Theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, nhiều yếu tố đã tác động đến đà tăng của CPI trong tháng 8. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,91% so với tháng trước do giá lương thực tăng 0,63%, thực phẩm tăng 0,59%.
Bên cạnh đó, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,26%; nhóm giáo dục tăng 0,16 %; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,26% so tháng trước. Các nhóm còn lại: thiết bị và đồ dùng gia đình; đồ uống và thuốc lá tăng nhẹ ở mức từ 0,17% - 0,63%. Nhóm bưu chính viễn thông không có nhiều biến động.
Ở chiều ngược lại, 2 nhóm hàng có CPI giảm so với tháng 7/2024 là: ngành giao thông; văn hóa, giải trí và du lịch. Cụ thể, nhóm giao thông giảm 1,89 % do bình quân trong tháng giá xăng giảm 5,61% so với tháng trước; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,15%.
Theo phân tích, trong tháng 8, do thời tiết nắng nóng kéo dài làm tăng nhu cầu sử dụng nước giải khát, thiết bị làm mát. Ngoài ra, vào rằm tháng 7, nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng mạnh dẫn tới giá cả thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm tăng so với tháng trước được xem là những yếu tố quan trọng làm tăng CPI trong tháng. Trong khi đó, giá nhiên liệu xăng, dầu qua các kỳ điều chỉnh giảm sâu trong tháng, góp phần kìm đà tăng CPI.
Dự kiến, chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong tháng 9/2024 tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, giá các loại gạo nếp, đậu tăng do nhu cầu nguyên liệu sản xuất nhân bánh phục vụ Tết Trung thu. Ngoài ra, giá học phí có thể được điều chỉnh trong tháng 9 sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng chung tăng cao hơn.