Năng suất cao, thị trường tốt, bà con phấn khởi vào vụ thu hoạch chanh

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, xã Mai Hoa (tỉnh Hà Tĩnh) đang vào chính vụ thu hoạch chanh. Với năng suất cao, giá bán ổn định, đây là cây trồng chủ lực đem về nguồn thu nhập khá cho người dân.

bqbht_br_n9.jpg
Những ngày này, từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Loan (thôn Cừa Lĩnh, xã Mai Hoa - huyện Vũ Quang cũ) tất bật ra vườn để thu hoạch chanh. Chanh thu hoạch đến đâu được thu mua đến đó nên người dân rất phấn khởi.
bqbht_br_n10.jpg
Chị Loan chia sẻ: “Với đặc thù của đất sườn đồi và điều kiện khí hậu phù hợp, tôi đã lựa chọn cây chanh để phát triển kinh tế. Với gần 50 gốc chanh cho thu hoạch, trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thu hái từ 1-2 tạ. Giá chanh hiện tại dao động từ 8 – 9 nghìn đồng/kg, tương đối ổn định. Dự kiến toàn bộ diện tích của gia đình sẽ cho thu hoạch gần 2 tấn quả”.
bqbht_br_n7.jpg
Cách đó không xa, ông Nguyễn Đình Túy (thôn Cừa Lĩnh, xã Mai Hoa) cũng đang cân đếm chanh để nhập cho thương lái. Ông Túy cho biết: “Thời điểm này, chanh đang vào chính vụ, sản lượng nhiều, được thương lái thu mua số lượng lớn nên chúng tôi không phải lo lắng về đầu ra. Gần 1 tuần nay, trung bình mỗi ngày tôi xuất bán khoảng 2-3 tạ chanh, đem về thu nhập khoảng 1,8-2 triệu/ngày. Dự kiến gần 60 gốc chanh của gia đình sẽ cho thu hoạch được 1,5 – 2 tấn quả”.
bqbht_br_n11.jpg
bqbht_br_n8.jpg
Theo chia sẻ của nhiều hộ dân, cây chanh cho thu hoạch quanh năm, song vụ chính thường kéo dài từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 dương lịch, trái vụ từ tháng 12 đến tháng 2 dương lịch năm sau. Chanh sau khi trồng từ 12-18 tháng sẽ cho thu hoạch, thời gian thu hoạch có thể kéo dài 15-20 năm. Không những vậy, đây còn là loại cây chịu hạn tốt, quá trình chăm bón không quá phức tạp, chi phí đầu tư thấp.
bqbht_br_n4.jpg
Ông Nguyễn Văn Nghị - Bí thư Chi bộ thôn Cừa Lĩnh (xã Mai Hoa) chia sẻ: “Toàn thôn hiện có hơn 80 hộ trồng chanh, trung bình mỗi hộ khoảng 50-100 gốc chanh. Nhiều năm nay, cây chanh đã trở thành cây trồng chủ lực, đem về nguồn thu nhập khá cho người dân, trung bình mỗi vụ từ 30-50 triệu đồng/hộ. Để nâng cao năng suất, bên cạnh kỹ thuật chăm sóc, hằng năm, người dân cũng chủ động chiết ghép cây mới, loại bỏ những cây già cỗi nhằm duy trì hiệu quả kinh tế mà cây chanh mang lại”.
bqbht_br_n2.jpg
bqbht_br_n3.jpg
Không chỉ tại thôn Cừa Lĩnh, các thôn Cao Phong, Quang Thành… cũng có hàng trăm hộ dân phát triển kinh tế nhờ trồng chanh. Dù mới vào đầu vụ chính, song không khí thu hoạch tại xã miền núi Mai Hoa rất tất bật. Các thương lái trên địa bàn và tại Nghệ An, Quảng Bình đến đặt mua cả vườn.
bqbht_br_n1.jpg
Chị Nguyễn Thị Thanh – thương lái thu mua chanh tại xã Mai Hoa chia sẻ: “Khoảng 1 tuần nay, tôi bắt đầu thu mua từ 2-4 tấn chanh/ngày để gửi đi các chợ đầu mối tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An... Chanh hiện được thu mua với giá từ 8-9 nghìn đồng/kg tùy vào trọng lượng quả. Chanh vùng này nổi tiếng từ lâu nên việc tiêu thụ cũng rất thuận tiện, chúng tôi cũng liên tục cập nhật mức giá theo thị trường, hy vọng giá tăng cao trong thời gian tới để người dân có thêm thu nhập”.
bqbht_br_n5.jpg
Thống kê của UBND xã Mai Hoa, trên địa bàn có gần 350 ha trồng chanh, trong đó, tổng diện tích cho sản phẩm 300 ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 7.500 tấn. Hiện nay, chanh được mua với giá 8 – 9 nghìn đồng/kg, năng suất cao nên bà con rất phấn khởi. Chính quyền địa phương cũng đang đôn đốc bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch; đồng thời, kiểm tra, rà soát thường xuyên để tránh tình trạng găm hàng, ép giá.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR trên địa bàn.
"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, hàng trăm cây phi lao thuộc vùng rừng phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê (xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh trước đây) bị người dân đốn hạ nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa biết xử lý thế nào?
Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Hà Tĩnh đang chú trọng ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giám sát hoạt động khai thác thủy sản thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT VN),
Khi cây lúa lên xanh

Khi cây lúa lên xanh

Dù phải đối mặt với áp lực thời vụ lớn và ảnh hưởng của mưa lũ bất thường, cây lúa vẫn bén rễ, vươn lên mạnh mẽ từ sự bền bỉ và tình yêu với đồng ruộng của người nông dân Hà Tĩnh.
Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Tận dụng tiềm năng ao hồ, mặt nước dồi dào, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tập trung chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích, đầu tư nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng thâm canh, đa dạng hoá đối tượng nuôi.