Hà Tĩnh linh hoạt, chủ động kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng

(Baohatinh.vn) - Trước sự xuất hiện đồng thời của nhiều yếu tố bất lợi, Hà Tĩnh đang căn cơ các giải pháp nhằm bình ổn chỉ số giá tiêu dùng (CPI), kiểm soát tốt lạm phát.

2.jpg
CPI 4 tháng năm 2024 của Hà Tĩnh tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước

Theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, trong 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá của hầu hết các nhóm hàng hoá chính như: lương thực, thực phẩm, đồ uống… khá ổn định. CPI 4 tháng năm 2024 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị tăng 1,95%, nông thôn tăng 2,65%. Đây là kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát thị trường trong những tháng tiếp theo.

Tuy nhiên, qua đánh giá, phân tích, chỉ số CPI được ngành chuyên môn dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng cuối năm. Nhiều yếu tố bất lợi tồn tại, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tiêu dùng và gây áp lực lớn quá trình điều hành giá trên thị trường.

“Những tháng mùa hè, nhu cầu du lịch tăng cao sẽ đẩy giá các dịch vụ đi lại, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ cá nhân... biến động khá nhiều. Nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao hơn làm tăng hóa đơn chi trả theo bảng giá lũy tiến cũng được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến việc điều hành giá tại Hà Tĩnh” - Phó Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Trung Thành nhận định.

bqbht-br-11-8475-6477.jpg
Giá các dịch vụ đi lại, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ cá nhân... có nhiều biến động khi mùa du lịch biển khởi động.

Trong khi đó, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới vẫn đang “neo” ở mức cao ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và tiếp tục đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, đô la Mỹ tăng giá sẽ làm tăng chi phí đầu vào trong nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng. Cụ thể, chỉ số giá USD tháng 4/2024 tăng 1,2% so với tháng trước; tăng 3,03% so với tháng 12/2023; tăng 6,51% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 4,6%.

Anh Trần Đình Chung - cán bộ phụ trách marketing siêu thị Co.opmart cho biết: “Nguyên liệu nhập khẩu duy trì ở mức cao chắc chắn khiến chi phí sản xuất doanh nghiệp tăng lên, giá sản phẩm xuất ra thị trường cũng sẽ bị tác động nhiều. Với các doanh nghiệp bán lẻ như chúng tôi, bài toán vừa cân đối giá cả, giữ sức mua của người dân vừa đảm bảo hoạt động ổn định của đơn vị càng trở nên khó khăn, đòi hỏi nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt hơn”.

Ngoài ra, theo phân tích của Cục Thống kê Hà Tĩnh, việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024; điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục dự báo sẽ kéo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên.

Chị Nguyễn Thị Thanh (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá cả thị trường vẫn luôn “chạy trước” lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Vừa có thông tin tăng lương, người dân đã đứng trước nỗi lo về mặt bằng giá mới cao hơn được thiết lập. Hi vọng là Nhà nước sẽ có những cơ chế, chính sách để chủ động kiểm soát giá cả để bình ổn thị trường”.

z5413391414257_929f1ab3b5ba1540fe65ffc741f93c61 (1).jpg
Sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh tiềm ẩn nhiều rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.

Ở Hà Tĩnh, từ nay đến cuối năm, diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, nguy cơ tiềm ẩn các loại dịch bệnh gây thiệt hại đối với trồng trọt và chăn nuôi cũng được dự báo sẽ tác động đến nguồn cung, tâm lý người tiêu dùng và giá lương thực, thực phẩm.

Với sự xuất hiện của nhiều yếu tố bất lợi, tác động lớn đến hầu hết các mặt của đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, ngành chuyên môn, đơn vị liên quan đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong kiểm soát thị trường, điều hành giá để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.

Ngành thống kê, công thương tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới và trong nước để kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát tại Hà Tĩnh. Từ đó, có các biện pháp ứng phó phù hợp, ổn định nguồn cung, bình ổn giá.

Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, trọng tâm là xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine khó lường, phức tạp.

z5417000437331_fc66076989804759709f027504b829d8.jpg
Ngành chuyên môn thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, thị trường để có các giải pháp điều hành phù hợp với tình hình tại Hà Tĩnh.

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất đối với các đơn vị sản xuất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục khôi phục, ổn định sản xuất; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhằm tăng lượng cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng tại chỗ và tạo sự bình ổn về giá.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, trên cơ sở kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá đưa ra, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi sát diễn biến, cùng các đơn vị liên quan chủ động phân tích, dự báo thông tin thị trường, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh các giải pháp cân đối cung cầu, quản lý, điều hành giá tại địa phương nhằm thực hiện tốt bình ổn chỉ số giá tiêu dùng (CPI), góp phần kiểm soát tốt lạm phát.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Dự án toà căn hộ D' Metropole - Luxury Apartments hứa hẹn sẽ chinh phục được trái tim người mua nhà nhờ vị trí đắc địa, thiết kế sang trọng, tiện ích đẳng cấp, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sống nghỉ dưỡng – tiện nghi của khách hàng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 cùng bật tăng mạnh cả triệu đồng một lượng trong phiên giao dịch sáng đầu tuần (18/11) do hưởng lợi từ đà tăng của giá vàng thế giới.
Giá xăng, dầu cùng giảm

Giá xăng, dầu cùng giảm

Giá xăng, dầu cùng giảm 250-390 đồng một lít, kg từ 15h, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.