Hà Tĩnh - vùng đất hiếu học và khoa bảng

(Baohatinh.vn) - Nhắc đến Hà Tĩnh là người ta nhớ đến một vùng đất hiếu học và khoa bảng với nhiều danh nhân hiền tài, thời nào cũng có những đóng góp cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực…

Ngọn lửa của tinh thần hiếu học được thắp sáng từ ngàn xưa và gìn giữ cho đến ngày nay. Truyền thống khoa bảng của cha ông đã chảy vào huyết quản của thế hệ hôm nay, tạo nên gương mặt mới của giáo dục tỉnh nhà và bản sắc văn hóa Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự khai giảng năm học mới 2014-2015 tại Đức Thọ - một trong những vùng quê giàu truyền thống khoa bảng của tỉnh và cả nước.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự khai giảng năm học mới 2014-2015 tại Đức Thọ - một trong những vùng quê giàu truyền thống khoa bảng của tỉnh và cả nước.

Chưa có một thống kê nào về số lượng người Hà Tĩnh đỗ đạt và được lưu danh trong sử sách qua các triều đại, nhưng theo đánh giá chung của các nhà nghiên cứu văn hóa, người Hà Tĩnh đỗ đạt trong các kỳ thi Hội, thi Đình, được vinh danh Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Tiến sĩ, Hoàng giáp… rất nhiều, thời nào cũng rạng rỡ, kể cả khi nhà nước phong kiến suy tàn. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Tĩnh, đến hết năm 2013, có 501 giáo sư và phó giáo sư là con em Hà Tĩnh, trong đó 100 người là giáo sư. Chắt lọc tinh túy dòng sữa mát lành của quê hương, thừa hưởng tố chất thông minh, truyền thống ham học, kiên trì và chịu khó của gia đình, dòng họ, các danh nhân khoa bảng của Hà Tĩnh đã đóng góp to lớn vào sự phát triển đất nước.

Gia đình, dòng họ hiếu học và khoa bảng

Trải dài theo dãy núi Trường Sơn, Trà Sơn, Hoành Sơn, Tùng Lĩnh, Hồng Lĩnh và các con sông: Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La, sông Lam, nhiều vùng đất Hà Tĩnh đã trở thành địa linh. Ở đó có những gia đình, dòng họ kế tiếp nhau tu chí học hành, rèn giũa bản lĩnh, khai thông trí tuệ và đỗ đạt cao, tiêu biểu là dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền (Nghi Xuân). Nhiều đời nối nhau, dòng họ bên bờ sông Lam này đã nổi danh về văn chương khoa cử với các tên tuổi: Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Khản… Đại thi hào Nguyễn Du sau những năm tháng gió bụi đã gắn bó với quê hương qua những ngày đi câu cá ở biển Đông (với biệt danh là Nam Hải điếu đồ) và đi săn trên núi Hồng Lĩnh (Hồng Sơn liệp bộ). Ông đã sáng tác Truyện Kiều bất hủ và rất nhiều kiệt tác bằng chữ Hán.

Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (thế kỷ XVIII) được sử sách lưu danh bởi ba cha con ông cháu Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ. Thời kỳ vàng son ấy, nhờ nỗ lực vì sự học nước nhà của dòng họ Nguyễn Huy, ở Trường Lưu đã có trường học lớn (“Trường Lưu học hiệu”) và Thư viện lớn (“Phúc Giang thư viện”) với hàng ngàn bản sách gỗ. Bên dòng sông Ngàn Phố, dòng họ Nguyễn Khắc và Đinh Nho (Sơn Hòa, Hương Sơn) đã đóng góp cho nước nhà những tên tuổi không chỉ rạng ngời trong bờ cõi mà còn rạng danh ở nước ngoài, đó là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê; Đinh Nho Công (đỗ Tiến sỹ năm 1670), Đinh Nho Hoàn (đỗ Nhị giáp Tiến sỹ năm 1700). Ngày nay có Đinh Nho Hào - Giáo sư Toán học.

