Hà Tĩnh kiến nghị với Trung ương 4 nội dung trọng tâm về lĩnh vực GTVT

(Baohatinh.vn) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nêu 4 kiến nghị trong lĩnh vực giao thông - vận tải với Trung ương nhằm góp phần giúp Hà Tĩnh hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, kết nối vùng, phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 25/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành GTVT.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Điểm cầu Trung ương. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

2021 là một năm đặc biệt khó khăn khi đại dịch COVID-19 tác động mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Dù vậy, Bộ GTVT đã nỗ lực hoàn thành hầu hết các mặt công tác.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Bộ tiếp tục triển khai các chính sách, pháp luật liên quan một cách quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả; hoàn thiện thể chế, quy hoạch; công tác lập quy hoạch ngành quốc gia được tập trung chỉ đạo thực hiện, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, kịp thời, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối giữa các lĩnh vực.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Trong suốt thời gian dịch COVID-19, Bộ đã thành lập tổ công tác đặc biệt về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch; thành lập các đoàn kiểm tra tại 22 địa phương về tổ chức hoạt động vận tải, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch; ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải.

Trong năm 2021, Bộ GTVT đã đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan giảm phí, giá để hỗ trợ doanh nghiệp, như: giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, 10% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải.

Lực lượng chức năng xử lý xe quá tải, quá khổ.

Bộ GTVT cũng phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức 478 chuyến bay, vận chuyển hơn 100 nghìn công dân Việt Nam về nước. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng sản lượng vận tải hàng hóa qua cảng biển tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, Bộ GTVT đã khởi công 18 dự án, hoàn thành 14 dự án, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 67 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Thành lập tổ công tác đặc biệt về công tác giải ngân vốn đầu tư công để chỉ đạo, đôn đốc, xử lý ngay những cơ quan chậm trễ trong công tác giải ngân.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đang được thi công.

Trong năm 2022, Bộ GTVT tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác vận tải, bảo đảm trật tự, ATGT bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh tiến độ thi công, kiểm tra giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng các dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia; phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục kéo giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay: Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng trong năm 2021, Hà Tĩnh vẫn giữ được sự ổn định, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như: thu ngân sách, thu hút đầu tư; các dự án trọng điểm được triển khai đảm bảo tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc top đầu cả nước; triển khai xây dựng các dự án, hạ tầng KCN, KKT, khu du lịch biển. Có được kết quả này nhờ sự đóng góp lớn của ngành GTVT.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại hội nghị.

Trong năm 2021, Hà Tĩnh nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành và cùng với nỗ lực của tỉnh, ngành GTVT tỉnh đạt được những kết quả quan trọng.

Hà Tĩnh đã xây dựng mới 600 km đường giao thông nông thôn, hỗ trợ phục hồi 150 km mặt đường bê tông xuống cấp, góp phần hoàn thiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, phấn đấu xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM theo đề án được Thủ tướng phê duyệt.

Ban hành chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến container vận chuyển hàng hóa qua cảng nước sâu Vũng Áng với 200 triệu/chuyến. Tới nay, tỉnh phối hợp với Tân Cảng Sài Gòn thiết lập ổn định tuyến container qua Cảng Vũng Áng.

Tàu chở hàng container cập Cảng nước sâu Vũng Áng.

Linh hoạt, sáng tạo trong công tác phòng chống dịch COVID-19 giúp tỉnh khống chế tốt dịch bệnh, vừa đảm bảo lưu thông vận tải hàng hóa, hành khách nội tỉnh, liên tỉnh theo từng cấp độ dịch, phù hợp từng thời điểm; hỗ trợ đưa công dân từ các vùng dịch hồi hương an toàn.

Phối hợp chặt chẽ trong việc lập quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có quy hoạch ngành GTVT; chủ động xây dựng quy hoạch tỉnh được Trung ương thẩm định, xây dụng quy hoạch vùng miền và các quy hoạch khác; quan tâm định hướng phát triển mạng lưới giao thông đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Tập trung chỉ đạo trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo ATGT khi tình hình TNGT giảm ở cả 3 tiêu chí.

Để từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho Hà Tĩnh kết nối vùng, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh có 4 nội dung kiến nghị:

Trung ương tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn và chỉ đạo các BQL, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng dự án nâng cấp QL 8, cao tốc đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt.

Với dự án cao tốc đoạn Bãi Vọt – Vũng Áng, Bộ GTVT sớm hoàn thành thủ tục, bàn giao mốc GPMB cho địa phương để chủ động trong quản lý, triển khai công tác GPMB, chủ động đáp ứng yêu cầu tiến độ khi dự án triển khai.

Hiện nay, một số đoạn quốc lộ qua Hà Tĩnh đã xuống cấp, đề nghị Trung ương quan tâm cho các dự án nâng cấp cải tạo trong giai đoạn 2021 – 2025 như: QL 12C đoạn Vũng Áng – Đồng Lê, QL 15, QL 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh, đoạn qua trung tâm TX Kỳ Anh, KKT Vũng Áng, đê chắn sóng KKT Vũng Áng.

Đề nghị Bộ GTVT sớm hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch nhóm cảng biển, thực hiện quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước của hệ thống cảng, tạo điều kiện cho các địa phương, trong đó có Hà Tĩnh, để đầu tư hệ thống cảng, tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu ngành giao thông vận tải tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các đột phá về xây dựng cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; trong đó cần đánh giá đầy đủ tác động trên các lĩnh vực quản lý của ngành. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ảnh Báo Giao thông.

Bộ GTVT cần có phương án bảo đảm tới cuối năm 2022, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam còn lại phải được khởi công để có thể khánh thành, đưa vào khai thác năm 2024 - 2025, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có 3.000 km đường cao tốc.

Chú trọng các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực hàng không như: Sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài; khởi công theo quy hoạch các cảng hàng không: Điện Biên, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết, Côn Đảo.

Nghiên cứu đề xuất bổ sung các tuyến đường sắt mới (TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau), tuyến sang biên giới Campuchia, Lào; bảo dưỡng hạ tầng hiện hữu, đảm bảo an toàn và phối hợp cùng các Bộ, ngành sớm trình đề án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao.

Tập trung các giải pháp đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí; xử lý có hiệu quả tình trạng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng...

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chủ đề An toàn giao thông

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói