Ông Mac Thornberry - Ảnh: Star and stripes
Một nửa trong số tiền này sẽ được đầu tư vào hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), mà Mỹ đã triển khai tại Hàn Quốc, và các thiết bị đánh chặn tên lửa khác.
Hãng tin Yonhap ngày 30-5 dẫn tuyên bố từ văn phòng nghị sĩ Mac Thornberry - Chủ tịch Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ - cho biết ông đã trình lên Dự luật củng cố an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tuần trước nhằm nâng cấp các năng lực thiết yếu của quân đội Mỹ, ngăn chặn các hành động gây hấn, phản ứng nhanh chóng với khủng hoảng trong khu vực và thúc đẩy quan hệ đối tác, đồng minh.
“Không cần phải nhắc về gia tăng căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương. Điều quan trọng là Mỹ phải trấn an các đồng minh và bạn bè rằng chúng ta cam kết đối với sự và an ninh tại khu vực, cả trong hiện tại lẫn tương lai” - tuyên bố cho biết.
“Một trong những cách tốt nhất để làm điều đó là tăng cường sự hiện diện quân sự và củng cố sự sẵn sàng của chúng ta ở đó. Để làm được điều đó, chúng ta cần đầu tư vào một loạt các năng lực quốc phòng”.
Dự luật đề xuất đưa khoản chi tiêu 2,1 tỉ USD vào tài khóa kế tiếp và ông Thornberry sẽ đưa nó vào dự luật quốc phòng thường niên sắp tới, dự kiến được đưa ra thảo luận tại Ủy ban quân vụ vào cuối tháng 6-2017.
Theo dự luật, khoảng 1 tỉ USD sẽ dành cho việc củng cố các kho vũ khí và năng lực vũ khí của Mỹ, trong khi một tỉ USD còn lại đầu tư vào THAAD hoặc các hệ thống phòng không và đánh chặn tên lửa tầm thấp hơn.
Ngoài ra, khoảng 15 triệu USD sẽ chi cho diễn tập phòng thủ tên lửa với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và 100 triệu USD cho các cuộc tập trận, đào tạo chung để đối phó với các mối đe dọa tại khu vực.
Dự luật cũng tái khẳng định cam kết mở rộng của Washington tại khu vực, bao gồm duy trì máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân, và yêu cầu một kế hoạch duy trì một lực lượng chiến đấu trên không ở Hàn Quốc nhằm đối phó với các tình huống ở bán đảo Triều Tiên.
Một điểm khác của dự luật đề cập đến củng cố an ninh mạng với kế hoạch diễn tập chung tại châu Á - Thái Bình Dương, cũng như các chiến lược và chiến dịch đối phó với chiến tranh thông tin của Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.