Hà Tĩnh - vùng đất hiếu học và khoa bảng ảnh 2

Tiếp bước truyền thống của cha ông, con em Hà Tĩnh đã và đang lập nên nhiều thành tích trọng học tập, làm rạng danh quê hương, đất nước. (Trong ảnh: Võ Anh Đức - Huy chương vàng Toán quốc tế đầu tiên của Hà Tĩnh)

Ở làng Thu Hoạch cũ, nay là xã Thạch Châu (Lộc Hà) có dòng họ Phan Huy nổi lên như một điểm sáng của vùng biển cửa. Phan Huy Ích đỗ Tiến sĩ (1775), làm quan dưới thời Lê Trịnh. Con trai của ông - Phan Huy Chú là nhà thơ, nhà thư tịch, nhà nghiên cứu phê bình văn học nổi tiếng với rất nhiều trước tác và từng được mệnh danh là nhà bác học. Kế tiếp truyền thống dòng họ, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Văn khắc - Mỹ văn, Học viện Pháp đã cống hiến không mệt mỏi cho nền sử học nước nhà.

Những gia đình khoa bảng thuộc hệ “trâm anh thế phiệt” ở các vùng quê Hà Tĩnh có rất nhiều, như gia đình nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đổng Chi (xã Ích Hậu, Lộc Hà). Cha ông là nhà nho yêu nước Nguyễn Hiệt Chi, chú là nhà yêu nước Nguyễn Hàng Chi. Mẹ thuộc dòng họ Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai cùng xã Ích Hậu. Các con ông đều đi theo con đường nghiên cứu văn hóa. Gia đình Phó Giáo sư Lê Bá Hán (quê xã Đức Bồng, Vũ Quang), có 4 người con, trong đó 1 giáo sư, 3 phó giáo sư. Giáo sư Lê Thị Hoài An hiện đang công tác tại Trường Đại học Lô-ren-nơ (Pháp), 3 phó giáo sư đang công tác ở các trường đại học, cao đẳng trong nước. Gia đình Giáo sư Phùng Hồ (quê Bùi Xá, Đức Thọ), có con trai là Giáo sư Phùng Hồ Hải - Viện phó Viện Toán, vị giáo sư được phong trẻ tuổi nhất Việt Nam v.v...

Làng học sau lũy tre

Hà Tĩnh có rất nhiều làng quê bình dị như bao làng Việt khác nhưng khi nhắc đến, người xa, kẻ gần đều yêu mến và khâm phục bởi tinh thần học tập của các thế hệ. Đầu tiên phải kể đến các làng xã của huyện Đức Thọ: Đông Thái (nay là thôn Châu Phong, xã Tùng Ảnh), Trung Lễ, Yên Hồ.

Những làng xã này chưa ai thống kê hết con số danh nhân khoa bảng, các bậc hiền tài, thức giả với các học hàm từ thời phong kiến đến hiện đại. Tuy nhiên, nhắc đến Tùng Ảnh, người ta nhớ đến miền quê bên dòng sông La và đồi Quần Hội thơ mộng có 1.000 giáo sư, tiến sĩ qua các triều đại với những tên tuổi: Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Giáo sư Phan Anh, Giáo sư Phan Mỹ, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - Trần Phú,…

Các làng học đã phát huy sự học trong thời kỳ mới, con em học giỏi, dân trí cao, làng quê yên bình, văn minh và sạch đẹp. Trung Lễ là quê hương của Giáo sư Toán học Lê Văn Thiêm; Yên Hồ là nơi “chôn rau cắt rốn” của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn mà giới nghiên cứu thường tôn kính gọi là La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Ông đã có những đóng góp to lớn cho nền giáo dục và văn học nước nhà. Yên Hồ cũng là quê hương của Nguyễn Biểu, người anh hùng nổi tiếng chống quân Minh.

