Việc giải quyết linh hoạt nguồn vốn từ ngân hàng đã tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ nguồn vốn nhanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Tĩnh cho hay: “Ngân hàng Nhà nước với vai trò đầu mối đã giám sát, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng những tháng đầu năm phản ánh các cơ chế, chính sách của tỉnh tiếp tục được kích hoạt theo hướng tích cực”.
Theo Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh thì lượng tín dụng mà các ngân hàng, TCTD trên địa bàn "đẩy ra" nền kinh tế những năm gần đây đạt khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm. Việc này đã hỗ trợ rất lớn trong giải quyết nguồn vốn cho doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn.
Nhu cầu mua sắm của người dân từ đầu năm 2019 tăng lên phần nào phản ánh được "sức khỏe" nền kinh tế là điều kiện để các ngân hàng "kéo đà" tăng trưởng.
Vào năm ngoái, cuộc chạy đua tín dụng tiêu dùng kể từ giữa năm 2018 đã giúp các ngân hàng “kéo đà” tăng trưởng. Đổi lại, việc hấp thụ vốn khá tốt ở phân khúc thị trường này cũng chứng minh tín hiệu “tươi sáng” về kinh tế phục hồi. Đời sống người dân tăng lên, kéo theo các nhu cầu về tiêu dùng, tín dụng tăng theo.
Đó cũng là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng tín dụng đầu năm 2019. Khác với quy luật hàng năm, cán cân thị trường tài chính thường nghiêng về huy động hơn dư nợ cho vay thì quý I/2019, tín dụng tăng trưởng dương (+) và tỷ lệ tăng trưởng ngang với huy động vốn. Đến 31/3/2019, dư nợ đạt gần 45 nghìn tỷ đồng, tăng 4,75% so với đầu năm. Tỷ lệ tăng trưởng này gấp hơn 2 lần tăng trưởng ngân hàng toàn quốc (gần 2,3%). Và, có đến 95% dư nợ đạt nhóm nợ đủ tiêu chuẩn. Tăng trưởng tín dụng “xoay chiều” đã chỉ ra rằng, ngay từ những tháng đầu năm, những nỗ lực của tỉnh trong việc “kích cầu” bằng các cơ chế, chính sách đã được truyền tải đến nền kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Cơ cấu tín dụng được phân bổ hợp lý, chất lượng cao
Dòng tín dụng phân bổ hợp lý hơn vào các khu vực của nền kinh tế, dòng chảy tín dụng tập trung hướng đến khu vực sản xuất. Trong đó, ưu tiên những lĩnh vực như hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu… Theo đó, giảm bớt luồng vốn tín dụng “đổ” vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Vietcombank Hà Tĩnh vừa hoàn tất giải ngân hợp đồng “cỡ bự” với số vốn vay 79 triệu USD cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh. Hợp đồng này đã đưa dư nợ của Vietcombank ở cuối tháng 2/2019 đạt 6.146 tỷ đồng và đạt mức tăng trưởng “khủng” (31%) trong hai tháng đầu năm.
Đầu năm nay, cùng với các chính sách từ ngân hàng trung ương, sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành ngân hàng trong cuộc chiến với tín dụng đen, các chi nhánh đã mở rộng mức độ “phủ sóng”, tiếp cận khách hàng “gần” nhất để đáp ứng nhu cầu vốn trên địa bàn.
Formosa Hà Tĩnh tiếp tục tạo "lực hút" lớn cho nguồn tăng trưởng tín dụng
Ông Võ Văn Nhất - Giám đốc Agribank Hà Tĩnh II, cho biết: “Hiện nay, nhu cầu vốn ở khu vực nông thôn rất lớn. Chi nhánh đã thực hiện chính sách giảm 0,5% lãi suất được áp dụng cho các khách hàng có dư nợ vay trung hạn và dài hạn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên. Tiếp sức cho nguồn vốn, Agribank Hà Tĩnh II đã thành lập tổ hỗ trợ tín dụng bám sát từng địa phương, hỗ trợ các quy định, chính sách cho khách hàng”.
Sau 5 tháng thành lập, hiện tại, nguồn vốn của Agribank Hà Tĩnh II đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với thời điểm thành lập. Dư nợ đạt trên 6.100 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi tháng, Agribank Hà Tĩnh II tăng quy mô hơn 200 tỷ đồng.
Thị trường tài chính có thể kỳ vọng với nền tăng trưởng cao và hấp thụ tốt trong năm 2019. Theo đó, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn có hiệu quả của người dân, doanh nghiệp đi đôi với chất lượng tín dụng, đảm bảo dòng vốn thực chất, an toàn phục vụ sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ cao nhất mà các ngân hàng đang đặt ra.