Hà Tĩnh triển khai công chứng điện tử từ tháng 8/2025

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh là 1 trong 5 địa phương đầu tiên trên cả nước được Bộ Tư pháp lựa chọn triển khai thí điểm công chứng điện tử.

Công chứng từ lâu được ví như “cánh cửa đầu tiên” đảm bảo tính pháp lý trong các giao dịch dân sự, từ bất động sản đến lập di chúc, ủy quyền… Tuy nhiên, hiện thủ tục công chứng còn rườm rà, hồ sơ giấy tờ chồng chéo gây không ít phiền hà cho người dân. Với Luật Công chứng sửa đổi năm 2024 – lần đầu tiên công chứng điện tử được luật hóa đầy đủ. Đây không chỉ là bước tiến lớn trong cải cách hành chính mà còn đưa hoạt động công chứng bước vào không gian số, trở thành mắt xích quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ số, công dân số.

Phòng công chứng số 1, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đầu tư trang thiết bị phục vụ công chứng điện tử.

Xác định đây là khâu đột phá quan trọng, Hà Tĩnh đã chủ động vào cuộc sớm. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Tĩnh là 5 địa phương đầu tiên trên cả nước được Bộ Tư pháp lựa chọn triển khai thí điểm công chứng điện tử.

Theo lộ trình, trong tháng 8/2025, Hà Tĩnh sẽ đưa cơ sở dữ liệu công chứng – chứng thực vào vận hành. Trên cơ sở đó, các văn phòng công chứng sẽ từng bước triển khai công chứng điện tử, bao gồm: công chứng điện tử tại trụ sở và công chứng điện tử trực tuyến từ xa.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh chia sẻ: “Công chứng điện tử là giải pháp đột phá, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy quản lý và phục vụ Nhân dân. Đây là mảnh ghép thiết yếu trong xây dựng Chính phủ số, công dân số – bắt đầu từ những thủ tục pháp lý gần gũi nhất. Ngành Tư pháp tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức công chứng chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và tập huấn nghiệp vụ, sẵn sàng cho việc vận hành. Khi đi vào hoạt động, công chứng điện tử sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo an toàn thông tin và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ở vùng sâu, vùng xa.”

Văn Phòng công chứng Nguyễn Thành Đông (xã Kỳ Hoa)

Hà Tĩnh hiện có 13 tổ chức hành nghề công chứng, gồm 2 phòng công chứng nhà nước và 11 văn phòng công chứng tư nhân. Trong đó, nhiều đơn vị đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị và đào tạo nhân lực để sẵn sàng chuyển đổi. Hầu hết các đơn vị đều đã triển khai lưu trữ hồ sơ điện tử, thử nghiệm sử dụng chữ ký số.

Ông Nguyễn Thành Đông - Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Thành Đông, xã Kỳ Hoa cho biết: “Chúng tôi xác định đây là cơ hội để nâng chất lượng dịch vụ nên đã chủ động chuyển đổi dữ liệu, chuẩn hóa quy trình và phối hợp chặt với Sở Tư pháp để triển khai hiệu quả.”

Công chứng viên văn phòng công chứng số hóa các hồ sơ công chứng.

Công chứng điện tử không chỉ mang lại sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ công một cách công bằng. Với những bước chuẩn bị, kỹ lưỡng, bài bản, Hà Tĩnh đặt mục tiêu thực hiện công chứng điện tử từ tháng 8/2025, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ số, công dân số từ những thủ tục pháp lý thiết yếu nhất. Khi nền tảng kỹ thuật được hoàn thiện, hành lang pháp lý rõ ràng và người dân chủ động đồng hành, dịch vụ công chứng điện tử sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản trị, hướng tới một nền hành chính hiện đại, phục vụ tốt hơn cho Nhân dân.

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói