Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác của Trung ương tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, tháng 4/2016.
Bước vào năm 2016, Hà Tĩnh đã liên tiếp phải hứng chịu các đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Hậu quả là hơn 70% diện tích lúa; 30% diện tích lạc, rau màu bị thiệt hại; nhiều gia súc, gia cầm cũng bị chết rét. Khi toàn tỉnh đang dồn lực khắc phục hậu quả thiên tai thì cuối tháng 4 lại xảy ra sự cố môi trường biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, dân sinh; thiệt hại không thể đo đếm được… Đến tháng 10, người dân Hà Tĩnh lại bị nhấn chìm trong 2 đợt mưa lũ, làm 108 xã/phường/thị trấn với 30.111 hộ dân bị ngập. Mưa lũ đi qua, nhiều diện tích hoa màu, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng giao thông bị tàn phá. Ước thiệt hại do các đợt lũ chồng lũ này lên hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Khó khăn chồng chất khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua. Và, sức mạnh đoàn kết đó được minh chứng bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng đông đảo người dân trong việc khắc phục các sự cố, khôi phục sản xuất. Tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; các ngành, địa phương tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa, các trang trại chăn nuôi tập trung có quy mô, mở ra hướng đi mới để người dân vươn lên làm giàu.
Lãnh đạo trung ương, tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư nhấn nút khởi công Nhà máy sản xuất Gỗ ván ép MDF, HHF và gỗ ván thanh – Thanh Thành Đạt tại huyện Vũ Quang
Chương trình xây dựng NTM tiếp tục đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Từ chương trình này đã phát huy tốt vai trò và nguồn lực trong nhân dân, thực hiện thắng lợi cuộc vận động “toàn dân tham gia xây dựng NTM”. Khép lại năm 2016, Hà Tĩnh không còn xã dưới 9 tiêu chí, đồng thời có thêm 30 xã cán đích NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn trên toàn tỉnh lên con số 82 (chiếm gần 35,7% tổng số xã trong toàn tỉnh). Hà Tĩnh đã xác định được hướng đi đúng, lộ trình rõ ràng và xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Chưa bao giờ, nông thôn Hà Tĩnh có nhiều mô hình SXKD phát triển vững chắc như hiện nay. Từ một số mô hình nhỏ lẻ, đến nay, toàn tỉnh đã có 2.800 mô hình SXKD hiệu quả, doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Trong đó, hơn 1.500 mô hình đạt trên 200 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Về các miền quê hôm nay, điều dễ cảm nhận là nơi đây đang khoác trên mình “tấm áo” mới. Quá trình xây dựng NTM không chỉ có đường giao thông, công trình mới mà quan trọng hơn đó là con người mới, tư duy mới, hành động mới để có cuộc sống mới, hạnh phúc, đủ đầy. Đây cũng là yếu tố tạo nên niềm tin, sự đồng thuận, đồng lòng và hỗ trợ tích cực của nhân dân trên nhiều “mặt trận” khác.
Chưa bao giờ, nông thôn Hà Tĩnh có nhiều mô hình SXKD phát triển vững chắc như hiện nay.
Trên lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản, năm 2016 được nhiều người ví là năm “chạm đáy”, bởi thiên tai, dịch họa triền miên. Vậy nhưng, về tổng thể, sản xuất nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá (tăng 4,89% so với năm 2015) và cao hơn so với bình diện chung của cả nước. Trong đó, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 80 triệu đồng/ha; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 52% trong cơ cấu giá trị nông nghiệp (đạt 100% kế hoạch). Kết thúc năm 2016, tổng sản lượng lương thực của tỉnh đạt 56 vạn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Trong sản xuất công nghiệp, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư phù hợp với lợi thế so sánh của địa phương, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tìm ra các “nút thắt” cần tháo gỡ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả. Tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 108 dự án với số vốn đăng ký 4.123 tỷ đồng, tăng 22 dự án so với năm 2015. Trong đó, một số dự án sản xuất quy mô lớn đi vào hoạt động ổn định đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo năng lực sản xuất mới. Với những nỗ lực và giải pháp đó, tình hình sản xuất công nghiệp trong năm tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, song vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với các năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,37% so với 2015.
Về thu ngân sách, UBND tỉnh chủ động thành lập 3 đoàn công tác chỉ đạo thu ngân sách; ngành thuế cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên kết quả thu nội địa cả năm vẫn đạt 5.450 tỷ đồng, tăng 6% so với kế hoạch Trung ương giao.
KKT Vũng Áng vẫn sẽ là "đầu tàu" tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh
Trong điều kiện khách quan với nhiều khó khăn chung, tuy nhiên, năm qua, Hà Tĩnh vẫn vận dụng sáng tạo, linh hoạt cơ chế, chính sách của trung ương phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; huy động có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả, các dòng vốn vẫn tiếp tục chảy về Hà Tĩnh như: nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn FDI... Trong đó, ODA đạt 6.595 tỷ đồng; vốn đầu tư của doanh nghiệp 11.000 tỷ đồng; khu vực FDI trên 23.000 tỷ đồng…
Tình hình QPAN, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản được giữ vững và ổn định. Đặc biệt, một năm với nhiều sự cố, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, nhưng tỉnh vẫn đảm bảo, làm chủ được tình hình. Các lực lượng chức năng, các địa phương đã liên tục mở các đợt trấn áp tội phạm, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh liên quan đến sự cố môi trường biển.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có bước tiến trên nhiều mặt. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Các chương trình, dự án hỗ trợ giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được lồng ghép thực hiện đã góp phần làm giảm hộ nghèo. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả. Việc ứng dụng KHKT, công nghệ thông tin trên các lĩnh vực ngày càng phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quản trị doanh nghiệp, quản lý nhà nước...
Năm 2017, nhiệm vụ hàng đầu được tỉnh xác định là tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2017-2020. Trong đó, nhóm giải pháp hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ này là khai thác tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH và tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn. Đặc biệt là tiếp tục xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế động lực của khu vực và cả nước. Đối với nhiệm vụ xuyên suốt và lâu dài là phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM, cần tập trung, kiên trì thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo phương châm: “Liên kết hóa, xã hội hóa và doanh nghiệp hóa”. Giải pháp cần triển khai sớm đó là tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, xúc tiến đầu tư, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, dồn sức để khai thác tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch nhằm xây dựng một nền văn hóa tương xứng với nền kinh tế tỉnh nhà đang từng ngày phát triển.
Trong gian khó, chúng ta đã tích lũy thêm nhiều bài học, kinh nghiệm, có thêm sự mạnh mẽ, trưởng thành về nhiều mặt. Những thành quả, kinh nghiệm, bài học có được là tiền đề, hành trang quan trọng để Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà tự tin, vững bước trên con đường đi tới.