Hậu phương vững chắc của những người lính quê Hà Tĩnh ở nhà giàn DK1

(Baohatinh.vn) - Vượt qua khó khăn, “hậu phương” của những người lính nhà giàn DK1 quê Hà Tĩnh đã trở thành điểm tựa vững chắc để các anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

"Năm nay là tròn 11 năm cháu đi bộ đội, trong đó 9 năm làm lính Hải quân. Nhà có 3 anh em thì mỗi Cường chọn đi theo nghiệp nhà binh của bố. Người nhỏ con nhưng nó mê làm lính nhà giàn lắm...", đó là những lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Chân (SN 1963), bố Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Cường (SN 1994, thôn Trung Tiến, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên), hiện là Khẩu đội trưởng tại nhà giàn DK1/9.

Hậu phương vững chắc của những người lính quê Hà Tĩnh ở nhà giàn DK1

Trung úy Nguyễn Văn Cường - Khẩu đội trưởng tại nhà giàn DK1/9.

Nói về cậu con trai út, ông Chân cho biết, học hết THPT, Cường mạnh dạn đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự. Năm 2015, Cường trở thành chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau. Đến tháng 11/2023, Nguyễn Văn Cường chính thức trở thành lính nhà giàn DK1.

Hậu phương vững chắc của những người lính quê Hà Tĩnh ở nhà giàn DK1

Trung úy Nguyễn Văn Cường (ngoài cùng bên phải) sum vầy cùng gia đình mỗi dịp nghỉ phép.

11 năm qua, dù thời gian được ở bên con không nhiều nhưng ông Chân luôn tự hào vì con trai đang nắm chắc tay súng ngoài đảo xa, vững chí, bền lòng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

"Dù hiểu rằng, trở thành lính nhà giàn ra nơi đầu sóng nhiều chông gai, thử thách nhưng tôi luôn nhắc nhở con rằng đó là nhiệm vụ cao cả bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Ở đó con sẽ được rèn luyện, tu dưỡng để khi trở lại đất liền sẽ bản lĩnh và vững vàng hơn" - ông Chân nói.

Hậu phương vững chắc của những người lính quê Hà Tĩnh ở nhà giàn DK1

Bữa tiệc đính hôn giản dị của Trung úy Nguyễn Văn Cường và vợ được tổ chức trước khi anh lên nhà giàn 3 ngày. (Trong ảnh: Vợ chồng Trung úy Nguyễn Văn Cường bên phải)

Trong một lần Trung úy Nguyễn Văn Cường được về phép năm ngoái, gia đình anh đã làm lễ dạm ngõ và đăng ký kết hôn cho anh cùng bạn gái. Hai người đã trải qua 10 năm yêu nhau và có một cái kết viên mãn khi tháng 12/2023, vợ anh hạ sinh đứa con đầu lòng. Để con trai yên tâm công tác, mẹ của Trung úy Nguyễn Văn Cường đã lặn lội từ Hà Tĩnh vào TP Hồ Chí Minh để thăm con dâu và phụ chăm cháu.

Bà Lê Thị Oanh - mẹ của Trung úy Nguyễn Văn Cường tâm sự: "Chồng tôi từng là quân nhân nên tôi đã quen với sự vắng mặt của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Với trách nhiệm của một người mẹ, tôi muốn trở thành điểm tựa cho con dâu và cháu. Chỉ mong con trai ở phương xa “chân cứng, đá mềm” vượt qua vất vả, hoàn thành nhiệm vụ cao cả”.

Thấu hiểu được sự hy sinh lớn lao của hậu phương, Trung úy Nguyễn Văn Cường đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, “chắc tay súng, vững chí bền”. Anh chia sẻ: "Dù nhiều khó khăn, gian khổ nhưng giờ đây tôi rất yên lòng vì đã có hậu phương lớn làm điểm tựa tinh thần để tôi yên tâm công tác”.

Hậu phương vững chắc của những người lính quê Hà Tĩnh ở nhà giàn DK1

Cậu con trai kháu khính là trái ngọt tình yêu giữa chị Võ Thị Tình và Trung úy Nguyễn Tuấn Anh.

Mỗi khi theo dõi tin tức về các nhà giàn, nhìn những người lính đảo rắn rỏi trước sóng gió, chị Võ Thị Tình (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) vô cùng tự hào bởi chồng chị - Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Tuấn Anh cũng đang công tác nơi biển xa.

Chị Tình và Trung úy Nguyễn Tuấn Anh (SN 1993, công tác tại nhà giàn DK1/12) quen nhau từ nhỏ. Năm 2022, sau khi thành hôn, chị Tình vào Vũng Tàu thuê trọ gần đơn vị chồng đóng quân để có thể thuận tiện gặp anh hơn. Tổ ấm nhỏ của hai vợ chồng đón niềm vui lớn khi chị Tình biết tin mình mang bầu. Lúc này, chị được mẹ chồng đón về nhà để chăm sóc, dưỡng thai chờ tới ngày sinh nở.

Hậu phương vững chắc của những người lính quê Hà Tĩnh ở nhà giàn DK1

Vợ chồng Trung úy Nguyễn Tuấn Anh và chị Võ Thị Tình.

"Tháng 6/2023, tôi sinh khó nên phải chuyển viện đi Hà Nội trong đêm. Biết tin đơn vị cũng tạo điều kiện cho anh về với mẹ con được một thời gian thì lại vào đơn vị để huấn luyện đi nhà giàn. Thời gian đầu, những lúc con khóc ngặt, ngủ trên tay mẹ suốt đêm tôi lại ước có anh để san sẻ, vỗ vễ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, ở đất liền khó khăn, thiếu thốn cũng chẳng thấm gì so với các anh ở nhà giàn nên tôi cố gắng vững vàng, động viên, tiếp thêm sức mạnh, làm điểm tựa cho chồng yên tâm công tác" - chị Tình tâm sự.

Hậu phương vững chắc của những người lính quê Hà Tĩnh ở nhà giàn DK1

Vợ chồng bà Lê Thị Thủy gọi điện trò chuyện, động viên con trai yên tâm công tác.

Không chỉ chị Tình, ngày con nhận lệnh ra nhà giàn làm nhiệm vụ, bà Lê Thị Thủy - mẹ Trung úy Tuấn Anh cũng suy tư nhiều. Trước khi con đi xa, bà cũng chủ động tìm hiểu về các nhà giàn, biết được các lớp thế hệ trước đã cống hiến để nhà giàn luôn vững chãi, chủ quyền biển đảo luôn được bảo vệ. Vì vậy, bà phấn chấn, tin tưởng con trai sẽ tiếp nối truyền thống của các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn.

Bà Thủy bày tỏ: "Mỗi thành viên trong gia đình đều tự nhắc nhở nhau phải trở thành điểm tựa cho con trai ở nơi xa yên tâm công tác. Ở đất liền, gia đình luôn dõi theo, ủng hộ con vững vàng, kiên định, vượt lên khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó".

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.