Hà Tĩnh thời điểm tái lập tỉnh đến năm 2010

(Baohatinh.vn) - Sau khi tái lập, tỉnh Hà Tĩnh có 9 đơn vị hành chính, gồm 8 huyện và 1 thị xã với 259 đơn vị hành chính cấp xã.

Hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập (1831 - 2021), 30 năm tái lập tỉnh (1991 - 2021), Báo Hà Tĩnh xin giới thiệu đến bạn đọc truyền thống lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Hà Tĩnh, quá trình thành lập, phát triển trong 190 năm qua và những thành tựu sau 30 năm tái lập tỉnh.

Hà Tĩnh thời điểm tái lập tỉnh đến năm 2010

Nhân viên khối ngân hàng diễu hành trong lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (năm 1995). Ảnh: Sỹ Ngọ

Giai đoạn 15 năm hợp nhất (từ 1976-1991) 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh, bên cạnh những kết quả đạt được, nhất là việc huy động nhân tài, vật lực để xây dựng và phát triển, đã phát sinh không ít khó khăn. Ở một số địa phương, đơn vị, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng thiếu sâu sát, có biểu hiện chủ quan, nóng vội, duy ý chí; cơ chế quản lý hành chính, tập trung, quan liêu, bao cấp không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; tư tưởng cục bộ dần bộc lộ rõ, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Nền kinh tế có quy mô nhỏ, phân tán, tự cung, tự cấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt ở các ngành có thế mạnh như nông, lâm, thủy, hải sản. Tình trạng mất cân đối lớn giữa sản xuất và đời sống, giữa sản xuất và lưu thông, giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa hàng và tiền, giữa các vùng, miền, làm cho sản xuất trên nhiều lĩnh vực trì trệ, hiệu quả thấp, KT-XH của tỉnh Nghệ Tĩnh dần lâm vào tình trạng khủng hoảng, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những đòi hỏi khách quan, chủ quan, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá lại việc điều chỉnh địa giới hành chính từ những năm 70-80 của thế kỷ XX trên phạm vi cả nước. Kỳ họp thứ IX, thứ X, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính của 13 tỉnh, thành phố, chia tách 8 tỉnh thành 16 tỉnh, trong đó có tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngày 16/8/1991, BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác chia tách, tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi tái lập, tỉnh Hà Tĩnh có 9 đơn vị hành chính (gồm 8 huyện, 1 thị xã(1) với 259 đơn vị hành chính cấp xã), tỉnh lỵ đặt tại TX Hà Tĩnh. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khi được tái lập có 60.712 đảng viên (chiếm 5% dân số), 760 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có khoảng 90% là tổ chức cơ sở đảng vững mạnh và khá.

HĐND tỉnh có 39 đại biểu. Kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh đề ra và thực hiện: kiện toàn tổ chức bộ máy; bầu cử các chức danh chủ chốt của bộ máy chính quyền; ổn định KT-XH; phòng, chống lụt bão và thu hoạch vụ mùa... Từ ngày 1/9/1991, các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh Hà Tĩnh chính thức đi vào hoạt động.

Trong 5 năm 1991-1995, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIII, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã giành được nhiều thành quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 11,3%.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong 5 năm từ 1996-2000, tỉnh Hà Tĩnh đã tạo được sự phát triển tương đối toàn diện và đồng đều trên các lĩnh vực và địa bàn, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng mà Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 7,05%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 1,5 lần; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP từ 63,5% xuống còn 51%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng từ 10,7% lên 14%; dịch vụ tăng từ 25,8% lên 35%; sản xuất lương thực đạt 46 vạn tấn, bình quân lương thực đầu người 370 kg.

Hà Tĩnh thời điểm tái lập tỉnh đến năm 2010

TP Hà Tĩnh hôm nay. Ảnh: Huy Tùng

Trong 10 năm cùng cả nước thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2001-2010, trước những thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2006-2010, Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, đồng thời phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với quá trình đô thị hóa. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9,5% (giai đoạn 2001-2005 là 8,6%/năm).

GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 14,5 triệu đồng/năm. Cơ cấu chuyển dịch đúng định hướng. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng nhanh, giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 18,7% (giai đoạn 2001-2005 là 15,7%). Thu hút và triển khai đầu tư một số dự án trọng điểm có quy mô quốc gia, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp nặng quy mô lớn của khu vực và cả nước tại Khu kinh tế Vũng Áng với các sản phẩm chủ lực là gang thép, nhiệt điện, lọc hóa dầu, cảng biển nước sâu, công nghiệp phụ trợ. Một số công trình, dự án từng bước đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh...

Biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(Còn nữa)

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.