Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Bá – Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh về diễn biến thời tiết trên địa bàn trong thời gian tới.
-PV: Xin ông cho biết về tình hình thời tiết của Hà Tĩnh trong thời gian qua?
Ông Trần Đức Bá: Năm 2015 có đợt nắng nóng kéo dài 40 ngày, còn năm 2019 kéo dài 26 ngày và có nhiều đợt thì nền nhiệt độ đạt mức 40 độ C. Năm nay là năm mà Hà Tĩnh có nắng nóng sớm, từ nửa đầu tháng 3 đã bắt đầu xuất hiện nắng nóng.
Mặc dù Hà Tĩnh dù có nắng nóng kéo dài nhưng nhìn chung, nền nhiệt độ vẫn thấp hơn so với khu vực Thanh Hóa và Nghệ An. Nếu như trong tháng 5, tỉnh ta có 2 ngày có nền nhiệt trên 40 độ C thì Thanh Hóa và Nghệ An nền nhiệt cao nhất là 41 – 42 độ C, có nơi trên 42 độ C.
Nắng nóng gay gắt ở Hà Tĩnh đã kéo dài 10 ngày.
-PV: Đợt nắng nóng ở Hà Tĩnh sẽ kéo dài bao nhiêu ngày nữa, thưa ông?
Ông Trần Đức Bá: Đợt nắng ở Hà Tĩnh bắt đầu từ ngày 31/5 tới nay (10/6) đã kéo dài 10 ngày, trong đó từ ngày 4/6 trở đi là nắng nóng gay gắt diện rộng. Nhiệt độ cao nhất trong đợt nắng nóng này xảy ra vào hôm qua (9/6) ở khu vực miền núi phía Tây Hà Tĩnh như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, đạt mức 39,1 – 39,3 độ C, riêng khu vực ven biển có nền nhiệt cao nhất đạt 38,5 độ C.
Dự báo đợt nắng nóng sẽ còn kéo dài tới hết tháng 6, xen kẽ có ngày mưa, nhưng lượng mưa nhỏ, không đáng kể. Dù nền nhiệt độ thời gian tới không quá cao nhưng việc nắng nóng kéo dài sẽ gây nên hạn hán, thiếu nước.
Dông lốc gây thiệt hại 1,5 tỷ đồng ở huyện Hương Khê vào tháng 5 vừa qua.
-PV: Từ đầu năm tới nay, Hà Tĩnh xảy ra hiện thời tiết cực đoan, nắng nóng bất thường cùng các loại hình thời tiết nguy hiểm (dông lốc, sấm sét), hệ quả của nó sẽ là gì, thưa ông?
Ông Trần Đức Bá: Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xuất hiện các hình thái thời tiết bất thường, cực đoan ở TX Kỳ Anh, Hương Khê…
Trong các tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra khoảng 20 đợt không khí lạnh gây mưa nhỏ, mưa phùn rải rác. Các đợt không khí lạnh có cường độ yếu, chỉ gây mưa và rét trong thời gian ngắn nhưng các đợt không khí lạnh kéo dài đến cuối tháng 4 (thời kỳ lúa vụ xuân trổ bông và chín) gây ảnh không nhỏ đến năng suất lúa vụ xuân.
Do ảnh hưởng của thời tiết, trên vùng biển đã xảy ra một số vụ tai nạn tàu thuyền gặp nạn trên vùng biển Hà Tĩnh.
Nắng nóng kéo dài khiến vùng trồng bưởi ở Hà Tĩnh bị héo cây, quả mềm.
-PV: Thời tiết bất thường, cực đoan sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, ông có khuyến cáo gì với các ngành chức năng và người dân?
Ông Trần Đức Bá: Hiện tại, lượng mưa các tháng đầu năm đạt cơ bản cao hơn so với trung bình nhiều năm nên dung tích các hồ chứa nước đạt trên 80% dung tích thiết kế. Tuy nhiên, năm 2020 được dự báo là năm nắng nóng kỷ lục nên nguy cơ hạn hán, thiếu nước vẫn có thể xảy ra vào cuối vụ hè thu cần phải có các giải pháp ứng phó, nhất là đối với vùng cuối kênh, vùng thường xảy ra khô hạn nhằm hạn chế thiệt hại.
Mùa mưa năm nay dự báo sẽ tới muộn, đặc biệt lượng mưa sẽ thiếu hụt trong các tháng chính của mùa mưa (từ tháng 8 tới tháng 11), cộng thêm nắng nóng kéo dài, thiên tai bão lũ bất thường chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất nông nghiệp.
Về bão và áp thấp nhiệt đới, mùa mưa bão năm 2020, trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo có khoảng 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ.
Do đó, ngành nông nghiệp và người dân cần có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra đặc biệt cần chủ động trong sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xin cảm ơn ông!