Ngoài làng Trường Lưu trứ danh, huyện Can Lộc còn rất nhiều làng học khác qua các thời kỳ như Trảo Nha (Đại Lộc), Nguyệt Ao (Kim Lộc); các làng thuộc xã Thanh Lộc, Tùng Lộc, Khánh Lộc. Dưới chân núi Cài đã từng có câu ca truyền: “Kiệt Thạch tam khoa tam tiến sĩ”. Các làng học của Can Lộc đã đóng góp cho đất nước nhiều danh nhân hiền tài như Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Biên, Nguyễn Trí Trạch, Ngô Phúc Vạn, Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Giai, Hà Tông Mục, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Xuân Diệu… Hương Sơn có các làng Gôi Mỹ, Thịnh Xá, Sơn Tân. Cẩm Xuyên có làng học Cẩm Bình; Thạch Hà có làng học Phù Việt; Lộc Hà có đất học Thạch Châu; TP Hà Tĩnh có tổ dân phố 5 - phường Tân Giang, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh…

Em Phan Thị Minh Nhân (lớp 12 Pháp, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh) là thủ khoa khối D3 trường Đại học Ngoại thương Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua.

Em Phan Thị Minh Nhân (lớp 12 Pháp, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh) là thủ khoa khối D3 trường Đại học Ngoại thương Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua.

Những dòng họ, gia đình, làng quê nhiều đời hiếu học và khoa bảng ở Hà Tĩnh không chỉ đóng góp lớn cho đất nước mà còn làm nên tố chất con người Hà Tĩnh, kiến tạo bản sắc văn hóa Hà Tĩnh để trao truyền cho đời sau.

Cội rễ bền sâu

Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian và lịch sử, kể cả lúc chiến tranh tao loạn, đau thương và đói khổ, các làng khoa bảng và các gia đình, dòng họ cũng như bản thân con em Hà Tĩnh chưa bao giờ lãng quên sự học. Những lớp học sau giờ ra trận của các cô thanh niên xung phong, những lứa học sinh “đội mũ rơm đi học đường dài”. Những ngọn đèn làng học dưới hầm chữ A vẫn tỏa sáng.

Và khi đất nước thanh bình thì khát vọng học tập càng thôi thúc những người con quê hương chăm lo đèn sách, chiếm lĩnh đỉnh cao. Một thế hệ mới của con em Hà Tĩnh đã làm rạng danh truyền thống đất học Hồng Lam: Trịnh Kim Chi - HCV Olympic Toán Đông Nam Á; Phan Mạnh Tân, đoạt vòng nguyệt quế cuộc thi đường lên đỉnh Olympia; Lê Nam Trường - HCB Toán quốc tế; Võ Anh Đức - HCV Toán quốc tế… Còn học sinh đạt giải quốc gia, thủ khoa các kỳ thi đại học trong vòng 20 năm lại nay thì không thể kể hết, trong đó có rất nhiều con em hoàn cảnh khó khăn.

Cội rễ bền sâu của sự học chính là động cơ đúng đắn của người học: học để chiếm lĩnh và làm chủ tri thức, học để thành nhân, để lý trí soi sáng trong mọi hành động và một điều không thể không nói là học để giành bảng vàng và chứng tỏ năng lực bản thân. Cao hơn tất cả là để đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Điều này lý giải rất rõ vì sao những danh nhân khoa bảng mặc dầu đã đi ra nước ngoài vẫn không ngừng hướng về quê hương, đất nước bằng những hành động thiết thực.

Yếu tố khách quan để các nhà khoa bảng ở Hà Tĩnh phấn đấu không mệt mỏi cho con đường khoa cử chính là sự động viên của gia đình, dòng họ, sự cổ vũ của toàn xã hội và sự giáo dục, rèn luyện của nhà trường, thầy, cô giáo. Nhiều ông bố, bà mẹ dãi dầu mưa nắng trên luống cày vẫn nuôi con thành ông nghè, ông trạng. Nhiều dòng họ, làng quê tổ chức đón người đỗ đạt vinh quy bái tổ như ngày hội. Nhiều bậc thầy ngày đêm tìm phương pháp truyền chữ cho trò. Ngày nay, điều kiện kinh tế tốt hơn, cả xã hội lại càng chăm lo sự nghiệp giáo dục. Những học sinh nhà nghèo đỗ đạt cao được các doanh nghiệp đỡ đầu, nuôi ăn học đến khi ra trường.

Ngọn lửa tinh thần hiếu học và truyền thống khoa bảng vì thế ngày càng được gìn giữ và tỏa sáng.

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.