Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi, giúp người có công vươn lên trong cuộc sống

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho những gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhằm tri ân các thế hệ đi trước, xoa dịu phần nào những mất mát, hy sinh và giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi, giúp người có công vươn lên trong cuộc sống

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến thăm hỏi, tặng quà gia đình bà Mai Thị Lan - thương binh 4/4 tại xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) dịp 27/7/2022. Ảnh Trường Biên.

Những ngày tháng 7, ngôi nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đào ở tổ dân phố Tiền Giang, phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) rộn ràng hơn bởi có các cơ quan, đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi.

Nỗi đau mất chồng và con trai trong chiến tranh khó có thể nguôi ngoai, nhưng nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và sự chăm sóc của con cháu đã giúp mẹ có thêm động lực mạnh mẽ sống.

Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi, giúp người có công vươn lên trong cuộc sống

Mẹ Đào hiện đang sống cùng gia đình người con thứ 3 tại tổ dân phố Tiền Giang, phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh).

Chị Phan Thị Đức - con dâu của mẹ Đào kể: “Ngoài khoản trợ cấp theo chế độ hàng tháng, Mẹ còn được nhận khoản tiền chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời (mỗi tháng 1 triệu đồng) từ Vietcombank Hà Tĩnh.

Ngày trước khi còn khỏe, mẹ còn được các cấp tổ chức đi tham quan; ngày tết, ngày lễ đại diện lãnh đạo địa phương lại đến thăm hỏi, tặng quà... Dịp 27/7 này, các cháu Đoàn thanh niên phường còn đến nhà tổ chức bữa cơm nghĩa tình khiến mẹ vui và xúc động lắm”.

Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi, giúp người có công vươn lên trong cuộc sống

Dịp 27/7 này, Đoàn thanh niên phường Thạch Quý và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức bữa cơm nghĩa tình khiến mẹ Đào vui và xúc động.

Là người có công với cách mạng, gia đình hộ nghèo, từ tháng 10/2020 - 12/2021, gia đình bà Lê Thị Diệm (85 tuổi), thôn Phú Hồ, xã Phú Gia (Hương Khê) và chồng được nhận hỗ trợ thêm 410 nghìn đồng/tháng (ngoài chế độ trợ cấp người già trên 80 tuổi và người khuyết tật nặng). Đây là nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết số 151/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành ngày 17/7/2019 về việc bổ sung một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh (trong đó có nội dung hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng).

Mặc dù từ tháng 1/2022, chính sách theo Nghị quyết số 151/2019/NQ-HĐND đang tạm dừng để rà soát lại theo chuẩn nghèo giai đoạn mới, nhưng với gia đình bà Diệm và hàng trăm hộ dân đã được hỗ trợ, đó vẫn là nguồn động viên không hề nhỏ.

Bà Diệm chia sẻ: “Từng là thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, lại là hộ nghèo nên gia đình tôi thuộc diện được nhận hỗ trợ theo chính sách của tỉnh. Mặc dù thời gian hỗ trợ chỉ hơn 1 năm, nhưng chúng tôi vui vì mỗi tháng có thêm khoản tiền thuốc thang, mua thêm thực phẩm”.

Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi, giúp người có công vươn lên trong cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giúp gia đình ông Nguyễn Quốc Long phát triển mô hình chăn nuôi bò.

Trở về từ chiến trường năm 1987, ông Nguyễn Quốc Long, thương binh 4/4, ở thôn Việt Yên, xã Nam Điền (Thạch Hà) tập trung vào phát triển kinh tế vườn đồi, chăn nuôi bò. Sau nhiều năm gây dựng, mô hình của gia đình ông ngày càng phát triển và cần thêm nguồn vốn vay để mở rộng. Đầu năm 2022, ông Long tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Ông chia sẻ: “Với nguồn vốn vay 80 triệu đồng, lãi suất 0,5%/tháng, tôi duy trì và phát triển được đàn bò của gia đình. Tôi đã mua thêm được 4 con bò nâng tổng đàn bò lên 11 con để phát triển kinh tế”.

Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi, giúp người có công vươn lên trong cuộc sống

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, thôn Hoa Ích Lâm (xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) đã yên tâm khi tuổi già đã xây dựng được căn nhà khang trang.

Quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công, gia đình chính sách, thời gian qua Hà Tĩnh cũng tập trung xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đối tượng này.

Các cấp, ngành toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ cho 4.467 hộ với kinh phí 134,7 tỷ đồng. Đặc biệt, từ chủ trương của Tỉnh ủy về hỗ trợ xây dựng nhà ở người nghèo, nhà chống lũ, nhà ở người có công và nhà văn hóa cộng đồng theo Quyết định số 22/QĐ-TU ngày 20/11/2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ nhà ở người có công 777 nhà với tổng kinh phí 54,35 tỷ đồng.

Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi, giúp người có công vươn lên trong cuộc sống

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (bên trái) chia sẻ niềm vui khi được hỗ trợ xây dựng nhà.

Là một trong hơn 40 hộ dân xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định số 22/QĐ-TU, bà Nguyễn Thị Kim Thanh (SN 1939) - thôn Hoa Ích Lâm đã yên tâm khi tuổi già đến được sống trong căn nhà khang trang.

Những năm 1960 - 1975, gia đình bà Thanh nuôi giấu bộ đội; căn nhà trở thành địa điểm gặp gỡ, trao đổi thông tin của cán bộ. Sau ngày thống nhất đất nước, gia đình bà đã được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhì. Bà Thanh phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, được sống trong căn nhà mới khang trang, vững chãi, tôi không còn phải lo khi mùa mưa bão đến nữa”.

Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi, giúp người có công vươn lên trong cuộc sống

Thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của tỉnh, đến nay toàn tỉnh không còn đối tượng người có công thuộc diện hộ nghèo. (Trong ảnh: Gia đình thương binh Nguyễn Quốc Long, xã Nam Điền (Thạch Hà) là một trong những cựu chiến binh gương mẫu trong phát triển kinh tế).

Bà Lê Thị Mai Hoa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh khẳng định: “Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, mà còn là trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng; là nhiệm vụ được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đặc biệt quan tâm. Nhờ đó đến cuối năm 2021, tỉnh ta không còn đối tượng người có công thuộc diện hộ nghèo. Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực, huy động sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng”.

Toàn tỉnh hiện đã xem xét, công nhận và thực hiện chính sách ưu đãi đối với trên 301.135 lượt đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng; đang thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho 40.741 người có công, thân nhân người có công; trợ cấp 1 lần 23.099 đối tượng và các chế độ, chính sách khác với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. 35 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời. Trung bình mỗi năm có trên 220.000 lượt đối tượng người có công và thân nhân được tặng quà.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.