Khu vực sau Nghĩa trang Nhà Trơn của thôn Hoa Ích Lâm, xã Đức Thịnh (trước thuộc xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ) nhiều năm nay được người dân tận dụng làm bãi chôn lấp lợn bị dịch tả châu Phi. Tuy nhiên, cả khu vực chôn lấp lợn không hề có một biển cảnh báo cho người ra vào khu vực.

Qua tìm hiểu, được biết, mọi công đoạn chôn lấp đều được địa phương thực hiện một cách thủ công, sơ sài. Do không có đường để máy vào nên hố được người dân đào thủ công bằng cuốc, xẻng. Có những thời điểm nắng nóng, đất khô cằn nên người dân đã đào hố và chôn lợn chết ngay bên cạnh mương nước. Đây chính là nguồn gốc khiến mầm bệnh dễ dàng lây lan và phát tán. Phát sinh dịch tả lợn châu Phi từ đầu tháng 5, đến thời điểm này, thôn Hoa Ích Lâm, xã Đức Thịnh có 20/37 hộ có gia súc bị dịch.
Ông Đinh Văn Thành - Phó Trưởng thôn Hoa Ích Lâm, xã Đức Thịnh cho biết: “Địa phương không có quỹ đất dự trữ để quy hoạch điểm chôn lấp lợn bị dịch. Bởi vậy, chúng tôi phải đào lại những hố cũ đã chôn lợn chết ở các năm trước để chôn lấp thời điểm này. Vì thực hiện thủ công nên có khi chúng tôi phải chọn vị trí gần mương nước cho dễ đào. Cũng không biết nguyên nhân lây lan dịch bệnh từ đâu nhưng mới đây, ngày 15/5, tôi đi tiêu hủy lợn cho nhà khác về thì sau đó ít ngày, đàn lợn 8 con, trọng lượng hơn 2 tạ của gia đình tôi cũng bị bệnh và chết”.

Không riêng thôn Hoa Ích Lâm, xã Đức Thịnh, hiện nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đều đang gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi do thiếu quỹ đất phù hợp để chôn lấp lợn bị dịch. Hầu hết, các địa phương đang sử dụng quỹ đất nhỏ ngay cạnh nghĩa trang thôn/xóm để chôn lấp nhưng lại không có biển cảnh báo.
Tại thôn Liên Phố, xã Đồng Tiến (trước thuộc xã Thạch Hội, TP Hà Tĩnh) – khu vực chôn lấp lợn chết nằm sát Nghĩa trang Cồn Lềng, ngay bên cạnh đường giao thông, nhiều người qua lại nhưng không có biển cảnh báo.
“Lâu nay, địa phương phải tận dụng những khoảng đất trống ở khu vực nghĩa trang để chôn lấp lợn bị dịch chứ quỹ đất bố trí riêng thì bất khả kháng. Hiện nay, dịch bệnh lan rộng, diễn biến phức tạp nên chúng tôi hướng dẫn bà con nếu trong vườn nhà, trang trại có quỹ đất thì tiêu hủy ngay trong vườn nhà để đảm bảo công tác phòng, chống dịch” – ông Đặng Thế Mai, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Đồng Tiến cho hay.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp như hiện nay, cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương ưu tiên phương án “4 tại chỗ” bao gồm: chỉ đạo tại chỗ, huy động nhân lực, vật lực, phương tiện tại chỗ.
Theo đó, đối với những trang trại chăn nuôi có diện tích đất lớn nên ưu tiên ngay tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch để hạn chế việc vận chuyển xác lợn đi xa, khiến virus phát tán ra ngoài môi trường.
Theo quy định, địa điểm hố chôn được khuyến cáo phải cách nhà dân, giếng nước, nguồn nước khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m. Tuy nhiên, nhiều hộ dân hiện đang thực hiện chôn lấp trong nhà mà chưa đảm bảo các quy định.

Có mặt tại vườn hộ gia đình bà Nguyễn Thị Cúc ở thôn Liên Phố, xã Đồng Tiến (xã Thạch Hội cũ), chúng tôi chứng kiến hố chôn lợn bị dịch nằm sát ngay bên chuồng trại chăn nuôi, khoảng cách chỉ đạt dưới 3m, không đảm bảo quy định trong tiêu hủy.
“Lợn chết mà chôn trong nhà thì gia đình cũng chỉ có đào hố sau khu vực chuồng nuôi chứ đưa đi khu vực khác trong vườn sẽ ảnh hưởng nhiều vấn đề. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị xã bố trí, quy hoạch một vùng chôn lấp riêng để người dân triển khai tiêu hủy đúng cách nhưng địa phương vẫn chưa bố trí được. Không có bãi chôn lấp, không có lực lượng hỗ trợ nên vẫn có tình trạng người dân vứt lợn chết ra môi trường mà không tiêu hủy, khiến cho dịch bệnh càng lây lan phức tạp” – bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.

Việc tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi là rất quan trọng bởi virus tả lợn châu Phi có khả năng lây lan nhanh và thời gian tồn tại trong môi trường lâu. Nếu không làm tốt quy trình tiêu hủy sẽ là nguyên nhân gây lây lan bùng phát dịch ra diện rộng. Theo cơ quan chuyên môn, có 2 biện pháp tiêu hủy chính là chôn và đốt. Tuy nhiên, việc đốt vừa không có lò chuyên dụng lại tốn kém tiền bạc nên phương án tiêu hủy bằng chôn lấp vẫn là giải pháp tối ưu.
Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh, trong quy định tiêu hủy, lợn chết phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy. Địa điểm hố chôn được khuyến cáo phải cách nhà dân, giếng nước, nguồn nước khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích. Đặc biệt, hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực.

Trước những khó khăn, bất cập trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, nhất là trong công tác tiêu hủy lợn bị dịch, theo cơ quan chuyên môn, thời gian tới, để ngăn chặn đường đi của virus dịch tả lợn châu Phi, các xã trên địa bàn Hà Tĩnh cần ưu tiên rà soát, bổ sung quỹ đất dự phòng, đồng thời áp dụng các biện pháp tiêu hủy an toàn, hạn chế phát tán dịch bệnh, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh, từ năm 2021 đến năm 2023, Hà Tĩnh có trên 18.200 con lợn bị dịch tả lợn Châu Phi, buộc tiêu hủy. Cuối năm 2024 đến nay, dịch tả lợn Châu phi tiếp tục bùng phát lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên địa bàn với gần 3.000 con lợn bị mắc bệnh, phải tiêu hủy, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh.