn vị liên quan xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc học tập suốt đời, xây dựng XHHT đến mọi người dân.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) gắn với xóa mù chữ và dạy nghề ngắn hạn; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện…

Hà Tĩnh nâng cao chất lượng hoạt động trung tâm học tập cộng đồng

Tham luận tại hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động TTHTCĐ góp phần thúc đẩy công tác xây dựng XHHT.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hồng Cường tham luận tại hội nghị.

Theo đó, năm 2019 thực hiện sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, các địa phương đã chủ động kiện toàn sáp nhập các TTHTCĐ đảm bảo mỗi xã chỉ có 1 trung tâm. Hiện tại toàn tỉnh có 216 TTHTCĐ/216 xã, phường, thị trấn.

Các trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, có tính lan tỏa trong xã hội như: phối hợp tổ chức tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời; xây dựng thư viện, tủ sách; phối hợp địa phương mở 13.177 lớp học với sự tham gia của 948.214 lượt người tham gia học tập các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi....

Qua đó, người dân đã ứng dụng kiến thức học được vào sản xuất chăn nuôi, mở rộng quy mô trang trại... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Bên cạnh những hiệu quả đạt được, một số trung tâm trên địa bàn tỉnh vẫn còn lúng túng trong tìm kiếm nguồn lực để tổ chức hoạt động, bị động trong công tác phối hợp, nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động của trung tâm còn hạn hẹp...

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm như: Phân công trách nhiệm rõ ràng trong ban giám đốc trung tâm; khảo sát đánh giá đúng thực trạng hoạt động của trung tâm để có giải pháp cụ thể; duy trì đánh giá, xếp loại các TTHTCĐ; khảo sát nhu cầu học tập của cộng đồng để xây dựng nội dung học phù hợp...

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng đề xuất Bộ GD&ĐT tham mưu trình Chính phủ có chính sách đầu tư kinh phí nhiều hơn cho các TTHTCĐ; quan tâm, tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các trung tâm; có kế hoạch rà soát, đánh giá đúng thực trạng hoạt động của các TTHTCĐ, từ đó đề xuất giải pháp cần thiết để trung tâm hoạt động thực chất, có hiệu quả...

Xây dựng xã hội học tập - nhiệm vụ chung của toàn xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định vai trò quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập, đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành giáo dục mà của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vai trò của mỗi cá nhân tham dự trong XHHT là yếu tố đặc biệt quan trọng, mỗi cá nhân vừa tự ý thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời vừa được hỗ trợ, khích lệ, ghi nhận trong học tập. Mọi công dân có nghĩa vụ và trách nhiệm học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò then chốt và sự hỗ trợ, vào cuộc của các doanh nghiệp nhằm đào tạo người lao động theo nhu cầu sử dụng, từ đó tạo động lực thúc đẩy XHHT.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan, các địa phương cần tiếp tục quan tâm xóa mù chữ; phát triển hệ thống đào tạo từ xa; tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học; tăng cường truyền thông và định hướng xã hội đối với học tập; gia tăng nguồn dữ liệu tài nguyên số phục vụ cho việc học tập thường xuyên.

Các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang, cộng đồng dân cư và dòng họ, gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập công bằng, bình đẳng, nhân văn và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, suốt đời; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, miền núi, người bị thiệt thòi, yếu thế.

Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu sớm xây dựng Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.

Tại hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Quyết định số 1371/QĐ-BGD&ĐTngày 22/4/2021 về việc tặng bằng khen của Bộ cho 71 tập thể và 92 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 98.

Hà Tĩnh vinh dự có 2 tập thể và 2 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh; ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc và ông Nguyễn Công Thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thạch Trị (Thạch Hà).

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói