Sau gần 9 tháng xuống giống chăm sóc, hơn 2 sào hành tăm của gia đình bà Phạm Thị Tương ở thôn Hồng Tiến, xã Nghi Xuân hiện đã đến kỳ thu hoạch. Thế nhưng, thời điểm này, hành tăm rớt giá, thương lái không thu mua buộc bà phải bới từng cân đem ra chợ bán lẻ.
Bà Tương chia sẻ: "Đầu vụ gặp phải đợt mưa lớn làm cho gần 1 sào hành tăm của tôi vừa xuống giống bị hỏng phải trồng lại. Nay đến kỳ thu hoạch, hành chỉ bán được giá từ 16 - 20 nghìn đồng/kg, chưa bằng một nửa năm ngoái. Trồng hành tăm mất nhiều thời gian, chi phí chăm sóc tốn kém, với mức giá hiện nay thì người dân hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ".
Ghi nhận tại các xứ đồng, gần 15 ha hành tăm ở các thôn Hồng Tiến, Hồng Khánh, xã Nghi Xuân đã đến kỳ thu hoạch nhưng chỉ lác đác một vài hộ "đội nắng" bới hành. Theo bà con nông dân, thời điểm này năm ngoái, hành tăm thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Thương lái đưa cả xe tải vào tận nhà thu mua hàng tấn. Các hộ phải huy động các thành viên trong gia đình, thậm chí thuê người thu hoạch mới đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Năm nay, giá hành giảm mạnh lại khó tiêu thụ, người nông dân như ngồi trên lửa.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Giang thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền lo lắng thất thu vì giá hành thấp, khó bán. "Tính ra, một sào hành tăm chúng tôi phải chi 6-7 triệu đồng làm đất, giống, phân bón. Với giá bán hiện tại, năng suất bình quân đạt 3-3,5 tạ/sào thì may lắm cũng chỉ hòa vốn. Những ngày qua, các hộ trồng hành ở đây “đỏ mắt” chờ thương lái đến thu mua nhưng vẫn đang trong hy vọng", chị Giang chia sẻ.
Xã Tiên Điền có tổng diện tích khoảng 20 ha hành tăm. Năm nay, nhìn chung hành được mùa với năng suất bình quân 4 tạ/sào. Hầu hết các hộ trồng hành ở đây cũng đang thu hoạch khi có khách đặt mua, còn không để vậy hy vọng chờ giá lên. Đến thời điểm này, toàn xã chỉ mới thu hoạch được khoảng 1/4 so với cùng thời điểm này năm trước.
Qua tìm hiểu được biết, các địa phương trên trồng trên đất pha cát nên có thể thu hoạch muộn. Vì vậy, bà con nông dân ở đây sau khi thu hoạch xong lúa, lạc, ngô mới đến hành tăm. Với giá bán hiện tại, người trồng hành ở đây vẫn muốn thu hoạch để vớt vát nhưng cũng không biết bán cho ai. Lo lắng hơn, hành tăm để lâu quá cũng sẽ nảy mầm, nếu không may gặp trận mưa có nguy cơ thối hỏng.
Chị Phạm Thị Duyên – Chuyên viên Phòng Kinh tế xã Tiên Điền nhận định: Giá hành tăm đang ở mức thấp, có thể do nguồn cung dồi dào. Việc tiêu thụ hành tăm phụ thuộc nhiều vào thương lái khi họ ngưng thu mua hoặc giảm giá do cung vượt cầu, người nông dân gặp khó khăn. Thời điểm này, bà con nông dân cần chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, có thể tìm kiếm các kênh phân phối khác để tiêu thụ...
Những năm gần đây, hành tăm đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của các địa phương trên. Sau khi thu hoạch đều được thương lái thu mua rồi đưa vào các tỉnh phía Nam hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời kỳ cao điểm, giá hành tăm ở đây được thu mua với giá hơn 50.000 đồng/kg. Thế nhưng, năm nay giá rớt thảm, lại vắng bóng thương lái, người nông dân ngậm ngùi vì thất bát.
Theo lãnh đạo các địa phương Tiên Điền, Nghi Xuân, để tránh tình trạng bị ép giá, thị trường tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, thời gian tới các xã sẽ vận động các hộ dân thành lập HTX, tổ hợp tác, đồng thời xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm đảm bảo hành tăm được tiêu thụ ổn định với giá cả hợp lý. Cùng với đó, hỗ trợ người dân trong việc xúc tiến thương mại, theo dõi thị trường và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, khuyến cáo bà con nông dân không mở rộng diện tích để tránh tình trạng cung vượt cầu, gây rớt giá.